Con đường nhỏ uốn lượn qua các vườn đồi đưa chúng tôi đến với Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng. Nhìn từ trên cao xuống, Bản Lùng hôm nay như thị tứ thu nhỏ với hàng trăm ngôi nhà xây kiên cố, cao tầng nằm san sát nhau. 126 hộ, 625 nhân khẩu Bản Lùng càng vui hơn khi thôn vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Điều gì làm cho Bản Lùng đổi thay nhanh đến vậy, khi 3 năm trước, trong trận lũ quét lịch sử năm 2018, nhiều hộ gia đình trong thôn lâm vào cảnh trắng tay, không nhà, không tài sản, cả thôn xơ xác, hoang tàn, đất đá ngổn ngang (15 nhà ở bị lũ cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, 5 nhà bị hư hỏng nặng, 40 hộ bị ảnh hưởng phải di dời đến nơi an toàn; 52 ha lúa, 10 ha ngô bị vùi lấp; 8 cầu dân sinh, ngầm tràn bị phá hủy).
Ông Ngô Văn Minh - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Bản Lùng nhớ lại: "Khi lũ qua đi, tôi nghĩ người dân trong thôn không biết bao giờ mới khắc phục được hậu quả, nhưng sự quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, đặc biệt sự vươn lên mạnh mẽ của người dân chính là động lực để Bản Lùng hồi sinh và có sức sống mãnh liệt như hôm nay”.
Cũng như ông Minh, khi nhắc đến trận lũ năm 2018, các ông, bà: Mai Văn Tân, Hoàng Thị Hiền, Ngô Văn Long… vẫn luôn ám ảnh giây phút chứng kiến tài sản và nhà cửa của nhiều hộ dân bị lũ cuốn trôi. Vậy mà, biến đau thương, mất mát thành hành động, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, khi chuyển về nơi ở mới, họ đã vươn lên mạnh mẽ.
"Khi về khu tái định cư này, gia đình tôi cũng như các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ vốn để làm nhà ở, rồi đầu tư chuồng trại để chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã có 12 con trâu bò, cuộc sống đã sang trang mới” - ông Mai Văn Tân chia sẻ.
Nhờ xác định người dân là vai trò chủ thể và tích cực tham gia các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tập trung thâm canh tăng vụ, thí điểm đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào nuôi trồng, sản xuất; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp tiêu biểu, có hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao và sự đổi mới, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, chủ động với nhiều cách làm hay, hiệu quả của cấp ủy chính quyền, đến nay, 100% hộ dân ở Bản Lùng có nhà ở kiên cố, đời sống kinh tế ổn định. Cả bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.
Chia tay với Bản Lùng, chúng tôi về Bản Tủ, xã Sơn Lương (Văn Chấn) trong những ngày đầu xuân mới. Con đường bê tông sạch đẹp trải dài tới cuối bản, những ngôi nhà mới mọc lên san sát tạo nên khu tái định cư sầm uất. Niềm vui hiển hiện trên từng gương mặt của mỗi người dân nơi đây khi họ đã thích nghi, thay đổi phương thức sản xuất, xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Lường Văn Thoan - Trưởng thôn Bản Tủ cho biết: "Cơn bão số 3 vào tháng 7/2018 gây ra nhiều hậu quả nặng nề, làm 7 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, hơn 40 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp về nhà ở, hơn 80 hộ dân bị ảnh hưởng hoa màu. Sau lũ, chúng tôi được tỉnh, huyện bố trí về khu tái định cư mới với các hạng mục về đường, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa và quỹ đất dành cho gần 50 hộ gia đình. Nhờ tinh thần đoàn kết, vượt khó trong lao động sản xuất, đến nay Bản Tủ đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới”.
Kết quả là vậy, song trong quá trình kiến thiết cuộc sống mới ở khu tái định cư, người dân ở Bản Tủ cũng gặp muôn vàn khó khăn nhưng rồi với ý chí, quyết tâm cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp người dân sớm tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, đặc biệt áp dụng các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống của 147 hộ trong Bản Tủ đang khởi sắc từng ngày...
Vậy là, sau hơn 36 tháng định cư trên vùng đất mới, bằng sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự cần cù, sáng tạo, vượt khó trong đời sống và lao động sản xuất, người dân ở Bản Tủ, Bản Lùng đã bước sang một trang mới mang gam màu tươi sáng của ấm no và hạnh phúc.
Văn Tuấn