■ Ông Nguyễn Văn Điệp có địa chỉ Email:dieply398@gmail.com hỏi: Tôi sinh năm 1985, đã nghỉ việc từ ngày 15/7/2022. Tôi đang muốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện nối tiếp luôn từ thời điểm 16/7/2022 để quá trình công tác của tôi không bị ngắt quãng có được không? Tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tôi đóng BHXH tự nguyện không?
BHXH tỉnh Yên Bái trả lời: Về nội dung câu hỏi của ông Nguyễn Văn Điệp ông chỉ nêu là ông đã xin nghỉ việc từ 15/7/2022, không nêu rõ là ông chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với cơ quan nơi ông làm việc từ thời điểm nào. Nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ trả lời cho ông là ông được đóng BHXH tự nguyện từ 16/7/2022 hay không.
Theo quy định của Luật BHXH, việc đóng BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện người tham gia thực hiện đóng theo tháng. Nếu trường hợp ông Nguyễn Văn Điệp chấm dứt HĐLĐ với cơ quan từ 1/8/2022 và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì được tham gia BHXH tự nguyện từ 1/8/2022.
Căn cứ vào Điều 49, Luật Việc làm quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động (NLĐ) chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc (HĐLV) theo đúng quy định; có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, HĐLV; riêng, HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì phải có thời gian đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, HĐLV; đã nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.
Căn cứ vào Khoản 1, Khoản 3, Điều 53 Luật Việc làm, tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với các trường hợp: Tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng.
Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp: Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; sau 2 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng; không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng trong 3 tháng liên tục; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; chết; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
Đối chiếu với các quy định ở trên, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương không thuộc vào các trường hợp tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do vậy, ông Nguyễn Văn Điệp nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì ông vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tham gia BHXH tự nguyện; ông nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông có thể liên hệ trực tiếp với phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH tỉnh Yên Bái (SĐT: 0975.098.051) để được giải đáp và tư vấn rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện.
■ Bà Hà Thị Bình ở tổ 7, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái hỏi: Năm nay tôi 48 tuổi, tôi có được tham gia BHXH tự nguyện không? Nếu được thì mức đóng thế nào? Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của tôi sắp hết hạn thì khi tham gia BHXH tôi có được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT mới hay không?
BHXH tỉnh Yên Bái trả lời: Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 2, Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau: Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, bao gồm: NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố.
NLĐ giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; người nông dân, NLĐ tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình; NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH; người tham gia khác. Như vậy nếu bà thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì sẽ được tham gia BHXH tự nguyện.
Mức đóng và phương thức đóng của NLĐ tham gia BHXH tự nguyện quy định tại Điều 87, Luật BHXH năm 2014: Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 1.500.000 đồng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 29.800.000 đồng). Tùy vào khả năng thu nhập, điều kiện kinh tế của bản thân, NLĐ tự lựa chọn mức đóng phù hợp để tham gia BHXH tự nguyện.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: BHXH tự nguyện có các chế độ: hưu trí, tử tuất. Như vậy, khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia chỉ đóng tiền vào 2 quỹ hưu trí và tử tuất, nên chính sách này không bao gồm BHYT. Do đó, trường hợp thẻ BHYT của bà Bình sắp hết hạn thì bà vẫn tiếp tục mua thẻ khi đến hạn song song với việc đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí khi đang hưởng lương hưu.
Ánh Dương