Là thôn thuần nông, thôn Phúc Hòa có 235 hộ dân. Những năm qua, người dân nơi đây tích cực thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, đời sống kinh tế ngày một ổn định, bà con có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2020, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt gần 94%; trong đó, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục là 90%.
Bà Nguyễn Thị Hương Quỳnh - Bí thư Chi bộ thôn Phúc Hòa cho biết: "Hàng năm, Ban công tác Mặt trận thôn đã làm tốt vai trò tham mưu trong công tác lãnh đạo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phối hợp với các chi hội, đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, địa phương, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế gia đình".
Nhờ vậy, từ một làng quê thuần nông với 87% số hộ sản xuất nông nghiệp, đến nay, người dân trong thôn đã biết đa dạng các hình thức sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, dịch vụ thương mại.
Hiện, thôn Phúc Hòa đã phát triển được 30 ha bưởi, 7 mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 50 con trở lên. Từ năm 2017 - 2020, nhân dân trong thôn đóng góp hàng trăm triệu đồng tiền mặt, ngày công để hoàn thiện hệ thống giao thôn nông thôn, kéo gần 5 km đường điện thắp sáng trên trục chính đường thôn, trồng hơn 3 km đường hoa; thành lập 9 tổ tự quản. Năm 2021, số hộ khá và giàu trong thôn chiếm trên 51%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,96%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm; nhiều hộ có mức thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm.
Xác định Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn, tác động tích cực đến kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội của địa phương, xã Hán Đà đã chỉ đạo các thôn xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước phù hợp với tình hình thực tế; phổ biến, triển khai các tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa tới từng thôn, từng hộ gia đình.
Ông Nguyễn Minh Chính - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hán Đà cho biết: "Bám sát các nội dung của Phong trào và xuất phát từ thực tiễn, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo và đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và bản sắc văn hóa của dân tộc sinh sống trên địa bàn. Trong đó, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và nội dung của Phong trào đến nhân dân được đặc biệt coi trọng”.
Được biết, hàng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào được củng cố, kiện toàn, phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Công tác tuyên truyền phổ biến, triển khai các tiêu chí của Phong trào gắn với vận động người dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa, thôn văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo đúng chuẩn theo các tiêu chí.
Bên cạnh đó, chính quyền xã quan tâm bố trí đầu tư xây dựng, nâng cấp các điểm sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng phục vụ cho việc sinh hoạt giao lưu văn hóa của người dân.
Đến nay, xã có 8/8 thôn được công nhận thôn văn hóa, 8/8 thôn có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khuôn viên hoạt động văn nghệ thể thao; xã thành lập được 1 đội văn nghệ, 1 câu lạc bộ bóng chuyền hơi; qua bình xét hàng năm trên 93% hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", trong đó trên 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" 3 năm liên tục.
Năm 2021 này, thu nhập bình quân đầu người của Hán Đà đã đạt trên 44 triệu đồng, tăng 1,79 lần so với năm 2019. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, công tác vệ sinh môi trường, an sinh xã hội tiếp tục được phát huy. Đó là tiền đề quan trọng để xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào những năm tiếp theo.
Thanh Tân