Cách thủ đô Moskva khoảng 100km, xí nghiệp may Sarlanter, ở thị trấn Kirzhach từ lâu là một cơ sở kinh doanh uy tín. Thương hiệu Sarlanter của xí nghiệp đã được đăng ký đầy đủ.
Chủ sở hữu xí nghiệp, ông Đỗ Văn Tiếu và bà Lê Thị Là, người gốc Gia Lâm, Hà Nội, luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống, thu nhập của người lao động.
Chính vì thế bất chấp tình hình đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp suốt 2 năm qua tại Liên bang Nga, xí nghiệp vẫn duy trì được khoảng 40 công nhân người Việt Nam có việc làm và thu nhập ổn định.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Văn Tiếu cho biết do tình hình thị trường tiêu thụ cũng như ngoại tệ có lúc những lúc biến động mạnh, để duy trì được số công nhân may ổn định như hiện nay, ngay từ khi bắt đầu đại dịch, ông đã xác định mục tiêu chính của xí nghiệp là duy trì sản xuất, thu nhập ổn định cho người lao động, dù có bị thua lỗ.
Chính nhờ quyết sách sáng suốt này mà xưởng may Sarlanter hiện sản xuất ra không đủ để đáp ứng nhu cầu và phải tuyển thêm cả người lao động Tajikistan cũng như người Nga bản địa vào làm việc.
Chúng tôi đến xí nghiệp may Sarlanter ở thời điểm Năm mới cận kề, tuy nhiên những người công nhân Việt Nam vẫn chăm chỉ, tranh thủ chưa đến giờ liên hoan để may thêm sản phẩm nhằm tích góp thêm thu nhập gửi về Việt Nam.
Anh Phùng Đức Long, quê Ba Vì, Hà Nội, sang làm việc tại xí nghiệp từ năm 2013. Anh Long cho biết thu nhập anh gửi về nhà trung bình là 1.600 USD mỗi hai tháng. Tiền chi cho hai cháu nhà anh ăn học khá tốn kém, chính vì vậy anh nỗ lực làm việc ở đây để có tiền cho các con ăn học.
Anh Long tâm sự: "Nói chung là khi xa quê hương ai cũng nhớ về gia đình, nhất là Tết đến Xuân về như thế này. Đó là truyền thống của người Việt mình. Dù mình đi làm xa nhưng luôn nhớ về quê hương. Bây giờ mạng Internet rất phát triển, mình có thể thường xuyên nói chuyện với con cái, vợ ở nhà qua mạng. Xem gia đình chuẩn bị Tết, mình cũng thấy rất là vui vẻ phấn khởi chứ không như ngày xưa. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức đón Tết, tổ chức gói bánh chưng, mổ gà và chuẩn bị Tết nói chung rất vui vẻ.”
Chị Vũ Thị Thúy Nga, quê Hải Phòng, hai vợ chồng cùng làm ở xí nghiệp đã 6 năm. Chị Nga, đang mang thai cháu gái thứ 2 tháng thứ 8, còn cháu trai 10 tuổi đang ở Việt Nam, bày tỏ: "Tất nhiên là nhớ con, nhớ gia đình cũng như nhớ các món ăn của Việt Nam.”
Anh Tạ Quốc Thắng, quê Nghệ An, Giám đốc phụ trách sản xuất, đón mùa Xuân thứ 5 tại xí nghiệp, cho biết: "Ở đây mọi người đón Xuân rất là vui. Mọi người rất cố gắng tạo nên sự đoàn kết. Đoàn kết rất quan trọng trong xí nghiệp, khi mà anh chị em xa quê và đón Xuân, Năm mới ở xa.”
Anh Thắng cho biết chiếc áo dài Việt Nam anh đang mặc được gửi từ Việt Nam sang, và "cũng vừa tới đúng hôm nay, nên em rất vui, vì khi mọi người nhìn thấy áo dài là mọi người nhớ tới quê hương, và nhớ tới đất nước Việt Nam của mình.”
Theo anh Thắng, trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, xí nghiệp đã có những nỗ lực nhất định, người lao động không còn lo về dịch bệnh nữa, vì tất cả công nhân đều đã tiêm 3 mũi vaccine, đồng thời xí nghiệp cũng có những biện pháp phòng chống COVID-19.
Cùng cất cao tiếng hát trong buổi liên hoan mừng xuân mới Nhâm Dần.
Bày tỏ tình cảm của mình hướng về quê hương, anh Thắng gửi lời chúc mẹ mình ở Việt Nam mạnh khỏe, "con ở phương xa thì niềm vui và hạnh phúc lớn nhất là khi mẹ mạnh khỏe, mùa xuân, năm mới được đón Tết vui vẻ cùng gia đình. Tuy thiếu vắng con nhưng mong mẹ hạnh phúc và tự hào vì con luôn luôn hướng về gia đình và quê hương của mình,” anh Thắng nói.
Anh Trần Văn Phước, quê Kiên Giang, năm thứ 4 ăn Tết tại Nga chỉ bày tỏ: "Mong muốn toàn thể anh chị em ở đây và người thân tại Việt Nam có nhiều sức khỏe để chống đại dịch COVID-19. Đây là mong muốn lớn nhất của em. Vì có sức khỏe là mình làm kiếm được tiền.”
Xí nghiệp đã tổ chức buổi liên hoa đón mừng Năm mới ấm áp cho các công nhân với pháo hoa, cành đào, lời ca tiếng hát "cây nhà lá vườn,” những tiếng reo hò, chúc tụng mừng năm mới.
Đặc biệt là những nụ cười vô tư, ánh mắt lấp lánh của các chàng trai, cô gái người Việt. Xuân xa quê song trong lòng họ vẫn ấm áp bầu không khí đoàn kết, hân hoan.
(Theo Vietnam+)