Năm 2009, Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải do Hội LHPN tỉnh và huyện Mù Cang Chải thành lập, Công ty CRAFT LINK Hà Nội hỗ trợ. Chị Lý Thị Ninh - người phụ nữ Mông ở bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha làm Tổ trưởng Tổ hợp tác. Từ 27 thành viên ban đầu, đến nay, Tổ hợp tác đã có 45 thành viên, doanh thu năm 2015 đạt 200 triệu đồng, đến 2019 đạt trên 600 triệu đồng.
Năm 2020, chị Ninh mạnh dạn đưa sản phẩm của Tổ hợp tác tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị là 1 trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được trao Giải "Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững”.
"Từ một phụ nữ Mông không biết gì về kinh doanh, được sự giúp đỡ của hội phụ nữ các cấp, đến nay, tôi tự tin với việc sản xuất, kinh doanh với chính sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, việc được trao giải càng giúp tôi tự tin trong công việc này không chỉ để nâng cao thu nhập cho mình mà còn có thể giúp cho những phụ nữ Mông khác từng bước vượt qua tư tưởng tự ti, an phận của phụ nữ vùng cao nơi đây” - chị Lý Thị Ninh chia sẻ.
Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Từ năm 2017 đến 2021, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố lựa chọn giới thiệu 52 ý tưởng tham gia Cuộc thi. 10 ý tưởng đã được vào vòng thi cấp vùng, trong đó 3 ý tưởng lọt vào vòng chung kết, được tôn vinh và trao giải với tổng trị giá trên 600 triệu đồng để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ 14 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công.
Không chỉ khích lệ động viên về mặt ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, để tạo điều kiện về vốn, các cấp hội phụ nữ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh và thương nhân vùng khó khăn, giúp các hộ hội viên phụ nữ tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức "Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”, tọa đàm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, trưng bày 99 gian hàng giới thiệu các sản phẩm của nữ doanh nhân và hội viên phụ nữ trong tỉnh, thu hút trên 5.000 người tham gia; tích cực tham gia các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm do hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai.
Được tạo điều kiện về vốn, khích lệ về ý tưởng cùng hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp, nhiều chị em đã mạnh dạn làm chủ hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Trong 3 năm qua, 32 tổ hợp tác với 443 thành viên, 14 doanh nghiệp và 588 tổ hợp tác do nữ làm chủ được thành lập và ra mắt. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, giúp nhiều chị em có việc làm và thu nhập ổn định.
"Ngoài khó khăn trong tiếp cận tài chính, đa số phụ nữ khi khởi nghiệp và phát triển kinh doanh đều thiếu kiến thức, kỹ năng và hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi vậy, Đề án cũng chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động để trang bị, bổ trợ những thiếu hụt này cho chị em” - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Thị Đóa chia sẻ.
Theo đó, 2.000 cuốn tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp kinh doanh sáng tạo cho phụ nữ và 1.000 tờ rơi tuyên truyền về khởi nghiệp được cấp phát tới 100% cơ sở Hội, làm tài liệu giúp cho các cấp hội tuyên truyền về Đề án và các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đến cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở.
Các kiến thức, nhận thức về liên doanh, liên kết gắn với chuỗi giá trị; phát huy các giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương; các kinh nghiệm, cơ hội hợp tác; cách thức thành lập hợp tác, tổ hợp tác… đã được các cấp Hội phụ nữ phối hợp với đơn vị liên quan triển khai, hỗ trợ tới các cơ sở Hội và hội viên.
Đặc biệt, nhằm giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc lập kế hoạch khởi sự kinh doanh, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì tổ chức 18 lớp tập huấn cho trên 700 phụ nữ là quản lý, thành viên doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với các kiến thức được truyền đạt, trao đổi như: làm thế nào để bắt đầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội; vận hành hoạt động doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm; các chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh về việc chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Với các hoạt động đó, trong 3 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ 1.334 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, trên 2.370 lượt phụ nữ tham gia tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Thị Đóa nhận định: "Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp. Các hoạt động của Đề án đã thúc đẩy các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, hội viên, giúp phụ nữ tự tin trong khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội bám sát mục tiêu, hoạt động, giải pháp cụ thể của Đề án và nguồn lực của Hội để triển khai có hiệu quả các hoạt động của Đề án”.
Thu Hạnh