Bộ Y tế ban hành công văn về việc thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5; Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2022.
Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuốc Trung ương và các Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.
Trong đó hơn 7 triệu người trong số đó tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp trong khi khoảng 1,2 triệu người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.
Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.
Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hướng nghiêm trọng đến môi trường sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới: hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá; Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn Formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Theo WHO, các tác động đến môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.
Nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của thuốc lá tới môi trường, WHO chọn thông điệp "Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta" làm chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2022.
Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020.
Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm công cộng và cơ sở y tế, giáo dục, nơi làm việc, trong nhà.
Theo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP, các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), đặc biệt nêu rõ tác hại của thuốc lá điếu và các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha,... cũng như trách nhiệm của người đứng đầu.
Để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật cũng như thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà máy, xí nghiệp...
(Theo GD&TĐ)