Nhận thấy những viên đá nhiều màu sắc chính là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất ngọc Lục Yên, từ năm 1990, chị Nguyễn Thị Hằng - thành viên Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Lục Yên đã ấp ủ mong ước biến những viên đá thô sơ thành những bức tranh đá đẹp.
Nghĩ là làm, ban đầu chị Hằng cũng gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự kiên trì, mầy mò, sáng tạo mà các sản phẩm tranh đá của gia đình chị ngày càng được nhiều người yêu thích.
Từ năm 1995, sau khi tham gia vào tổ chức Hội phụ nữ, chị Hằng đã tuyên truyền cho nhiều chị em khác mở thêm cơ sở sản xuất tranh đá. Chị đã trực tiếp dạy nghề làm tranh đá cho 250 lượt phụ nữ trong huyện. Cho đến nay, cơ sở làm tranh đá của gia đình chị tạo việc làm cho 10 chị em. Kinh doanh đá và tranh đá đã mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 300 - 350 triệu đồng/năm.
Thêu dệt thổ cẩm là công việc gắn liền với phụ nữ Mông. Trên con đường tìm kiếm hướng phát triển kinh tế cho gia đình, nhiều phụ nữ vùng cao đã lựa chọn phát triển công việc thường ngày này của chị em thành công việc tạo ra thu nhập.
Chị Vừ Thị Vang, bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mạnh dạn vay vốn đầu tư các nguyên liệu và máy móc để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt thêu thổ cẩm để vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị bản địa của nghề dệt thêu thổ cẩm.
"Bước đầu, chưa có kinh nghiệm, việc sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi nghĩ nếu bản thân không cố gắng thì không thoát được đói nghèo nên quyết định dù khó khăn thế nào cũng sẽ thành lập tổ hợp tác để dệt thêu thổ cẩm. Tôi đã không ngừng cố gắng tìm hòi và học hỏi thêm kinh nghiệm từ chị em ở các địa phương khác và dần dần mở rộng được thị trường tiêu thụ” - chị Vừ Thị Vang chia sẻ.
Từ năm 2020, trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác của chị xuất bán được 1 nghìn đến 5 nghìn mét vải lanh và 400 các mặt hàng như váy, áo sang nước ngoài và các tỉnh lân cận như Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình…, đem lại thu nhập khá cho gia đình.
Chị
Đoàn Thị Lương - Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Lương (phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) lại quyết tâm nâng tầm giá trị của quả táo mèo - một đặc sản của vùng cao Yên Bái.
Quả táo mèo chỉ có theo mùa trong năm, từ tháng 7 cho tới đầu tháng 12 là hết, sản lượng táo mèo hàng năm được người dân bán ra thị trường rất lớn, giá thành lại rất rẻ, dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Khách hàng mua về cũng chỉ biết sử dụng vào mục đích ngâm rượu hoặc băm lát phơi khô để sử dụng dần.
"Với kinh nghiệm 10 năm kinh doanh, được bén duyên với quả táo mèo, tôi luôn khao khát tìm hướng đi mới cho quả táo mèo. Tinh thần quyết tâm và khát vọng phát triển kinh tế từ sản phẩm bản địa đã thôi thúc tôi phải làm thế nào để chế biến phát triển quả táo mèo thành những sản phẩm dễ sử dụng và đặc trưng hơn” - chị Đoàn Thị Lương chia sẻ.
Từ quyết tâm đó, sau khi nghiên cứu, tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, chế biến quả táo mèo, chị Đoàn Thị Lương đã cùng các thành viên Hợp tác xã cung cấp ra thị trường các sản phẩm như mứt, ô mai và rượu táo mèo.
Với các sản phẩm từ táo mèo của Hợp tác xã Đoàn Lương, thay vì trước đây chỉ thưởng thức theo mùa thì giờ đây, khách hàng có thể thưởng thức vị táo mèo quanh năm, giá trị kinh tế của quả táo mèo cũng được tăng lên rất nhiều.
"Hiện nay, chúng tôi đã được Sở Công Thương và Phòng Kinh tế thành phố Yên Bái cấp giấy phép sản xuất, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài bán buôn, bán lẻ và giới thiệu tại cơ sở chính, chúng tôi còn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, thiết lập nhóm cộng tác viên, liên kết, trao đổi hàng hóa với các hợp tác xã thành viên khác, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ quả táo mèo tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh” - chị Lương cho biết.
Phát huy giá trị sản phẩm, tài nguyên bản địa là con đường lựa chọn của nhiều phụ nữ trên bước đường sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp. Ý chí, quyết tâm cùng khát khao, mong ước nâng tầm các sản phẩm bản địa đã thôi thúc những người phụ nữ ấy tìm tòi, sáng tạo, năng động để phát huy giá trị các sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều chị đã và đang có những thành công, thành quả nhất định trên con đường này.
Năm 2023, Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng lựa chọn chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”.
Cuộc thi là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Đề án 939 của Chính phủ "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tài nguyên bản địa và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương trên cả nước; đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ tỉnh nhà tìm tòi, sáng tạo phát huy các giá trị sản phẩm, tài nguyên bản địa trong quá trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Thu Hạnh