Cần loại bỏ nạn phóng sinh, đốt vàng mã vô tội vạ dịp Rằm tháng Bảy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2022 | 7:23:08 AM

Những biến tướng của nét đẹp văn hóa thành tục mê tín dị đoan, rõ nhất là việc đốt vàng mã, phóng sinh vô tội vạ làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của con người thì cần loại bỏ trong đời sống tâm linh của người Việt.

Người dân đốt vàng mã ngay trên đường, cạnh những chiếc xe máy gây nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.
Người dân đốt vàng mã ngay trên đường, cạnh những chiếc xe máy gây nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ngày Rằm, ngày Tết con cháu thắp hương tưởng nhớ người đã khuất là việc làm đạo hiếu. Nhưng hiện nay, nét đẹp văn hóa này đang bị biến tướng thành hủ tục, mê tín dị đoan.

Với suy nghĩ "trần sao âm vậy”, nhiều người có suy nghĩ rằng, đốt càng nhiều tiền vàng, xe cộ, nhà cửa… thì càng thành tâm với người đã khuất. Cứ mỗi khi đến dịp Rằm tháng Bảy, lễ, tết, nhiều khu dân cư, tập thể lại nghi ngút khói vì nhiều nhà "hóa” cả xe vàng mã, nhà lầu, xe hơi, điện thoại… cho người đã khuất ngay trên ban công hay trước cửa nhà. Nhiều nhiều vụ cháy cũng được "châm mồi” từ việc đốt vàng mã.

Cách đây hai hôm (ngày 10/8), tại ngõ 32, phố Hoàng Đạo Thành (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy nhà do đốt vàng mã cúng Rằm tháng Bảy khiến hai cháu bé suýt mất mạng. Còn mới năm ngoái, vụ đốt vàng mã tiễn ông Công ông Táo chầu trời ngay trước cửa phòng trọ ở Khương Thượng, Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 4 sinh viên thiệt mạng làm nhiều người bàng hoàng. Còn rất nhiều vụ cháy gây hậu quả đau lòng mà nguyên nhân cũng từ tàn lửa đốt vàng mã.

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 206 vụ cháy, khiến 12 người chết và 10 người bị thương, trong đó địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, chiếm 65%.

Nếu thực sự có cõi linh thiêng "trần sao âm vậy”, thì chắc chắn những người đã khuất cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh cháy nhà, chết người từ việc đốt vàng mã mà ra.

Cũng từ thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ do đốt vàng mã, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an thành phố Hà Nội vừa có văn bản khẳng định, đã có không ít những vụ cháy xảy ra mà nguyên nhân chính là do việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời yêu cầu, việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần phải được tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trong thời gian qua, nhiều người có uy tín, chức sắc tôn giáo cũng đã khẳng định, việc đốt vàng mã không thực sự có ích đối với người đã khuất mà là một việc làm lãng phí. Có thể dùng tiền đó để giúp đỡ người nghèo là làm việc làm thiện lành theo đạo lý nhà Phật.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm có hơn 20 triệu hộ gia đình ở Việt Nam thường xuyên mua sắm, đốt vàng mã. Mỗi dịp Lễ, Tết, trung bình một gia đình chi vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu, vài chục triệu để mua vàng mã. Ước tính, mỗi năm người dân Việt Nam chi khoảng 5.800 tỷ đồng để mua vàng mã, tương đương với  60.000 tấn vàng mã.

Cũng với số tiền  này, nếu đem san sẻ với những người tàn tật, những nạn nhân chất độc da cam, người nghèo… thì đã có hàng ngàn, hàng vạn người đã kéo dài được sự sống, không phải gửi thân xác cõi hư vô vì không có tiền chữa bệnh.

Chưa kể, hiện nay người dân Thủ đô và nhiều địa phương trong cả nước đang sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề, trong đó một phần là do cộng hưởng của khói bụi từ việc đốt vàng mã. Nhiều chuyên gia cũng đã nhận định, vàng mã sử dụng giấy tái chế, chứa chất rắn và hóa chất độc hại nên khi bị đốt sẽ thải ra môi trường lượng lớn khí bụi độc hại cho sức khỏe con người. Với khoảng 60.000 tấn vàng mã được nung đốt mỗi năm, thì lượng khí thải độc hại ra môi trường "khủng” đến nhường nào.

Thực tế hiện nay, nhiều ngôi chùa ở Hà Nội đã không cho hóa vàng mã tại chùa mà vàng mã được gom lại và đưa đi đốt ở một địa điểm khác, phòng tránh cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Cùng với tệ đốt vàng mã vô tội vạ, việc phóng sinh cũng có nhiều biến tướng. Theo giáo lý của đạo Phật, phóng sinh là cứu con vật đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, ví dụ sắp bị giết chết, bị nhốt lại trong nỗi sợ hãi, bị hành hạ… để thả nó về với tự nhiên.

Tuy nhiên, nhiều người hiện nay lại tâm niệm rằng, mua thật nhiều chim, ốc, cá… thả vào các ngày Rằm, ngày Lễ là "tích phước” cho mình và gia đình. Nhiều người mua số lượng lớn nên không kiểm tra được con vật mình mua trong tình trạng như thế nào, hoặc người bán vì lợi nhuận nên cố tình trộn lẫn sinh vật sống và chết. 

Vậy nên sau khi làm lễ, họ mang thả ra sông hồ thì những sinh vật này khá yếu hoặc đã chết, gây ô nhiễm. Trường hợp có con nào khỏe hơn thì lại bị đánh bắt trở lại, phục vụ vòng tròn "bắt, thả” của con người. Khi cầu "phóng sinh” càng lớn thì cung cũng tăng theo để đáp ứng. Người ta tăng cường bẫy chim, dùng kích điện để đánh bắt cá. Các chợ chim và sinh vật phóng sinh từ đó cũng tăng theo.

Với tình trạng như hiện nay, đa số mọi người đều mua con vật phóng sinh ở các chợ rồi đem đi thả, hiếm có trường hợp "cứu” con vật đang gặp nạn như tinh thần của nhà Phật. Nhiều thầy nhà chùa cũng khẳng định, phóng sinh như vậy không có ý nghĩa về tâm linh mà theo phong trào, đôi khi còn vào vướng vào "tham, sân, si” và "nghiệp” sát sinh.

Không phải đốt thật nhiều vàng mã, mua thật nhiều con vật phóng sinh mới là thể hiện tấm lòng với người đã khuất. Mà theo giáo lý nhà Phật, trên hết vẫn là sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau giữa con người với con người trong cuộc sống hiện tại và biết bố thí giúp người nghèo khổ, hồi hướng công đức...

Vì thế, trong một xã hội phát triển, đã đến lúc những biến tướng nét đẹp văn hóa thành tục mê tín dị đoan, rõ nhất là việc đốt vàng mã, phóng sinh vô tội vạ làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của con người và môi trường xã hội, thì cần phải loại bỏ trong đời sống tâm linh của người Việt.

(Theo VOV)

Các tin khác

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công văn số 3037/ LĐTBXH-TE về việc tổ chức Tết Trung thu năm 2022.

Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh tổ chức đối thoại với đoàn viên, công nhân lao động và chủ doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ chính sách.

Thực hiện công tác phối hợp, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ), thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Qua đó, góp phần phát huy quyền làm chủ của NLĐ và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Cán bộ bảo hiểm y tế huyện Trạm Tấu tuyên truyền cho người dân về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế.

Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa XIX đã thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2022 - 2025 nhằm hỗ trợ một lần cho các đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT kể từ thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM đến hết năm, góp phần duy trì, mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Minh Quân do cựu chiến binh Lê Chí Công (thứ hai, bên trái) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc có doanh thu hàng năm đạt trên 600 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã chủ động đẩy mạnh Phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục