Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo Yên Bái: Chăm lo đời sống giáo viên vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo Yên Bái Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Công đoàn ngành, luôn trăn trở với việc làm thế nào để động viên được đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác, chung vai sát cánh với đồng bào các dân tộc để cùng phát triển sự nghiệp giáo dục”.

Học sinh mẫu giáo vùng cao Mù Cang Chải trong giờ học vẽ.
(Ảnh: 
Hoàng Nhâm)
Học sinh mẫu giáo vùng cao Mù Cang Chải trong giờ học vẽ. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Đây cũng là vấn đề đặt ra và là sự quan tâm của những người làm công tác quản lý giáo dục. Bởi ai cũng biết rằng, ở các thôn bản, làng xã xa, sâu, khi cuộc sống của chính người dân nơi đây còn đầy rẫy những khó khăn thì đời sống của người giáo viên cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, đào tạo ở đó còn nhiều thiếu thốn. Hơn nữa, phần lớn các thầy cô giáo lại là người ở địa phương khác và thường là từ vùng thấp lên công tác tại những nơi này. Trong việc chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, công đoàn ngành giữ một vai trò không nhỏ, góp phần từng bước ổn định và cải thiện đời sống, nâng cao vị trí xã hội, tạo dựng niềm tin cho người thầy  luôn vững tâm trên bục giảng từng thôn, bản xa xôi.

Việc thực hiện chính sách tiền lương đã được ban chấp hành công đoàn các cấp, đặc biệt là ở các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, phối hợp với chuyên môn đồng cấp quan tâm, sát sao thực hiện dưới sự chỉ đạo của công đoàn ngành giáo dục tỉnh, đảm bảo phù hợp, chính xác, công bằng, công khai. Qua các kì chuyển lương mới, tất cả các giáo viên và cán bộ công nhân viên đều được xếp và chuyển lương đúng. Các chế độ phụ cấp theo lương: phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thu hút cho các giáo viên đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn... đều được thực hiện đúng và đủ.

Trong việc thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng cao, vùng xa” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động với mục tiêu chính là xây dựng nhà ở tập thể cho giáo viên (còn gọi là nhà công vụ của giáo viên), cùng với công tác xã hội hóa giáo dục, từ năm 2000 đến tháng 12/2006, tổng kinh phí đã huy động được là 1.080 tỷ đồng. Từ đó, 15 nhà công vụ cho 257 giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn đã được làm mới. Riêng năm 2006 xây dựng được 4 nhà công vụ cho 4 điểm trường: PTCS Lao Chải (Mù Cang Chải), Trường Tiểu học số 1 xã Yên Thành (Yên Bình), Trường PTCS xã Sùng Đô và Phân hiệu Nghĩa Tâm - Trường THPT Văn Chấn (Văn Chấn).

Trực tiếp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn về nhà ở - một nhu cầu cấp thiết của mỗi người, những ngôi nhà công vụ có được từ cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng cao, vùng xa” thực sự mang lại tâm lý “an cư, lạc nghiệp” cho người giáo viên, và cùng đó là tâm sức họ dành cho sự phát triển cái chữ vùng cao, góp phần xóa “điểm trắng” về mạng lưới trường lớp, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS ở những địa bàn không thuận lợi về giao thông. Đời sống tinh thần của giáo viên cũng được công đoàn các cấp không ngừng quan tâm bằng việc trang bị sách báo, radio hay thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ, các cuộc giao lưu giữa các đơn vị trường nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm...

Không những thế, công đoàn ngành còn phối hợp với ngành thống nhất chỉ đạo khi phân công công tác tại các điểm trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa để có sự cân bằng về số lượng giáo viên nam và nữ, tạo điều kiện cho các thầy cô tìm hiểu và xây dựng tổ ấm tại đơn vị đang công tác. Việc chuyển vùng công tác cũng như giải quyết những trường hợp cho giáo viên được đi học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng được công đoàn và chính quyền các cấp quan tâm. Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa” ở các đơn vị trường học và các khu tập thể giáo viên đã và đang được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, với mục đích xây dựng khu tập thể giáo viên, nhà trường là mái ấm của đoàn viên - lao động.

Công đoàn các cấp đã có sáng kiến lồng ghép các phong trào thi đua như: “Hai tốt”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cuộc vận động “Vòng tay đồng nghiệp”… nhằm động viên cán bộ, giáo viên, công nhân viên xây dựng nề nếp dạy và học tích cực trong nhà trường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Bằng những việc làm thiết thực của mình, Công đoàn Giáo dục Yên Bái đã luôn sát cánh cùng những cán bộ, giáo viên, công nhân viên của ngành, góp phần không nhỏ tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người đứng trên bục giảng tận các thôn bản xa xôi nói riêng cũng như sự phát triển chung của toàn ngành.

Thu Hạnh

Các tin khác
Lễ kỷ niệm diễn ra trang nghiêm tại khu tượng đài thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình.

Lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là cựu thanh niên xung phong, đoàn viên, thanh niên.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết.

Sau khi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành địa phương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đề nghị Thủ tướng xem xét ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu (01 điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Hành trình của ông Minh Tuệ thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo cúng dàng và quay clip làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên các địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục