Cơ sở vật chất văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân, nhất là nhà văn hóa (NVH) cộng đồng. Bởi lẽ, đây không chỉ là nơi tổ chức hội họp, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là nơi tụ họp của người dân khi địa phương diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao. Đồng thời, các đoàn thể có địa điểm để tổ chức hội họp; tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách làm kinh tế... cho bà con địa phương.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã và đang tranh thủ các nguồn vốn và huy động người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng thiết chế văn hóa. Mù Cang Chải là một huyện nghèo với trên 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Từ năm 2011 - 2021, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức và đóng góp của nhân dân, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp được 50 công trình NVH thôn/bản. Nhờ đó, toàn huyện có 93/93 bản có NVH, 9/13 xã có NVH xã. Tuy nhiên, một số khu vui chơi giải trí, khu thể thao xã, thôn bản chưa đạt theo yêu cầu vì thiếu mặt bằng và nguồn lực đầu tư.
Để tiếp tục xây dựng mới và từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống NVH, sân chơi, bãi tập ở cơ sở, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã tiến hành rà soát để có phương án phân bổ nguồn lực xây dựng NVH, sân chơi, bãi tập và giám sát thực hiện.
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: Từ đầu năm 2022, Phòng đã tham mưu cho huyện ban hành Đề án hoàn thiện hệ thống NVH, sân chơi, bãi tập ở cơ sở. Đến nay, sau 1 năm triển khai, các xã trên địa bàn huyện đã chủ động quy hoạch đất, xác định vị trí cần xây mới NVH, sân chơi, bãi tập ở cơ sở. Một số xã đã tiến hành khảo sát thực tế, đo diện tích xây dựng NVH và hoàn thiện hồ sơ thiết kế theo quy định để đầu tư theo Nghị quyết số 88, ngày 18/11/2019 của Quốc hội.
Về các trang thiết bị, cơ bản mỗi bản đã chủ động trang bị từ 80 - 100 ghế nhựa/NVH đảm bảo đủ phục vụ sinh hoạt/họp bản. Về âm thanh, ánh sáng thì tận dụng của các đội văn nghệ, những nơi chưa có sẽ tiếp tục vận động để mua sắm trong năm tới khi NVH được đầu tư mới hoặc tu sửa.
Có thể thấy, cơ sở vật chất văn hóa được các địa phương xây dựng dựa trên tính kế thừa của hệ thống cơ sở vật chất hiện có, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, tiên tiến, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong quá trình xây dựng, các địa phương còn quan tâm đến việc phát huy quy chế dân chủ cơ sở, công khai thu chi, minh bạch từ khi thực hiện đến khi kết thúc để người dân động thuận, ủng hộ.
Bà Trần Thị Hồng Nhung - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bảo Lâm, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên cho biết: "Mọi việc đều xin ý kiến nhân dân cùng với công khai, minh bạch trong mọi khoản thu, chi là cách để thôn Bảo Lâm huy động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng NVH thôn. Nhờ đó, dù mỗi khẩu đóng góp 425.000 đồng chỉ để xây dựng NVH nhưng nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. NVH thôn đã được xây dựng với quy mô rộng gần 1.000 m2, có thiết kế thêm sân khấu, tường rào, nhà vệ sinh, hệ thống điện đảm bảo an toàn, 2 sân thể thao. Mỗi buổi chiều, 2 sân thể thao đều kín người tập luyện, người dân trong thôn rất phấn khởi”.
Đến nay, toàn tỉnh có 146/173 xã, phường, thị trấn có NVH, 1.313/1.356 thôn, bản, tổ dân phố có NVH, đạt 96,8%; 77 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Thực tế cho thấy, sau khi các công trình văn hóa - thể thao cơ sở được xây dựng, đi vào hoạt động, được các địa phương khai thác có hiệu quả công năng sẽ thu hút ngày càng nhiều người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo môi trường văn hóa, văn minh, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Hoài Anh