Không có việc “bắt ép dân đóng tiền làm đường" ở Ngòi Ngần, Bảo Ái (Yên Bình)

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/7/2023 | 1:56:46 PM

YênBái - Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền bài viết từ tài khoản Facebook "Vân Hồ" có nhiều nội dung được xem là bất thường như: "Tôi là công dân thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái... Thôn triển khai làm đường giao thông nông thôn lại bắt ép dân đóng góp số tiền vượt quá khả năng...".

Đường giao thông nông thôn đang được đầu tư xây dựng tại thôn Ngòi Ngần
Đường giao thông nông thôn đang được đầu tư xây dựng tại thôn Ngòi Ngần

Trong bài viết có tiếp: "... Ngày 17/5/2023 có diễn ra cuộc họp làm đường nông thôn mới, dân có ý kiến thì cán bộ xã, thôn đuổi về không cho tham gia; có những gia đình thuộc những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn vẫn bị ép phải nộp tiền, nếu không nộp sẽ bị trưởng thôn đe dọa bắt phải chuyển nhà ra khỏi nơi ở...” (Trích bài viết từ tài khoản "Vân Hồ" trên Facebook). 

Trang Facebook "Vân Hồ" cũng cho đăng kèm 3 bức ảnh là: hợp đồng vay tiền, danh sách nộp tiền làm đường, danh sách thu tiền. 

Xác minh thông tin vụ ép người dân vùng cao nhận nợ xây đường nông thôn mới

Thông tin phản ánh người dân bị ép ký giấy vay tiền để làm đường nông thôn mới đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao (hình ảnh từ FB "Vân Hồ")

Để làm rõ hơn vụ việc và có cái nhìn khách quan, trung thực, chúng tôi đã về thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái để gặp gỡ, trao đổi với những người trong cuộc.

Từ quốc lộ 70, rẽ theo con đường bê tông, qua những xóm núi khá trù phú, vượt qua những khúc cua men theo lưng đồi, sắp đến cuối thôn Ngòi Ngần, con đường trở nên trắc trở bởi bộn bề công trường bê tông hóa giao thông nông thôn. Chắc chắn chỉ vất vả lần này thôi, chẳng mấy bữa nữa, đường về các khu dân cư, về những làng người Dao nơi đây sẽ êm thuận - tôi tự an ủi mình khi điều khiển con "ngựa sắt”. 

"Có nhà không bác Vinh, Trưởng thôn ơi?"-  Tôi gọi to rồi đẩy cánh cổng bước vào sân. Người đàn ông tên Lê Thế Vinh, Trưởng thôn Ngòi Ngần chạy ra đón khách. Vừa nghe giới thiệu là nhà báo đến tìm hiểu vụ việc, ông Vinh đã vội nói: "Đây đây, tôi đang viết đơn tố cáo người bịa đặt, bôi nhọ chúng tôi lên mạng xã hội đây! Cả thôn, cả xã đang quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, dù có vất vả nhưng cả đời được hưởng, ai cũng nghĩ thế. Vậy mà người ta lại phá đám mà phá đám không chỉ lần này”. 

Sau khi được trấn an, ông Trưởng thôn giãi bày: "Con bé đó có phải người thôn tôi đâu (là làm dâu tại thôn- PV), sự thể có như nó viết đâu, vậy mà nó tung mấy câu lên mạng khiến những người có trách nhiệm và vất vả như chúng tôi phải khổ. Để cho khách quan, giờ tôi đưa anh đến gặp trực tiếp bố chồng nó. Anh nghe ông ấy nói thì sẽ rõ”. 

Chúng tôi cùng ông Trưởng thôn Ngòi Ngần về xóm Ngòi Bình để gặp ông Triệu Văn Thiên, là cha chồng của cô Đặng Thị Hồ, chủ tài khoản Facebook  "Vân Hồ". 

Trên đường đi, ông Lê Thế Vinh cho biết: Ngòi Ngần là thôn "135" (hưởng Chương trình 135) của xã Bảo Ái, cuộc sống người dân đã có nhiều khởi sắc, dù vậy, đời sống kinh tế nói chung vẫn thấp hơn những thôn bạn, đặc biệt là những thôn dọc theo quốc lộ 70. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn Ngòi Ngần và xóm Ngòi Bình, xã Bảo Ái,\ được Nhà nước đầu tư rất nhiều chương trình, dự án; xã đã sắp sửa được công nhận đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. 

Xóm Ngòi Bình được Nhà nước đầu tư 2 lần làm đường bê tông. Hình thức đầu tư là Nhà nước cho toàn bộ vật tư, vật liệu (xi măng, cát, đá), dân tự giải phóng mặt bằng, tự làm nền đường và tự đổ bê tông theo tiêu chuẩn quy định. 

Nhận được chủ trương, khi được xã thông báo, thôn tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động, tính toán mức chi phí (công đổ, công san gạt nền đường) chia theo bình quân nhân khẩu; nhà nhiều khẩu thì nộp nhiều, nhà ít thì nộp ít, mỗi khẩu 1 triệu đồng (đây là mức phải đóng khi làm đợt 1) để xây dựng đoạn đường bê tông dài 970 mét. Đợt 2, đổ tiếp 800 mét, mức đóng góp như lần 1 (1 triệu đồng/khẩu). Sau rất nhiều lần họp bàn (tổng số 9 lần), nhân dân đã cơ bản đồng tình ủng hộ, tất nhiên vẫn có ý kiến này, ý kiến khác nhưng biên bản cũng đã được lập ra và có chữ ký của đại diện các hộ. 

Để đảm bảo tính khách quan và thống nhất chỉ đạo, người dân xóm Ngòi Bình đã bầu ra Ban chỉ đạo, quản lý dự án làm đường, ban này gồm 4 người, đều là công dân trong thôn, là người có khả năng, có trách nhiệm và được đại bộ phận người dân tín nhiệm. Đến nay, đường đã làm xong nhưng vẫn có những hộ chưa nộp đủ tiền. Gia đình ông Triệu Văn Thiên là một thí dụ. 

Chúng tôi bước vào ngôi nhà sàn đậm chất đồng bào Dao, một gian hai trái, cột gỗ lý bóng loáng, sản gỗ phẳng phiu "trên cứng, dưới bền". Ông Triệu Văn Thiên, chủ nhà mời chúng tôi ngồi giữa nhà cùng chị gái ông, các cháu trai, cháu dâu ngồi xung quanh. 

Sau lời giới thiệu, tôi đề đạt nguyện vọng muốn biết tâm tư, ý kiến của ông Thiên về chủ trương làm đường, ông Thiên lắng nghe rất kỹ rồi bảo: "Tôi ủng hộ chủ trương này, có đường đi là tốt, nhưng nhà tôi chưa có tiền nên nợ lại”. 

Chúng tôi chia sẻ nỗi khó khăn của người nông dân, không phải lúc nào cũng sẵn tiền trong nhà. Ông Thiên cho biết: "Đợt 1, hộ tôi có 4 khẩu, đã đóng 4 triệu. Đợt 2, do không có tiền, tôi xin đi làm để trừ tiền đóng góp, cán bộ đồng ý, tôi đi làm hơn 2 buổi. Việc của tôi là cắt bao xi (dùng dao cắt vỏ bao xi măng để đưa vào máy trộn bê tông), họ tính tôi 2,5 công, mỗi công 300 ngàn đồng. Vậy là được 750 nghìn đồng; trừ đi số tiền đóng góp, số còn lại tôi vẫn nợ”. 

Chúng tôi đặt câu hỏi: "Anh có tâm tư hay đề đạt vấn đề gì không?", ông Thiên một lần nữa khẳng định: "Việc làm đường tôi ủng hộ, chỉ có điều, nhà tôi còn nợ tiền, hôm rồi tôi muốn thuê xe chở đất để cải tạo ruộng mà các ông bà trong xóm không cho, họ bảo còn nợ tiền nên không giải quyết”. 

Chúng tôi cam kết sẽ đề đạt vấn đề này với lãnh đạo UBND xã Bảo Ái trước khi ra về. Cuộc chia tay diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, Trưởng thôn Ngòi Ngần chứng kiến buổi trò chuyện cũng tay bắt mặt mừng, hoàn toàn thoải mái.


Đường giao thông nông thôn thôn Ngòi Ngần

Tuy nhiên, rời nhà ông Triệu Văn Thiên không xa, trên đường từ Ngòi Bình về trụ sở xã bỗng xuất hiện 2 phụ nữ còn khá trẻ tuổi, đi trên 2 xe máy, họ vẫy xe tôi lại và tự giới thiệu mình là chủ tài khoản Facebook "Vân Hồ". 

"Anh vừa vào nhà em, em biết nhưng về không kịp, bọn em muốn nói chuyện với anh” - một cô nói với tôi như vậy, trong khi người còn lại đã lăm lăm cái điện thoại sẵn sàng ghi âm, ghi hình! "Các em muốn nói chuyện, anh đồng ý. Mời các em về gần trụ sở xã nói chuyện cho tiện, đứng giữa đường, xe đi lại khó khăn mà như thế cũng không hay” - tôi đề nghị và cùng hai cô gái đi về phía trụ sở xã Bảo Ái.

Buổi nói chuyện diễn ra sau đó không như ở nhà ông Vinh bởi Đặng Thị Hồ (chủ tài khoản Facebook "Vân Hồ") luôn cương quyết cho rằng mình đúng, mình nhờ mạng xã hội để kêu cứu vì người dân bị cán bộ đe dọa, rất hoang mang... (xin được nói thêm cùng bạn đọc, Đặng Thị Hồ và cô gái đi cùng (giới thiệu là con nuôi bố Thiên)  luôn lăm lăm cái điện thoại, sẵn sàng quay phim...). Với 2 cô gái trẻ, Chúng tôi chỉ biết phân tích cho các em rằng, sử dụng mạng xã hội phải thận trọng, phải tuân thủ Luật An ninh mạng.

Qua xem bài viết trên Facebook, chúng tôi nhận thấy, em có một số thứ chưa đúng, thí dụ như: em không là người gốc thôn Ngòi Ngần (là con dâu); chẳng ai bắt ép dân đóng tiền; chẳng cán bộ nào đe dọa dân phải chuyển nhà khỏi nơi ở; mức tiền 2,5 triệu đồng cũng không đúng... Có lẽ Đặng Thị Hồ và người bạn đi cùng nhận ra một số mong muốn của mình đã không được các nhà báo đáp ứng nên chúng tôi đã kết thúc buổi nói chuyện.

Vụ việc một công dân phản ánh quá trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn tại xóm Ngòi Bình, thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái chắc chắn không phải là vụ việc lớn, các ngành chức năng đang tiếp tục xử lý dứt điểm, không để ảnh hưởng đến phong  trào chung. 

Vấn đề đặt ra ở đây là phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn của Đảng và Nhà nước; về pháp luật nói chung và Luật An ninh mạng nói riêng; cần có cơ chế, chính sách và giải pháp cặn kẽ hơn trong việc huy động sự đóng góp từ phía người dân; tránh tình trạng trông chở, ỉ lại và dây dưa, nợ nần... 

Việc Ban quản lý, chỉ đạo làm đường ở xóm Ngòi Bình yêu cầu người dân còn nợ tiền đóng góp ký hợp đồng vay tiền có thế chấp bằng đồi rừng... là rất không nên; tuy nhiên, có lẽ đây cùng là biện pháp bất đắc dĩ do cũng có cái khó của những người được dân bầu làm Ban quản lý vì họ cũng chỉ là người "vác tù và hàng tổng”, người dân nợ tiền đóng góp làm đường, đồng nghĩa với việc những người trong Ban quản lý, chỉ đạo phải nợ lại tiền công của nhà thầu. Đối với chủ tài khoản Facebook "Vân Hồ" - Đặng Thị Hồ, đã có những dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng , các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý.

Lê Phiên 

Tags bắt ép dân đóng tiền làm đường Ngòi Ngần Bảo Ái Yên Bình

Các tin khác
Các em nhỏ đọc sách tại Thư viện rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Cùng với sự phát triển của tỉnh, hiện nay, hệ thống thư viện trên địa bàn cũng đã phát triển cả về số lượng, chất lượng, phổ biến rộng rãi từ trung tâm thành phố đến các huyện, thị, xã, thị trấn, trường học, bệnh viện, quân đội, trại giam... với 17 thư viện từ cấp tỉnh đến huyện và xã, 115 tủ sách cơ sở và 155 tủ sách lớp học đảm bảo đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS thị trấn Thác Bà tham gia các khóa học bơi.

Các nhà trường đã tăng cường các tiết giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ lên lớp để giúp các em được rèn luyện kỹ năng sống, tránh những mối nguy hại có thể xảy ra.

Đại diện Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam trao hỗ trợ vay vốn phát triển mô hình sinh kế cho phụ nữ tham gia Dự án tại huyện Văn Yên.

Từ tháng 3/2023 đến 6/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, UBND huyện Văn Yên và các ban, ngành liên quan triển khai giai đoạn 1 Dự án “Giảm bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái dễ bị tổn thương tại vùng dân tộc thiểu số phía Bắc, Việt Nam” do Tổ chức Hagar International tài trợ. Dự án được triển khai trên địa bàn 4 xã của huyện Văn Yên là: Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Đông An, Quang Minh.

Người dân treo cờ chào mừng ngày lễ 2/9. (Ảnh minh họa)

Kỳ nghỉ lễ cuối cùng của năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tục, kéo dài từ 1/9 đến hết 4/9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục