Khởi sắc ở họ giáo Âu Lâu
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với trên 130 hộ, 487 nhân danh, hiện nay họ giáo Âu Lâu (Trấn Yên) sống ở 10/13 thôn trong xã, nhưng tập trung chủ yếu ở 3 thôn Châu Giang 1, Châu Giang 2, Châu Giang 3, Chấn Thanh 1 và thôn Phú Nhuận. Trong những năm qua, nhờ nêu cao tinh thần đoàn kết lương giáo, vươn lên trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống mới ở cơ sở nên cuộc sống của người dân trong xã nói chung và họ giáo Âu Lâu nói riêng đang từng ngày khởi sắc.
Ảnh minh họa.
|
Theo ông Nguyễn Tuấn Dong - Thường trực Hội đồng giáo xứ Yên Bái cho biết bà con giáo dân ở đây chủ yếu quê ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam lên xây dựng kinh tế từ những năm 70: Năm 1987, được sự quan tâm của Đảng - Nhà nước, chính quyền địa phương đã cho phép lập họ giáo Âu Lâu, bầu Ban hành giáo gồm 7 thành viên. Ban hành giáo có điều kiện thường xuyên tổ chức tuyên truyền về pháp luật và giáo luật để giáo dân được hưởng quyền tự do tín ngưỡng. Với bản chất cần cù lao động, giáo dân Âu Lâu đã tích cực lao động biến những khu đồi hoang hóa thành những đồi chè xanh mướt. Đến nay, cùng với phát triển chăn nuôi, cây chè đã trở thành cây chủ lực trong đời sống kinh tế giáo dân. Toàn xã có 134 ha chè thì có tới 80 ha tập trung ở 5 thôn có đông giáo dân. Thông qua các tổ chức đoàn thể như: Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân và đoàn thanh niên, nhiều hội viên là giáo dân đã được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời do tích cực đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất thâm canh, như áp dụng công nghệ mạ khay vào gieo cấy, áp dụng chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp. Những yếu tố đó đã tạo điều kiện cho giáo dân ở Âu Lâu vươn lên trong phát triển kinh tế. Đến nay, 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn và phương tiện đi lại; trên 30% số hộ khá giàu, họ giáo Âu Lâu chỉ còn 2 hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Kinh tế phát triển là điều kiện thuận lợi để giáo dân trong họ thực hiện tốt chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo luật và tích cực tham gia các phong trào của địa phương như: làm đường giao thông nông thôn, xóa nhà dột nát, xây dựng đời sống mới ở cơ sở. Đồng thời nâng cao đời sống đức tin trong giáo họ. Chính vì vậy, họ giáo Âu Lâu không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Đại đa số hộ giáo dân trong độ tuổi sinh đẻ đều không có ý định sinh con thứ 3 trở lên để có điều kiện lo cho con em học hành đỗ đạt và phát triển kinh tế. Sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước, đoàn kết lương giáo giữ trọn tình làng nghĩa xóm, cảm thông chia sẻ với những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Trong mỗi gia đình giáo dân hiện nay đều có 1 "Hòm tiền bác ái" và vào mỗi ngày chủ nhật, các gia đình lại bỏ vào 500 đồng trở lên và quy định 6 tháng, Ban Bác ái đến mở hòm tiền 1 lần. Số tiền thu được sẽ nộp lên giáo xứ và giữ lại 50% dùng để chi cho hoạt động thăm hỏi những trường hợp ốm đau, hoạn nạn.
Với sự cố gắng nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và chung tay góp sức xây dựng các phong trào chung của địa phương phát triển, họ giáo Âu Lâu vinh dự là một trong những tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số và tôn giáo huyện Trấn Yên trong 2 năm 2005, 2006. Đó sẽ là động lực giúp đồng bào công giáo Âu Lâu vững bước trên con đường xây dựng một cuộc sống an bình - no ấm - bình đẳng và hạnh phúc.
Thu Phượng
(Đài truyền thanh TH - Trấn Yên)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 17/1/2007, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác mặt trận năm 2006 và Chương trình phối hợp hoạt động năm 2007.
YBĐT - Vẫn là những công việc chăn nuôi, trồng cấy hàng ngày nhưng đối với các lớp tập huấn, nó đã được nâng lên thành những kỹ năng, giúp đời sống phát triển, kinh tế vươn tới một nấc mới, hiệu quả hơn. Đó chính là mục đích của những lớp tập huấn cho bà con nhân dân tại xã Nậm Lành (Văn Chấn) trong thời gian qua.
YBĐT - Xã Y Can huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 12 thôn bản trong đó có 3 thôn là đồng bào người Dao sinh sống, có 1.055 khẩu/3.083 khẩu của toàn xã. Nền kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp, phát triển kinh tế đồi rừng, chính vì thế lao động nông thôn dư thừa ngày càng nhiều. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập, ổn định cuộc sống là bài toán đang được đặt ra. Một trong những hướng đi được Đảng bộ và chính quyền xã quan tâm đó là hướng tới thị trường xuất khẩu lao động.
YBĐT – Sau 4 năm thực hiện QĐ 159/2002/QĐ-TTG, tỉnh Yên Bái đã huy động trên 248 tỷ đồng kiên cố hóa trường học. Trong đó, vốn T.Ư hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ hơn 194,8 tỷ đồng, còn lại huy động các nguồn vốn khác như Chương trình mục tiêu quốc gia, 135, vốn WB.