Việc nhận biết các dấu hiệu stress, nhất là khi trẻ bước vào mùa thi là vô cùng quan trọng, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Trao đổi với phóng viên, TS.BS Trần Thị Hà An, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) có những khuyến cáo để bố mẹ nhận ra dấu hiệu stress hay rối loạn lo âu của trẻ, từ đó giúp trẻ vượt qua.
PV: Thưa TS.BS Trần Thị Hà An, vào mỗi mùa thi, lượng bệnh nhân ở lứa tuổi học trò đến khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) có sự gia tăng thế nào?
TS.BS Trần Thị Hà An: Thực tế trong suốt cả năm, Viện Sức khỏe tâm thần thường xuyên tiếp nhận các bạn học sinh, sinh viên đến khám vì những áp lực trong học tập và thi cử. Tuy nhiên, mỗi dịp cuối năm học, nhất là khi có những kỳ thi chuyển cấp quan trọng, như lên cấp 3 hay vào đại học, thì tỷ lệ đến học sinh đến khám, nhập viện tăng lên khoảng 3-4 lần.
Ngoài ra, số lượng trẻ hoặc các bậc phụ huynh gọi đến gọi đến đường dây nóng của chúng tôi để được tư vấn còn cao hơn nhiều.
PV: Với áp lực học tập như vậy, liệu có phải số học sinh ở trường chuyên lớp chọn sẽ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần nhiều hơn không? Bác sĩ có thể lý giải nguyên nhân vì sao?
TS.BS Trần Thị Hà An: Những áp lực căng thẳng hay còn gọi là stress mang tính chất cá thể. Đối với người này là căng thẳng, nhưng đối với người kia lại không. Chính vì thế, đối với các bạn học sinh trường chuyên hay các bạn học khá giỏi, thì việc tự đặt mục tiêu học tập, sự kỳ vọng của bản thân và gia đình, thầy cô cũng sẽ lớn hơn. Các bạn cũng có thể bị căng thẳng từ kết quả những học tập tốt hơn của bạn bè.
Cá nhân tôi rất ủng hộ việc bố mẹ không được phép công khai thành tích, bảng điểm học tập của con cái. Bởi với những bạn có thành tích không tốt sẽ là một sự so sánh và căng thẳng, áp lực lớn. Những kỳ vọng về điểm số cao, thành tích tốt hơn chính là nguyên nhân khiến các bạn học sinh bị căng thẳng vì phải cố gắng thế nào, phải dành thời gian, công sức như thế nào để đạt được mục tiêu không chỉ mình muốn mà còn là gia đình và nhà trường kỳ vọng. Chính vì thế, các bạn coi việc học tập quan trọng sẽ thường bị căng thẳng, áp lực thi cử.
PV: Khi đến khám và điều trị, thì những vấn đề gì về sức khỏe tâm thần mà các em thường gặp phải? Bác sĩ đánh giá như thế nào về xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ mắc các bệnh lý về tâm thần trong những năm trở lại đây?
TS.BS Trần Thị Hà An: Căng thẳng trong mùa thi, cũng như những căng thẳng khác trong tập, các bạn học sinh, sinh viên thường có những biểu hiện về mặt cảm xúc như lo âu, trầm cảm, thấy hoảng sợ và có một tỷ lệ không nhỏ các bạn bị mất ngủ.
Lứa tuổi nào cũng có một số những đặc trưng về bệnh lý tâm thần. Như tuổi trung niên thì lại gặp những vấn đề về sức khỏe hay những tuổi lớn hơn thì lại gặp những vấn đề tâm lý khi về hưu. Với lứa tuổi học sinh, tuổi thanh thiếu niên, học tập chiếm một thời lượng lớn trong thời gian, sức lực và như tâm trí. Do vậy, những áp lực trong học tập, trong thi cử có tác động lớn trong việc tạo dựng, cũng như duy trì những chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần của các bạn.
PV: Bác sĩ có thể cho biết, trẻ gặp những triệu chứng nào thì cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe tâm thần?
TS.BS Trần Thị Hà An: Do cha mẹ sẽ là người gần gũi các con nhất, nên những thay đổi của con từ cảm xúc đến sức khỏe thể chất như, đặc biệt là giấc ăn giấc ngủ sẽ rất dễ nhận thấy. Đặc biệt, là những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày.
Nếu cha mẹ thấy con có những biểu hiện khác thường thì hãy tâm sự, chia sẻ để cùng con giải quyết. Nhưng nếu tình trạng của con không chuyển biến trong vài ngày hay một tuần sau đó, thì cha mẹ không nên ngại ngần hay trì hoãn đưa con tới gặp bác sĩ và các nhà tâm lý.
Không có bậc cha mẹ nào không yêu thương và quan tâm đến con cái. Nhưng đôi khi họ yêu thương và quan tâm chưa đúng cách. Các bác sĩ có thể tư vấn những điều cha mẹ nên tránh để không tạo thêm áp lực, căng thẳng cho con cái trong mùa thi.
Tuy nhiên, những căng thẳng, áp lực mùa thi không phải lúc nào cũng là bất lợi. Bởi những trẻ có cá tính cách mạnh mẽ, có những lý tưởng, mục tiêu rõ ràng phù hợp với bản thân, thì các bạn coi mùa thi là những bước ngoặt, là động lực để vượt qua. Cha mẹ nên nhận thức rằng, mùa thi không phải là khoảng thời gian quyết định duy nhất đối với kết quả học tập của con mình. Hai điều chúng ta nên tránh là đặt toàn bộ áp lực, hy vọng lên con cái trong mỗi kỳ thi. Thứ hai, là không có động viên, định hướng đúng cho con để có kết quả tốt trong học tập.
PV: Bác sĩ đánh giá như thế nào về vai trò của nhân cách và môi trường trong việc giúp trẻ vượt qua stress?
TS.BS Trần Thị Hà An: Nhân cách là một yếu tố quyết định và cần phải được bồi dưỡng từ nhỏ. Điều này đòi hỏi nhiều yếu tố, thành phần để tham gia vào từ cha mẹ, đến nhà trường, đến môi trường sống và những trải nghiệm của con. Môi trường cũng là một yếu tố hỗ trợ vô cùng quan trọng.
Nhân cách và môi trường là hai yếu tố để không thể thiếu trong việc hình thành nên cá tính và khả năng đối phó với stress ở trẻ.
Với vấn đề bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cho trẻ trong giai đoạn mùa thi, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý. Nếu như trẻ không có bệnh lý đặc biệt thì không nên dùng thuốc. Vì thuốc phải có bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ này bổ sung các thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng cho con.
Trên thị trường hiện có rất nhiều mặt hàng này, do vậy, cha mẹ cũng nên tỉnh táo, xác định rõ nguồn gốc và mục tiêu dùng cho con để làm gì. Dùng để bổ sung vitamin tức thời thì tốt, nhưng dùng để tăng cường trí nhớ, tăng cường sự thông minh thì tức thời trong mùa thi thì tôi nghĩ rằng không cần thiết.
Thậm chí, việc lạm dụng trà, cafe để giúp các em tỉnh táo, hạn chế những cơn buồn ngủ trong mùa thi cũng có thể gây ra những hệ lụy. Dù có hiệu quả trước mắt, nhưng ảnh hưởng lâu dài sẽ là hệ thống thần kinh. Rất nhiều bạn đã dùng cafe kéo dài trong mùa thi, nhưng khi hết thi và có thời gian để ngủ nghỉ thì không trở lại được một giấc ngủ bình thường. Một số trường hợp đã không hồi phục được.
Để chuẩn bị cho một kỳ thi thành công, các bạn học sinh cùng cha mẹ và nhà trường phải có sự chuẩn bị dài hơi từ trước đó. Cụ thể là chuẩn bị tâm lý, nhân cách vững mạnh, đồng thời cùng con đặt những mục tiêu lý tưởng trong học tập, xác định rõ kết quả kỳ thi có vai trò quan trọng như thế nào để có những phương pháp, những biện pháp có kết quả tốt.
Tôi nghĩ rằng, cha mẹ nên có động viên, khuyến khích với các con: "Dù kết quả như thế nào, nhưng khi mình đã cố gắng hết sức thì phải hối hận".
PV: Xin cám ơn bác sĩ!
(Theo VOV)