Công trình nước sạch tại thôn Đèo Thao, xã Tân Nguyên được xây dựng từ năm 2010, phục vụ cung cấp nước cho gần 200 hộ dân trong thôn. Từ khi công trình được đưa vào sử dụng, người dân Đèo Thao không còn phấp phỏng nỗi lo thiếu nước sinh hoạt.
Ông Nông Đình Vượng, thôn Đèo Thao cho biết: Ngày trước khi chưa có công trình nước sạch, người dân chủ yếu sử dụng các nguồn nước lần ở các khe suối, không đảm bảo vệ sinh. Nhiều hộ gia đình đã đào giếng nhưng đào sâu hơn 10m mới có nước. Vào mùa khô, giếng cũng không có đủ nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ khi có công trình cấp nước sạch, bà con trong thôn rất phấn khởi, người dân không còn nỗi lo thiếu nước vào mùa khô nữa. Tôi thấy các công trình cung cấp nước sạch cho người dân rất là hiệu quả.
Ông Hoàng Thăng Long – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tân Nguyên cho biết: Để các công trình nước sạch trên địa bàn xã phát huy hiệu quả cao nhất, HTX đã phân công người hàng tháng dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh, thau dọn vệ sinh các bể chứa nước, bơm lọc, hệ thống đường ống dẫn nước. Các sự cố về cấp nước xảy ra đều được kịp thời khắc phục, sửa chữa, đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho người dân và các đơn vị sử dụng.
Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên, nước sạch được cung cấp đầy đủ cho thầy cô và các em học sinh. Học sinh được nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, được hướng dẫn các quy trình rửa tay với xà phòng đảm bảo hợp vệ sinh.
Cô giáo Hoàng Thu Phiêu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hàng năm, nhà trường thường lấy mẫu để xét nghiệm, kiểm tra nguồn nước. Qua kiểm tra, nguồn nước đều đảm bảo tiêu chuẩn, hợp vệ sinh. Nhà trường mong muốn tiếp tục được Nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch trong nhà trường, nhất là hệ thống cấp nước uống tại chỗ cho học sinh.
Các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên được các thầy, cô giáo hướng dẫn rửa tay đảm bảo vệ sinh và sử dụng nước tiết kiệm
Cùng với cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng, Tân Nguyên tập trung chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể và người dân thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm xanh - sạch- đẹp. Mỗi hộ gia đình đều đào 2 hố để phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân phải thực hiện nghiêm các quy định về xả thải và xử lý chất thải chăn nuôi. Từ năm 2021, xã đã hợp đồng với Đội thu gom rác Mông Sơn thực hiện dịch vụ thu gom rác thải với tần suất 2 lần/tuần. Qua một năm triển khai, đã không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Hữu, thôn Khe Hùm, xã Tân Nguyên cho biết: "Mô hình thu gom rác thải đã giải quyết cho người dân một nỗi lo rất lớn về rác thải nông thôn. Trước kia, toàn bộ rác thải ở chợ cũng như rác sinh hoạt của người dân đều đổ ra suối, gây ách tắc dòng chảy, làm mất vệ sinh môi trường nông thôn. Giờ rác thải được thu gom, mang đi xử lý tập trung, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, thoáng mát, ai cũng phấn khởi. Với mức phí 30.000 đồng/tháng/hộ, tôi thấy phù hợp với thu nhập của người dân”.
Ông Vũ Đức Đoàn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Tân Nguyên đã được đầu tư 4 công trình cấp nước tập trung với gần 1.000 hộ dân được sử dụng.
Cùng với đó, 1351/1515 hộ trong xã có nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo tiêu chí "3 sạch”. Nhân dân trong xã đã thực hiện đào gần 800 hố rác tại hộ gia đình, xã đầu tư gần 50 thùng rác lưu động đặt tại các địa điểm công cộng để thu gom rác thải.
Đối với rác thải và chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, xã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ các theo quy định về việc xả thải ra môi trường. Hàng tháng, thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Việc cung cấp đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là cơ sở quan trọng để xã hoàn thành tiêu chí số 17, phấn đấu đưa Tân Nguyên trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2022.
Mạnh Cường