Sau gần 8 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tỉnh Yên Bái đã mở rộng phạm vi bao phủ BHYT đạt 97% vào năm 2020. Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, theo đó các xã ĐBKK khi được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III, khu vực II, trong đó có chính sách BHYT.
Theo Quyết định 861 thì Yên Bái có 79 xã chịu tác động của quyết định này, 22 xã ra khỏi diện ĐBKK; có gần 170.000 người bị cắt giảm thẻ BHYT miễn phí, dẫn đến tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh giảm còn 78%.
Từ thực trạng đó, việc thực hiện Quyết định 861 đã được tỉnh xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tích cực, quyết liệt, với quyết tâm cao; khi thực hiện khó đến đâu, tìm cách khắc phục đến đó. Quyết tâm này đã được các huyện, thị, các sở, ngành liên quan triển khai ngay tại cơ sở với nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Năm 2021, xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) có 1/44 chỉ tiêu không đạt nghị quyết đề ra từ đầu năm, đó là chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT (do ảnh hưởng của Quyết định 861, tỷ lệ này giảm từ 97% xuống còn 30%).
Cùng với chỉ đạo và quyết tâm của tỉnh, của thị xã, xã Nghĩa Phúc đã khẩn trương rà soát các đối tượng bị cắt giảm thẻ BHYT miễn phí và tích cực tuyên truyền những nội dung thay đổi chính sách và vận động người dân mua thẻ BHYT hộ gia đình để được hưởng ưu đãi về giá; giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn bản, là những người tiên phong mua thẻ BHYT cho bản thân và thành viên hộ gia đình…
Ông Chu Quốc Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc cho biết: "Trên thực tế đã có một số hộ khi bị cắt giảm, không tiếp tục mua BHYT ngay, không may xảy ra tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo đã phải bán cả trâu bò, gia sản của nhà nông đi để trả 100% viện phí lên tới 30 triệu đồng, trong khi nếu mua thẻ BHYT thì số tiền này chỉ khoảng 6 triệu đồng. Những trường hợp ngay thôn bản đó, cũng được lấy làm minh chứng sinh động để tuyên truyền, vận động người dân mua BHYT. Kết quả, từ 30% người dân có thẻ BHYT đã tăng lên 73% trong năm 2021; đến nay tỷ lệ này đạt 82% và xã cũng quyết tâm đạt trên 90%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2022”.
Nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia BHYT của cấp ủy, chính quyền các cấp với các loại hình phù hợp nên tỷ lệ bao phủ BHYT của toàn tỉnh đến hết năm 2021 đã đạt 90,5%.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, trên địa bàn tỉnh dự kiến có thêm 29 xã ĐBKK được công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến sẽ có khoảng 95.173 người không còn được ngân sách Nhà nước đóng để mua thẻ BHYT khi các xã ĐBKK đạt chuẩn NTM (tương ứng khoảng 11,4% dân số). Trong khi các xã mới đạt chuẩn NTM, đời sống nhân dân còn rất khó khăn.
Bởi vậy, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại các xã ĐBKK khi được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2022-2025 và được nhất trí thông qua.
Theo đó, đảm bảo hỗ trợ 100% người dân có hộ khẩu thường trú tại các xã ĐBKK khi đạt chuẩn NTM tiếp tục được hỗ trợ mức đóng 100% BHYT đến hết năm kế hoạch. Dự kiến số người được hỗ trợ là 95.173 người (bình quân gần 23.800 người/ năm) và tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ thực hiện chính sách giai đoạn 2022 - 2025 là 23.603 triệu đồng (bình quân 5.900 triệu đồng/năm).
Việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội giai đoạn 2022-2025, đồng thời tăng tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm này nói riêng và tăng tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh nói chung, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95% - 97% vào năm 2025.
Nghị quyết được đánh giá là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế, là một chính sách nhân văn, thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn, quan tâm chăm lo tới đời sống, sức khỏe của người của tỉnh.
Thu Hạnh