Mô hình trồng ớt xuất khẩu có diện tích 1.500 m2 của gia đình chị Nông Thị Nga - thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ tham gia vào tổ hợp tác của Đoàn thanh niên xã Thanh Lương.
Tổ hợp tác trồng ớt xuất khẩu này có sự tham gia của 24 thành viên với diện tích gieo trồng 4,2ha. Các thành viên tham gia trồng 1 hoặc 2 loại ớt là ớt Jalappeno (màu xanh) và ớt Banana (màu vàng) trên diện tích đất của gia đình với sự cung ứng trước về giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Trong đó, các hộ tham gia phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất VietGAP, bảo đảm an toàn chất lượng của sản phẩm cũng như đảm bảo lợi ích hoạt động của Tổ hợp tác và các thành viên tham gia. Theo tính toán mỗi năm, cứ 1000 m2 ruộng sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn mỗi năm, trừ chi phí cho thu nhập trên 40 triệu đồng.
Chị Nông Thị Nga cho biết: " Quá trình trồng và chăm sóc, tôi được tổ hợp tác của Đoàn xã đến tận nơi để hướng dẫn cách chăm sóc. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã thu được 3 lứa, cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa".
Để tạo điều kiện để các đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương, Đoàn xã Thanh Lương đã hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập 5 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, gồm: tổ hợp tác nuôi gà thả vườn, 2 tổ dưa hấu, tổ nuôi bò cái sinh sản. Thành viên các tổ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng; tham quan các mô hình trồng rau an toàn, nuôi trâu bò hiệu quả; hỗ trợ vốn vay ưu đãi; được định hướng đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, quảng bá sản phẩm và mở địa điểm cung cấp thực phẩm sạch cho người dân, quán ăn có nhu cầu…
Chị Hà Thị Vỹ - Bí thư Đoàn xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Các tổ hợp tác đã góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên sau học chưa tìm được việc làm. Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục duy trì hoạt động các tổ hợp tác hiện có và tiếp tục ra soát thành lập mớidựa trên điều kiện kinh tế tại địa phương.
Đối với Tổ hợp tác nuôi trâu bò, Đoàn xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã chọn mô hình nuôi trâu bò thịt của chị Đinh Thị Minh - bản Đoàn Kết làm mô hình chủ đạo. Mô hình của chị đã được xây dựng khoảng 5 năm với mỗi lứa nuôi từ 10 - 12 con, đang cho thu nhập cao.
Khi tham gia mô hình, chị có thêm nhiều kiến thức về chăm sóc trâu bò, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, đói rét. Cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, chị Minh đã hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong Tổ hợp tác chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc. Từ đó, Tổ hợp tác nuôi trâu bò đã góp phần tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi cùng tham gia, cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm giúp xã Sơn A thực hiện thắng lợi chỉ tiêu về chăn nuôi đại gia súc.
Chị Minh chia sẻ: "Từ khi tham gia Tổ hợp tác, gia đình tôi được hỗ trợ rất nhiều về kĩ thuật chăn nuôi, nên đàn trâu, bò phát triển rất tốt. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình cũng thu về hơn 100 triệu đồng".
Tổ hợp tác trồng ớt xuất khẩu của Đoàn xã Thanh Lương
Hiện nay trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có 86 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ ở tất cả các lĩnh vực. Các tổ hợp tác lúc đầu thành lập hầu như chỉ có 3 -5 thành viên, sau thời gian đi vào hoạt động mang lại hiệu quả, nhiều thanh niên đã tự nguyện xin tham gia, nâng tổng số thành viên mỗi tổ lên 10 - 25 thành viên.
Để nhân rộng các tổ hợp tác, Thị đoàn tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu giữa thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị những kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cần thiết cho thanh niên.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng giới thiệu các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các hoạt động tham quan, học tập thực tế các mô hình kinh tế hiệu quả…
Anh Sầm Văn Chiến – Bí thư Thị đoàn Nghĩa Lộ cho biết: Thời gian tới, Thị đoàn Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động các mô hình tổ hợp tác hiện có. Đồng thời tăng cường vận động, tuyên truyền, rà soát các thành phần kinh tế trên địa bàn do thanh niên làm chủ để tiếp tục thành lập mới.
Các mô hình tổ hợp tác đã tích cực đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, phát huy tinh thần sáng tạo, làm cầu nối giữa thanh niên với nhau và giữa thanh niên với các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khánh Linh – Xuân Thắng (Thị xã Nghĩa Lộ)