Bé N.T.V.A ở phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh đã bị chính người sống trong gia đình hành hạ, đánh đập đến tử vong. Càng xót xa hơn khi vụ việc lại xảy ra ở một khu chung cư tại một thành phố đông đúc - nơi có nhiều tổ chức, nhiều dịch vụ bảo vệ trẻ em nhất cả nước mà không bị tố giác để ngăn chặn kịp thời. Nhìn lại vụ việc để thấy hậu quả của sự ngại ngùng, e sợ can thiệp vào việc "dạy dỗ con của nhà người ta".
Tỉnh Yên Bái hiện có 253.410 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 3.932 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trên 60.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em, công tác phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ trẻ em ngày càng chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho mọi trẻ em cần bảo vệ được tiếp cận với dịch vụ xã hội.
Đến nay, các dịch vụ bảo vệ trẻ em được cung cấp theo 3 cấp độ: phòng ngừa; hỗ trợ kịp thời nhằm phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại; can thiệp, trợ giúp, chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.
Đường dây nóng bảo vệ trẻ em của tỉnh 18001776 đặt tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh cũng được duy trì hoạt động từ tháng 6/2014, đồng hành cùng tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 có chức năng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khẩn cấp; tư vấn hỗ trợ tâm lý; cung cấp thông tin chế độ trợ giúp xã hội; tư vấn dịch vụ tự nguyện; kết nối các dịch vụ xã hội.
Mỗi năm, Trung tâm tư vấn miễn phí hàng trăm cuộc gọi từ đường dây này. Năm 2021, Trung tâm đã xây dựng 2 phóng sự truyền thông về các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội; cấp phát 3.500 tờ rơi truyền thông.
Qua đó, số lượng người dân biết đến Trung tâm và liên hệ để được trợ giúp, tư vấn theo đường dây nóng 18001776 ngày càng tăng lên đáng kể. Nhờ đó, trong năm, Trung tâm đã xác minh, thu thập thông tin, can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho 7 trường hợp: 1 trẻ bị bỏ rơi, 1 trẻ bị bạo lực học đường, 3 trẻ bị xâm hại, 2 người lang thang cơ nhỡ; 61 trường hợp tại cộng đồng được quản lý, trợ giúp; kết nối, trao bảo trợ hàng tháng cho 20 - 25 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ Trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động can thiệp khẩn cấp, cụ thể: liên hệ với UBND xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thẩm quyền để kiểm tra thông tin, báo cáo, tố giác ban đầu; chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới ban bảo vệ trẻ em cấp xã, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã để thực hiện hoạt động can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em.
Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này; tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em; kết nối, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình tiếp cận các dịch vụ xã hội chuyên sâu: trị liệu tâm lý, chăm sóc y tế, hỗ trợ tạm lánh, giáo dục, học nghề…
Trong trường hợp trẻ có nguy cơ đến sự an toàn sẽ được Trung tâm hỗ trợ tạm lánh, nơi ở cách ly với kẻ gây tổn hại cho trẻ, giúp trẻ có nơi ở an toàn, được cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, khám chữa bệnh ban đầu; tư vấn hỗ trợ ổn định tâm lý.
Để bảo vệ trẻ em khỏi những vụ việc xâm hại, bạo hành, rất cần sự chung tay vào cuộc của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là hãy lên tiếng!
Luật Trẻ em 2016 đã quy định về trách nhiệm cung cấp, xử lý, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi là của mọi cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền.
- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111
- Đường dây nóng bảo vệ trẻ em miễn phí của tỉnh Yên Bái: 18001776 |
Hoài Anh