Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, đến thăm thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, chúng tôi được nghe anh Thào A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Lau kể về những đổi thay trong đời sống của bà con nơi đây. Theo anh Thào A Giàng, trước đây, đời sống của người dân trong thôn Tàng Ghênh rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mà nguyên nhân chính là người dân chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất, hiệu quả thấp.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương và nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước thoát nghèo bền vững…
Điển hình là gia đình anh Giàng A Di, dân tộc Mông ở thôn Tàng Ghênh trước đây gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi và không có vốn đầu tư. Nhờ được tuyên truyền, vận động và hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo của các tổ chức, đoàn thể, anh Di đã xây dựng được mô hình trồng quế và chăn nuôi trâu, bò. Hiện, gia đình anh có 10.000 cây quế, 3.000 m2 ruộng và đàn trâu 3 con. Sau 4 năm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thì nay anh đã trả hết nợ và năm ngoái được công nhận thoát nghèo.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021, toàn tỉnh hiện có 39.721 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, tương ứng với tỷ lệ 18,07% và 17.243 hộ cận nghèo, tương đương với 7,85%. Trong đó, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 33.697 hộ, tỷ lệ nghèo trong các hộ dân tộc thiểu số là 35,68%, cao gấp 1,97 lần so với tỷ lệ nghèo chung toàn tỉnh.
Năm 2022, tỉnh xác định chỉ tiêu giảm nghèo là 4%, bằng với chỉ tiêu giảm nghèo đã đề ra trong suốt giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, so với các năm của giai đoạn trước, việc hoàn thành chỉ tiêu 4% của năm 2022 sẽ gặp khó khăn do là năm đầu thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới.
Việc bố trí nguồn lực cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành trung ương sẽ không thể kịp thời, đồng bộ ngay từ đầu năm. Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 có tính toàn diện hơn chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.
Do đó, để giúp các hộ thoát nghèo theo chuẩn mới, đòi hỏi phải có sự tác động về nhiều mặt để giúp họ vừa nâng cao thu nhập vừa xóa được chiều thiếu hụt; trong đó, có một số thiếu hụt rất khó giải quyết là thiếu hụt về dinh dưỡng, thiếu hụt về nhà ở...
Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Để thực hiện tốt các mục tiêu trong lĩnh vực giảm nghèo, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên bám sát các cơ quan ngành dọc cấp trên để kịp thời cập nhật, nắm bắt các chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo.
Giữa chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có rất nhiều nội dung, chính sách, đối tượng hỗ trợ giống nhau như các dự án hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về việc làm, dạy nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất; do đó, sau khi các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, các sở, ngành cần tích cực phối hợp hướng dẫn các địa phương có kế hoạch lồng ghép để triển khai. Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu với UBND tỉnh trình ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch giảm nghèo năm 2022; trong đó, dự kiến sẽ tiếp tục giao nhiệm vụ cho một số sở, ngành, cơ quan đơn vị cấp tỉnh phụ trách, giúp đỡ một số hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo”.
Quang Thiều