Từ thành phố Yên Bái theo dòng sông Hồng ngược lên với Trấn Yên, Văn Yên, hay theo dòng sông Chảy đến với vùng bưởi Yên Bình rồi vào miền Tây đắm say với những điệu xòe…., đâu đâu cũng bắt gặp những vùng quê thanh bình đã và đang "thay da, đổi thịt”, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chúng tôi về xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên vào một ngày đất trời rộn rã sang xuân, cuộc sống tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Dọc tuyến đường nối từ cửa ngõ quốc lộ 37 vào trung tâm của xã với những hàng hoa rực rỡ sắc màu; những ngôi nhà hiện đại xen giữa những vườn cam, vườn bưởi sai trĩu. Niềm vui quê hương đổi mới được thể hiện rạng rỡ trong ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây. Càng vui và hạnh phúc hơn khi cuối năm 2022, xã Hưng Thịnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Ông Vũ Văn Ninh ở thôn Yên Thịnh phấn khởi chia sẻ: "Bản thân tôi cũng như người dân trong thôn, trong xã vui lắm, hạnh phúc lắm khi đời sống cả vật chất và tinh thần đều được nâng cao kể từ khi xây dựng NTM”.
Không vui sao được khi 100% tuyến đường xã, liên xã, đường thôn được cứng hóa, có đèn điện thắp sáng và được trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 2 trường học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… được quan tâm chú trọng; 99% số hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 47 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,74%…
Ông Nguyễn Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh cho biết: "Mục đích cuối cùng của chúng tôi là nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống. Người dân sẽ thấy hạnh phúc khi đi trên những con đường sạch, đẹp mà gia đình mình, bản thân mình đã đóng góp công sức. Họ sẽ thấy hạnh phúc khi mỗi buổi chiều được ra sân chơi thể thao rồi tối đến đi dưới ánh điện sáng tới nhà văn hoá tham gia tập luyện các điệu múa từ dân gian đến hiện đại…”.
Đến với người dân thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, niềm vui, niềm hạnh phúc có thể cảm nhận được từ những trụ điện thẳng tắp, những đường điện giăng tỏa khắp núi đồi đã và đang mang ánh sáng đến từng hộ gia đình.
Thôn Hạnh Phúc có 330 hộ với gần 1.280 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm 90%. Sau nhiều năm, ngày 12/11/2022, thôn đã được đóng điện lưới quốc gia trong niềm hạnh phúc, niềm vui khôn xiết của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng năm nay 75 tuổi phấn khởi cho biết: "Sau bao năm chưa có điện, rồi có điều kiện chuyển sang dùng thủy điện "mini” nhưng cũng chỉ sử dụng được vài giờ thắp sáng. Giờ có điện lưới quốc gia, chúng tôi được tiếp cận với các thiết bị hiện đại, các cháu cũng không còn phải học bài trong điều kiện thiếu ánh sáng nữa”.
Từ khi có điện, người dân thôn Hạnh Phúc như được "thổi” thêm sức sống mới, nhiều hộ gia đình trong thôn đã sắm đồ dùng tiện ích để phục vụ cuộc sống tốt đẹp hơn như: ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt…
Lãnh đạo xã Tân Hợp, huyện Văn Yên trao đổi với người dân thôn Hạnh Phúc về giải pháp phát triển kinh tế khi có điện lưới quốc gia.
Từ nhiều năm nay, đều đặn một tháng 2 lần, bà Trần Thị Loan cùng các hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh, huyện Yên Bình dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cho những tuyến đường hoa của thôn. Đây là việc làm thường xuyên của gia đình bà cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây để xây dựng và duy trì tuyến đường hoa xanh, sạch, đẹp.
"Từ ngày thôn, xã triển khai phong trào xây dựng NTM, tôi thấy thôn mình như được khoác một tấm áo mới. Cuộc sống của người dân thay đổi trông thấy, ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn” - bà Loan chia sẻ.
Theo Trưởng thôn Cầu Mơ Trần Thị Nguyên, không chỉ có gia đình bà Loan mà gần 170 hộ dân trong thôn đều tích cực tham gia vệ sinh, làm cỏ và trồng hoa cho các tuyến đường. Nhờ sự tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động từ làm đường, nhà văn hóa đến phát triển kinh tế nên đến năm 2021, Cầu Mơ đã cán đích thôn NTM kiểu mẫu.
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, 100% hộ dân đã có nhà xây kiên cố, trong đó, có khoảng trên 50% nhà xây kiểu biệt thự. Người dân thôn Cầu Mơ luôn nỗ lực, phát huy thành quả, tiếp tục xây dựng quê hương thành "miền quê đáng sống”.
Vào miền Tây rực trời hoa đào, hoa mận, chúng tôi đến với bà con người Thái ở thôn Bản Ngoa, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ. Năm nay là năm thứ hai trên 100 hộ dân thôn Bản Ngoa đón tết Nguyên đán trên bản mới. Được sự đầu tư của Nhà nước, trên 100 hộ dân Bản Ngoa đã có chỗ ở an toàn trước thiên tai.
Để chuẩn bị đón tết, chị em trong bản đã cùng nhau trang hoàng nhà cửa, tổ chức các buổi vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cải tạo môi trường, xây dựng mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp”. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã dần khỏa lấp cho những đau thương, mất mát do bão lũ gây ra, ngày càng gây dựng cuộc sống nơi ở mới khang trang hơn, tốt đẹp hơn.
"Đối với chúng tôi, hạnh phúc là được sống ở nơi an toàn trước thiên tai. Hạnh phúc khi mỗi buổi chiều được cùng chị em trong thôn chơi thể thao. Hạnh phúc khi thấy bọn trẻ tung tăng dắt nhau đi trên con đường bê tông phẳng lì đến trường học” - chị Lường Thị Thiết chia sẻ.
Trong ánh xuân tươi mới, đến với những bản làng nơi vùng cao Yên Bái, được đắm mình trong những điệu xòe Thái, được trải nghiệm những lễ hội dân gian, hay hòa mình vào phong cảnh núi non hùng vĩ với những vạt đồi hoa đào rừng khoe sắc thắm, được ngắm nhìn các em nhỏ tung tăng đến trường, được tham gia những điệu nhảy dân vũ cùng các bà, các chị rồi được thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào... đó chính là minh chứng chân thực cho sức sống về chỉ số hạnh phúc lần đầu tiên được Yên Bái đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hồng Duyên