Với 8 chi hội, trên 1.170 hội viên tham gia sinh hoạt, để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động, hàng năm Hội LHPN xã luôn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến 100% chi hội, hội viên. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hưởng ứng, duy trì đăng ký thực hiện Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi” để trở thành hoạt động thiết thực ở các chi hội.
Bà Lý Thị Đặng - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: "Nhờ đẩy mạnh Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, hiện nay, các hội viên phụ nữ trong Hội đã xây dựng được 178 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm; 48 mô hình cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm; 29 mô hình cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng trở lên/năm. Qua đó, không chỉ tạo phong trào thi đua, môi trường học hỏi lẫn nhau mà các mô hình đã mang lại thu nhập ổn định để cải thiện, nâng cao đời sống gia đình các hội viên; một số mô hình còn tạo và giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
Điển hình trong phát triển chăn nuôi lợn là mô hình của các hội viên: Nguyễn Thị Điều, Trần Thị Miền, Dương Thị Tươi, Nguyễn Thị Xuyến ở Chi hội Toàn An; nuôi vịt đẻ như mô hình của hội viên Nguyễn Thị Hà ở Chi hội An Khang; mô hình nuôi gà thương phẩm của hội viên Lý Thị Nga ở Chi hội Toàn An; kinh doanh dịch vụ gồm mô hình của các hội viên: Phạm Thị Loan ở Chi hội Chèm, Nguyễn Thị Hoa, Chi hội Toàn Thắng, Nguyễn Thị Mến, Chi hội Lâm Trường, Nguyễn Thị Anh, Chi hội Đức An... đều cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm.
Là một trong những hội viên tích cực thực hiện Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, bà Nguyễn Thị Chi ở Chi hội An Khang đã làm chủ mô hình chăn nuôi lợn quy mô gần 100 con. Bà Chi chia sẻ: "Trước đây, tôi cũng làm đủ nghề nhưng do công việc không tập trung nên thu nhập bấp bênh. Nhờ sự quan tâm, động viên và định hướng của Hội LHPN xã và cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2019, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để phát triển mô hình nuôi lợn với quy mô 100 con/lứa”.
Đi đôi với phát triển các mô hình đơn lẻ trong từng hộ, để nâng cao sức cạnh tranh cũng như tạo môi trường học hỏi, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc và thông tin thị trường tiêu thụ, Hội đã thành lập được 2 tổ hợp tác chăn nuôi lợn với 6 thành viên, mỗi thành viên duy trì tối thiểu từ 5 lợn nái và 20 lợn thịt trở lên, góp phần không nhỏ vào nâng cao hiệu quả chăn nuôi của các hội viên.
Cùng với phát triển chăn nuôi, Hội còn có hàng trăm hội viên có điều kiện về đất đồi, soi bãi để đầu tư phát triển kinh tế rừng như: trồng quế, bồ đề, keo, mỡ và trồng cây ăn quả như: cam, bưởi, chanh tứ thời, chuối... mang lại thu nhập khá và ổn định mỗi năm.
Ngoài Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, Hội còn vận động hội viên hưởng ứng nhiệt tình các cuộc vận động: "Rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và xây dựng gia đình "5 không 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Qua đó, các hội viên phụ nữ xã đã duy trì vệ sinh 8 đoạn đường tự quản; 110 mô hình nhà sạch, vườn đẹp; vận động tiết kiệm được trên 200 triệu đồng giúp các hội viên khó khăn phát triển kinh tế; xây dựng 2 mô hình "5 không 5 sạch” ở Chi hội Chèm và 2 mô hình dân vận khéo khác.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, hết năm 2021, tỷ lệ hội viên có kinh tế khá, giàu chiếm trên 32%, hội viên thuộc diện hộ nghèo là 0,76%, góp phần giảm hộ nghèo của xã Đông An còn 273/1.629 hộ theo tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025.
A Mua