Bởi, với các nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú, nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ khiến nhiều người bị cùng lúc, nguy hiểm ở chỗ, các em nhỏ đang ở độ tuổi phát triển, có sức đề kháng yếu. Vì vậy, Nhà nước đã có những quy định cụ thể về việc bảo đảm các điều kiện về ATTP trong trường học như: Luật ATTP; Nghị định số 155/2018 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (lĩnh vực ATTP); Thông tư liên tịch số 08 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục; Chỉ thị số 4316 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục.
Triển khai các quy định trên, trong thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt là ngay khi bước vào năm học mới, các địa phương đều chỉ đạo các nhà trường có tổ chức bữa ăn bán trú cần chú ý, đảm bảo an toàn cho học sinh, đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Tại các nhà trường có tổ chức bữa ăn cho học sinh, việc đảm bảo an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Rất nhiều giải pháp góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường như: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh ATTP, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác tập huấn các kiến thức cơ bản về chế biến thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho những người tham gia vào bếp ăn tại các trường học không chủ quan, lơ là. Đối với các nhà trường cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị chế biến thực phẩm, đảm bảo nguồn dinh dưỡng và ATTP.
Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm ATTP, đồng thời, phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hàng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn); lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi.
Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về ATTP, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường, nguồn nước bảo đảm để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền trong trường học.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục - y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ATTP, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất với những bếp ăn trong trường học, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh…
Tìm hiểu các vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường học thời gian vừa qua và qua ý kiến của các chuyên gia cho thấy, nguyên nhân xuất phát từ phía nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho trường học; có cả nguyên nhân từ việc nhà trường không đảm bảo việc kiểm tra kỹ nguyên liệu đầu vào, môi trường chế biến tại bếp ăn của nhà trường không đảm bảo yêu cầu…
Trao đổi với phóng viên, nhiều thầy cô giáo cho rằng, rất nhiều yếu tố gây mất vệ sinh ATTP nhưng lại ngoài khả năng của nhà trường, đơn cử như: nhà trường có hợp đồng, có cam kết đầy đủ với nhà cung cấp nhưng thực phẩm mà nhà cung cấp mang tới có an toàn hay không, rõ nguồn gốc hay không… lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và trách nhiệm của nhà cung cấp. Đôi khi chính nhà cung cấp cũng không thể biết được vì nguyên liệu mà họ mang tới không phải họ trực tiếp làm ra mà lại được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau.
Việc kiểm nghiệm, đánh giá cũng chỉ qua loa, giản đơn, chủ yếu bằng cảm quan hoặc "tin nhau” là chính, trong khi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã không còn mùi vị, những con vi khuẩn lại… không thể nhìn bằng mắt thường.
Với địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn hơn trong việc truy suất nguồn gốc thực phẩm do không có những nhà cung cấp chuyên nghiệp, đủ điều kiện theo quy định. Môi trường chế biến cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi thực tế khu chế biến của rất nhiều nhà trường, nhất là các trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, tạm bợ, chưa phải là bếp ăn "một chiều”.
Sau khi vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 6141 đề nghị các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường.
Đây thực sự là nhiệm vụ hàng đầu, là mối quan tâm, lo lắng của các nhà trường, đặc biệt là phụ huynh học sinh; tuy nhiên, ngoài sự quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuân thủ quy trình của nhà trường, thì bữa ăn của con trẻ ở trường, ở lớp có an toàn hay không còn phụ thuộc vào phần lớn lương tâm, trách nhiệm của những người trồng cấy, chăn nuôi, người kinh doanh, cung cấp, chế biến thực phẩm...
Lê Phiên