Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm. Năm nay, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa để chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ và tri ân đối với các thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Phóng viên báo chí có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.
PV: Thưa ông, đến thời điểm này, các hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ ngành liên quan cùng các địa phương trong cả nước triển khai như thế nào và có gì đặc biệt?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Năm 2022, kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ. Đây là một sự kiện rất quan trọng của đất nước. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63, tại phiên họp Chính phủ tháng 4 năm 2022, giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan triển khai làm sao cho thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa và tiết kiệm.
Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 1766 để triển khai thống nhất trong phạm vi cả nước. Có 11 hoạt động lớn trong phạm vi cả nước từ trung ương đến địa phương.
Thứ nhất là tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ gắn với gặp mặt tuyên dương 450 đại biểu người công tiêu biểu của cả nước, dự kiến tổ chức vào ngày 24/7 tại Hà Nội.
Hoạt động thứ hai rất thiết thực, ý nghĩa đó là tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ vào dịp 27 tháng 7 này và dự kiến tổ chức tại Nghệ An vào ngày 16/7, trong đợt này có rất nhiều liệt sĩ hy sinh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và cá biệt có đồng chí đã hy sinh từ năm 1931 đến nay đã 91 năm mới được công nhận là liệt sỹ và trao Bằng Tổ quốc ghi công trong dịp 27/7 này.
Hoạt động thứ ba là tổ chức cầu truyền hình trực tiếp tại 6 điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang và Cần Thơ vào lúc 20h tối 27/7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực công đang phối hợp rất tích cực, chủ động để làm sao tổ chức sự kiện này ý nghĩa thiết thực.
Hoạt động nữa là do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức vào đêm ngày 24/7 tại Quảng Trị với chủ đề "Khát vọng hòa bình”.
Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch đi thăm các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, thăm các gia đình người có công được tổ chức trong phạm vi cả nước; động viên tri ân các thương binh, bệnh binh cũng như các gia đình có công với cách mạng trong phạm vi cả nước nhân dịp 75 năm ngày thương binh liệt sĩ.
PV: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, chính sách dành cho người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước đặt biệt quan tâm triển khai. Vậy hiện nay, đời sống người có công trong cả nước ra sao, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đời sống của người có công với cách mạng trong thời gian qua được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chăm lo hàng năm. Chủ tịch nước cũng ký các Quyết định tặng quà cho người có công dịp 27/7 và dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Trong điều kiện khó khăn, tuy nhiên mức quà của người có công đã được nâng lên. Trước đây mức quà tặng 200 nghìn bây giờ đã tăng lên mức 300 nghìn.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy Đảng chính quyền các địa phương, đời sống người có công cũng từng bước được nâng lên. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75, nâng mức trợ cấp phụ cấp đối với người có công cách mạng. Với Nghị định này hàng năm ngân sách nhà nước chi ra gần 900 tỷ thêm so với trước đây để chi trả trợ cấp cho người có công với cách mạng.
Trước đây, mức thờ cúng liệt sỹ là 500 nghìn/1 liệt sỹ/năm thì đến nay đã nâng lên thành 1 triệu 400 nghìn/năm. Mức điều dưỡng tại gia đình trước đây là 1 triệu 100 nghìn/năm thì bây giờ đã điều chỉnh thành trên 1 triệu 460 nghìn/ năm; điều dưỡng tập trung trước đây là 2 triệu 200 nghìn, nay nâng lên thành hơn 2 triệu 900 nghìn/năm. Các mức trợ cấp khác cũng rất nhiều mức trợ cấp khác rồi.
Về cơ bản, đến nay hệ thống chính sách cũng đã khá đầy đủ và hiện nay đang triển khai thực hiện. Sắp tới, trên cơ sở những vướng mắc khó khăn khi triển khai chính sách, Bộ sẽ kịp thời phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tháo gỡ dần, với mục tiêu: Những người có công với cách mạng sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách. Và những người mà hiện nay còn thiếu hồ sơ, thủ tục sẽ cố gắng làm sao sớm hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực nhằm cho lo tốt hơn cho các đối tượng người có công với cách mạng?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Thời gian qua, việc huy động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm chăm lo đời sống người có công, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, rồi chăm lo nơi an nghỉ của anh hùng liệt sĩ, xây dựng các đền thờ liệt sĩ…ở hầu hết các địa phương được triển khai rất hiệu quả.
Ví dụ gần đây tỉnh Kiên Giang đã huy động xã hội hóa để triển khai Đền thờ liệt sĩ Phú Quốc, với trên 40 tỷ rất trang nghiêm, là nơi thờ tự các anh hùng liệt sỹ của tỉnh Kiên Giang nói chung và các anh hùng liệt sỹ hy sinh đang được an táng trên các nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh Kiên Giang và nhiều các hoạt động khác.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm, các cấp chính quyền đã quan tâm, chi hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương rồi huy động từ các nguồn khác thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, các doanh nhân để chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và tôi tin tưởng rằng công tác này tiếp tục được quan tâm và được đẩy mạnh trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, hiện cả nước còn 53 vạn liệt sỹ còn thiếu thông tin, trong đó còn 22 vạn liệt sỹ vẫn nằm lại chiến trường năm xưa. Có thể nói công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin nếu không làm nhanh sẽ ngày càng khó khăn. Vậy thực tế công tác này đang được triển khai ra sao?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, quy tập thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, do thời gian chiến tranh đã lùi xa, ít nhất là trên 40 năm. Rồi địa bàn mà các liệt sĩ hy sinh ở rất sâu, xa, việc tìm kiếm, quy tập gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do địa bàn, địa hình. Như ở biên giới phía Bắc những nơi có mìn còn sót lại của cuộc chiến tranh, thì phải rà phá bom mìn rất kỹ mới làm được. Rồi ở vùng sâu, vùng xa phía bạn Lào cũng thế.
Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Lào và Campuchia tích cực tìm kiếm, quy tập đưa các anh hùng liệt sĩ về các nghĩa trang. Thời gian qua đã quy tập được khá nhiều và hiện nay các địa phương cũng đang tổ chức các lễ đón, tổ chức truy điệu an táng hài cốt liệt sĩ đã hy sinh tại Lào, Campuchia, rồi các vùng biên giới phía Bắc, Tây Nam về các nghĩa trang liệt sĩ.
Tuy nhiên, việc xác nhận danh tính vô cùng khó khăn do những chứng cứ để là của các liệt sĩ còn rất ít, những sinh phẩm khi khai quật lại chất lượng cũng đã kém, nên phương pháp xác thực bằng ADN bây giờ rất vất vả. Việc này, Bộ sẽ tích cực, chủ động cùng các cơ quan làm tốt trong thời gian tới, làm sao tìm và trả lại danh tính cho các anh hùng liệt sĩ càng nhanh càng tốt.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!.
(Theo VOV)