Khó có thể tin nổi những gì đang tận mắt chứng kiến: đường bê tông đã trải dài khắp bản; những nếp nhà được kiên cố hóa vững chãi; từng đàn trâu, bò nhẩn nha kiếm ăn dọc các triền núi; rừng thông mã vĩ thẳng tắp xanh ngắt một màu… Vẫn là chênh vênh núi, quanh co đường, hun hút vực - những nguy hiểm thường thấy ở vùng cao nhưng con đường lên bản giờ đã khác rất nhiều khi được bà con nhân dân cùng nhau san phẳng, mở rộng, lại được Nhà nước đầu tư kiên cố hóa với chiều rộng 3 mét, bề dày 18 cm bê tông cốt thép chắc chắn chạy dài khắp bản.
Khắp triền núi, những vạt rừng xanh mướt, xen lẫn sắc hồng đặc biệt của những tán hoa đào phai và những bông chuối rừng đỏ rực; họa mi núi lanh lảnh cất tiếng giữa lưng chừng trời khiến cho không gian như mở rộng, thời gian như ngưng lại để dành chỗ cho sự thăng hoa của núi rừng hùng vĩ độ xuân về...
Nhà của Trưởng bản Hảng A Phổng nằm gần cuối bản, cũng là một trong những ngôi nhà thuộc diện tái định cư sau bão lũ. Trước khi quay trở lại đây, chúng tôi đã được nghe đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải giới thiệu: "Đấy là một trong những trưởng bản "được việc” nhất vùng”. Ngoài sự nhiệt tình, ham học hỏi, tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng Hảng A Phổng lại là người rất có uy tín trong cộng đồng, được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bà con dân tộc Mông trong bản”.
Quả thật, tuy lần đầu gặp mặt nhưng ấn tượng của tôi về chàng trưởng bản trẻ tuổi này khá sâu đậm. Khi được hỏi về từng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của người dân trong bản, anh đều trả lời vanh vách. Từ việc bản có 117 hộ dân, 658 khẩu, 24 hộ thuộc diện tái định cư đến việc cả bản có 165 con trâu, 108 con bò, hơn 500 con lợn, hơn 3.000 con gia cầm…, nhà ai có bao nhiêu người, nuôi con gì, trồng cây gì… anh nắm rõ như trong lòng bàn tay.
Hảng A Phổng bảo: "Kể từ khi về khu tái định cư này, người dân ai nấy đều rất phấn khởi. Không chỉ vì đây là vị trí an toàn tránh được thiên tai, bão lũ mà còn vì bà con được ở gần nhau hơn, có điều kiện bảo ban nhau cùng làm ăn phát triển kinh tế”.
Lãnh đạo xã Dế Xu Phình đến vui tết cổ truyền cùng gia đình ông Hảng Chờ Tủa - hộ tái định cư trên bản Phình Hồ.
Thật vậy, nhìn cái cách mà người dân bản tái định cư Phình Hồ tự "quy hoạch” trong dựng nhà, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi, thậm chí đào cả ao thả cá… mới thấy được hết ý thức vươn lên thoát khỏi cái đói nghèo của họ: những ngôi nhà được dựng trên nền đất trống, cách xa ta-luy, xa khe nước; chuồng trại nhốt gia súc được làm xa nơi ở; nhà vệ sinh được xây dựng đúng quy cách, tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đồng chí Lê Ngọc Minh - Bí thư Đảng ủy xã Dế Xu Phình cho biết: "Phình Hồ tuy là bản tái định cư nhưng hiện lại là bản "khá” nhất xã đấy. Nếu tính sơ sơ, phải có đến gần 60% hộ dân trong bản có nông cụ sản xuất nông nghiệp hiện đại như: máy cày, máy bừa, máy gặt, máy tuốt lúa, máy xay xát… Nhà nào cũng có thiết bị nghe nhìn, có tủ lạnh, có xe gắn máy. Nhà nào cũng đảm bảo tự cung tự cấp lương thực, chưa kể bán ra thị trường”.
Đối với một bản vùng cao vốn đã phải gánh chịu bao tàn phá, thiệt hại nặng nề của thiên tai thì điều mà đồng chí Bí thư Đảng ủy xã "tiết lộ” thật đáng tự hào. Duy chỉ một điều duy nhất còn trăn trở, ấy là điện lưới quốc gia tuy đã về đến xã nhưng vẫn chưa "có mặt” được ở bản này.
Song, trong lộ trình xây dựng và ra mắt bản nông thôn mới vào năm 2022 này, chắc chắn Phình Hồ sẽ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, xây dựng đường điện an toàn, đảm bảo để sử dụng và sản xuất, để điểm sáng của bản nông thôn mới sẽ thực sự được lan tỏa trên mảnh đất của những con người đầy nghị lực, ý chí này.
Mùa xuân đã đến rất gần! Trong sắc xuân tươi thắm ấy, hình ảnh những mái nhà lợp phi-bờ-rô-xi-măng, lợp tôn xốp, tôn vảy hiện đại… chênh chếch nhau hòa mình giữa bạt ngàn hoa mơ, hoa mận, hoa tớ dày vùng cao, mờ ảo trong mây trời, xen giữa ruộng bậc thang hùng vĩ thực sự làm mê đắm lòng người.
Ở bản tái định cư này, người dân chắc chắn sẽ lại được đón thêm một cái tết cổ truyền thật vui và ý nghĩa. Niềm vui ấy được xuất phát từ nỗ lực vượt qua gian khó của đồng bào với sự giúp sức tích cực từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Tin rằng, cùng với thói quen "ăn chung một tết” đã trở nên thân thuộc với đồng bào Mông, đức tính sẻ chia, yêu thương, đùm bọc sẽ luôn thấm đẫm trong lòng những người con nơi đây, giúp họ cùng nhau vượt khó, vươn lên, đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.
Thiên Cầm