Nhanh chóng triển khai có hiệu quả cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái” là tên gọi cuộc thi do Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức phát động từ 19/12/2006 đến 11/4/2010. Đây là cuộc thi có quy mô lớn nhất với thời gian dài nhất và nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhất từ trước đến nay ở tỉnh Yên Bái. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”.

Tượng đài chiến thắng nơi bến Âu Lâu lịch sử.
Tượng đài chiến thắng nơi bến Âu Lâu lịch sử.

Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc tổ chức cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”?

 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà: “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái” là cuộc thi có ý nghĩa xã hội rất lớn, được tổ chức từ nay đến năm 2010, hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái, 65 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh. Với hai nội dung: thi viết tìm hiểu về truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của tỉnh và thi sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Yên Bái, Tỉnh ủy xác định mục đích, ý nghĩa của cuộc thi như sau:

 

Một là, nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về truyền thống, lịch sử, văn hóa của tỉnh Yên Bái. Qua đó, củng cố niềm tin, niềm tự hào, tự tôn, ý chí tự lực tự cường, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, đưa Yên Bái sớm trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

Hai là, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người Yên Bái; xuất hiện nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mới, có giá trị cao; khơi dậy sức sáng tạo nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật.

 

Cuộc thi đã được phát động đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2006). Đồng chí có thể cho biết kết quả bước đầu công tác chỉ đạo triển khai cuộc thi?

 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà: Ngay từ đầu tháng 01/2007, Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đã họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nhằm thống nhất chỉ đạo và triển khai đồng bộ cuộc thi trong toàn tỉnh. Sau khi phát động cuộc thi, các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình của tỉnh đã đăng tải, phổ biến nội dung, thể lệ cuộc thi. Ban tổ chức cuộc thi đã ra quyết định thành lập và chỉ đạo các thành viên Ban giám khảo, Tổ thư ký giúp việc chuẩn bị các nội dung liên quan đến cuộc thi viết tìm hiểu truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái. Song song với việc triển khai tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu, Ban tổ chức chủ động xây dựng và tham mưu với Tỉnh ủy ban hành chính thức kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Yên Bái (nội dung, thể lệ cuộc thi sẽ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, phổ biến tới các tỉnh bạn nhằm thu hút đội ngũ sáng tác đông đảo trong và ngoài tỉnh tham gia).

 

Để cuộc thi đạt hiệu quả cao, thiết thực, thì nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy, các ngành, đoàn thể của tỉnh cần tập trung thực hiện là gì thưa đồng chí?

 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà: Có thể nói, việc tổ chức cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái” thể hiện một sự đổi mới trong công tác tuyên truyền của tỉnh; kết hợp tuyên truyền, giáo dục, quảng bá sâu rộng về lịch sử, truyền thống, các giá trị văn hóa tốt đẹp và về đất nước, quê hương, con người Yên Bái nhằm xây dựng một hình ảnh Yên Bái tiềm năng, chủ động, năng động, sáng tạo trên con đường hội nhập và phát triển. Để cuộc thi đạt hiệu quả cao, thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, đảm bảo tiết kiệm, không mang tính hình thức, các cấp ủy, các ngành, đoàn thể của tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Tập trung triển khai một cách đồng bộ cuộc thi ở cả hai hình thức: thi tìm hiểu và thi sáng tác văn học nghệ thuật.

Các cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Yên Bái, Đài PTTH tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị, thành phố) tiếp tục đăng tải nội dung, thể lệ cuộc thi và những vấn đề có liên quan. Sở Văn hóa -Thông tin, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung, thể lệ, mời lực lượng sáng tác ở các tỉnh bạn tham gia cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Yên Bái. Hàng năm, Ban tổ chức sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về tiến độ, kết quả cuộc thi.

 

Trước mắt, các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm thành viên Ban tổ chức cuộc thi, tổ chức triển khai cuộc thi đến cơ sở ngay trong tháng 01/2007. Làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về cuộc thi tìm hiểu truyền thống, lịch sử, văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái; vận động, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, giáo viên các trường học trong tỉnh tham gia dự thi. Chú trọng chất lượng bài dự thi, tuyệt đối tránh tình trạng sao chép một cách có “hệ thống”, qua loa, chiếu lệ, chống đối gây lãng phí. Thống nhất đầu mối nhận bài dự thi là các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh ( trực tiếp là ban tuyên giáo cùng cấp); Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo là đầu mối nhận bài dự thi của đối tượng đoàn viên thanh niên trong hệ thống nhà trường (đối tượng đoàn thanh niên ngoài trường học tập trung đầu mối vào các cấp ủy).

 

Để giúp người dự thi có thêm tư liệu, Thông báo nội bộ, Báo Yên Bái sẽ thường xuyên đăng tải gợi ý trả lời câu hỏi cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái. Bên cạnh việc lựa chọn 50 bài thi xuất sắc dự thi cuộc thi cấp tỉnh, các cấp ủy, ngành cần bố trí giải thưởng nhằm khuyến khích kịp thời tập thể và cá nhân tham gia tích cực, có bài dự thi xuất sắc. Thời gian tổ chức cuộc thi tìm hiểu kết thúc vào 30/6/2007, vì vậy yêu cầu các cấp ủy, ngành giáo dục và đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sớm triển khai. Hàng tháng báo cáo tiến độ, kết quả cuộc thi ở cấp mình, ngành mình với Ban tổ chức cuộc thi (thường trực là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy). Ban tổ chức sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm cuộc thi viết tìm hiểu vào cuối tháng 3/2007 và tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/2007).

 

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Huỳnh Tâm (thực hiện)

Các tin khác
Lễ kỷ niệm diễn ra trang nghiêm tại khu tượng đài thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình.

Lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là cựu thanh niên xung phong, đoàn viên, thanh niên.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết.

Sau khi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành địa phương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đề nghị Thủ tướng xem xét ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu (01 điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Hành trình của ông Minh Tuệ thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo cúng dàng và quay clip làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên các địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục