Chưa vơi những nỗi đau

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong một chuyến đi công tác, tôi được đồng chí Nguyễn Quốc Việt – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái trực tiếp dẫn đến thăm gia đình ông Lương Thanh Xuân ở thôn 9, xã Động Quan (Lục Yên). Ngôi nhà sàn nằm chênh vênh bên sườn núi với lối vào nhỏ và chật hẹp. Bên trong căn nhà là từng mảnh đời đang chịu đựng sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần do hậu quả của chất độc da cam mà đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Pháo bên ba đứa con tật nguyền.
Bà Hoàng Thị Pháo bên ba đứa con tật nguyền.

Tuy đã được báo trước là có khách đến thăm nhưng căn nhà của ông Xuân vẫn bề bộn như những ngày thường, bởi sự phá phách của những đứa con tật nguyền.

Bước vào nhà, mùi hôi nồng nặc ùa vào mũi, kèm theo những chuỗi tiếng cười dài phát ra từ góc nhà. Bà Pháo phân trần: cứ có bóng người lạ vào nhà là ba anh em Đích, Tuyết, Dương lại ngửa mặt lên trần nhà cười ngặt nghẽo, cười rất dài.

Ông Xuân, bố của những đứa con tật nguyền này trông có vẻ bình thản hơn. Hình như, nỗi đau trong ông đã chai sạn theo năm tháng.

 Nhìn ba đứa con đáng thương của mình, giọng hơi khàn, chỉ tay vào từng đứa và ông cho biết: kia là Lương Văn Đích 28 tuổi, đây là Lương Thị Tuyết 23 tuổi, còn đây là Lương Văn Dương 21 tuổi. Cả ba anh em lúc mới sinh ra bình thường, khỏe mạnh nhưng một thời gian sau thì không phát triển, không lật, không ngồi thẳng và không đi lại được, chỉ dặt dẹo một chỗ. Cơ thể của chúng mềm như không có xương, chân tay teo tóp, co quắp, nước da xanh ngắt như tàu lá chuối. Và những khuôn mặt dị dạng nhìn thật đau lòng!

Và rồi, chính bản thân ông nhiều khi đã nản lòng, tìm đến rượu để cho quên hết tất cả nhưng cứ về nhà thì không thể làm ngơ với những đứa con của mình đang ngày đêm gào thét. Vì thế nên ông càng phải sống để chăm sóc cho những “khúc ruột” của chính mình...

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, anh Lương Thanh Xuân lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam. Đến năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, từ chiến trường miền Nam anh trở về quê hương rồi lập gia đình với chị Hoàng Thị Pháo ở thôn 6, xã Trúc Lâu (Lục Yên).

Theo thời gian, 5 đứa con lần lượt ra đời nhưng thật không may khi có 3 đứa con bị tật nguyền do ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố. Cả Đích, Tuyết và Dương khi mới sinh ra đều bình thường nhưng sau đó một thời gian thì xuất hiện những dấu hiệu khác lạ như: toàn thân trắng xanh nhợt nhạt, đầu không có tóc lại to khác lạ, chân tay co quắp.

Thời gian đầu, vợ chồng ông nghĩ là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thốn nên không đủ chất dinh dưỡng cho con, nhưng càng ngày thân hình các con càng biến dạng và không phát triển.

Năm tháng trôi qua, cả ba anh em vẫn nằm một chỗ, suốt ngày gào khóc. Vợ chồng ông đã chạy vạy khắp nơi, ai mách bảo thuốc thang gì cũng tìm nhưng tất cả đều vô ích. Ôm ba đứa con trong vòng tay, nước mắt bà Pháo cứ trào ra. Bà tâm sự: “Nhìn bọn trẻ hàng xóm ngày ngày được đi học, được chơi và cười nói vui vẻ  mà lòng tôi như dao cắt, chú ạ!”.

Đầu năm 2007, gia đình ông Xuân được hỗ trợ 20 triệu đồng từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Công ty TNHH Thành Thu - Bảo Tín để xây một ngôi nhà. Nhưng nỗi đau vẫn cứ hiện lên trên những khuôn mặt đờ đẫn, nụ cười ngây dại của những đứa con tật nguyền và khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi, ướt đẫm nước mắt của ông bà Xuân - Pháo. Hơn ba mươi năm đất nước đã hòa bình nhưng nỗi đau chiến tranh chưa một ngày nào vơi trong ngôi nhà này.

 Văn Tuấn

Các tin khác
Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 17/5, Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ Thị ủy Nghĩa Lộ đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ diễn tập chiến đấu xã, phường trong khu vực phòng thủ năm 2024 cho các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ thị xã.

Lễ kỷ niệm diễn ra trang nghiêm tại khu tượng đài thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình.

Lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là cựu thanh niên xung phong, đoàn viên, thanh niên.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết.

Sau khi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành địa phương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đề nghị Thủ tướng xem xét ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu (01 điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục