Nghĩa tình Cổ Phúc
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) luôn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và 5 chương trình chăm sóc người có công với cách mạng.
Cán bộ chính quyền thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) thăm hỏi, tặng quà thương binh Vi Văn Tuyển ở khu phố 3.
|
Hiện nay, Cổ Phúc có 26 liệt sĩ, 62 thương binh, bệnh binh, 2 cán bộ tiền khởi nghĩa và lão thành cách mạng, 9 đối tượng chất độc da cam và 21 đối tượng chính sách khác. Ông Hà Việt Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công và cụ thể hóa bằng những việc làm tình nghĩa. Thị trấn đã phân công một cán bộ trực tiếp quản lý, nắm bắt tâm tư tình cảm, hoàn cảnh của từng đối tượng để tham mưu, thực hiện tốt chế độ ưu đãi về trợ cấp và một số chính sách ưu đãi khác. Đảng ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm bảo đảm đời sống vật chất cho các đối tượng”.
Hàng năm, địa phương đều triển khai kế hoạch vận động các hộ gia đình, các cơ quan đóng trên địa bàn tham gia đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Từ năm 2002 đến nay đã thu được trên 30 triệu đồng, dùng để tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết; gặp mặt các gia đình liệt sĩ, các thương binh dịp 27/7. Thị trấn còn trích nguồn ngân sách từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi năm để chăm lo đời sống người có công như hỗ trợ khó khăn, tu sửa nhà, thăm hỏi lúc ốm đau.
Năm 2007, các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân thị trấn đã vận động hội viên, đoàn viên ủng hộ được 1,5 triệu đồng, tặng 13 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách khó khăn. Nhờ vậy, từ năm 2000 đến nay, các thôn, khu phố đều vận động nhân dân đóng góp công sức cùng sự hỗ trợ của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị quân đội và Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đầu tư trên 100 triệu đồng cho 4 gia đình liệt sĩ, thương binh xóa nhà dột nát là hộ chị Trần Thị Na ở thôn 2, Nguyễn Thị Giới ở thôn 3, Nguyễn Trọng Vạn ở khu phố 5 và Nguyễn Thị Thanh ở khu phố 9.
Bên cạnh đó, các chính sách đối với người có công được thị trấn thực hiện nghiêm túc, chế độ chi trả đúng thời gian, bảo đảm chi đúng, chi đủ đến tận tay đối tượng. Cùng với việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà, các thôn, khu phố thường xuyên thăm hỏi, động viên, huy động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động giúp đỡ các gia đình chính sách gặp khó khăn trong cuộc sống như bị ảnh hưởng thiên tai, ốm đau, thiếu lao động, làm nhà tình nghĩa...
Để tạo điều kiện cho các gia đình phát triển chăn nuôi, kinh tế vườn rừng, làm trang trại, UBND thị trấn Cổ Phúc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên huy động vốn cho vay hàng trăm triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Đến nay, các hộ gia đình thương binh, liệt sĩ đều có mức sống từ trung bình trở lên, không còn hộ gia đình chính sách nghèo.
Không ỷ lại Nhà nước, nhiều thương binh, gia đình chính sách đã vươn lên làm giàu, tiêu biểu là người thầy giáo thương binh hạng 1/4 Bùi Đức Trọng ở khu phố 8. Những năm kháng chiến chống Mỹ, anh Trọng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và rồi, di chứng chất độc da cam đã khiến người con trai của anh chịu tật nguyền suốt đời. Không lùi bước trước khó khăn, anh động viên vợ vừa chăm sóc, nuôi dạy con cái vừa tích cực phát triển kinh tế gia đình, tham gia công tác xã hội. Nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và được công nhận là “Người công dân kiểu mẫu”.
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở Cổ Phúc được các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao, tiếp nối sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Những việc làm đó đã phần nào giúp các gia đình chính sách vượt lên nỗi đau, tích cực công tác, lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Quỳnh Nga
Các tin khác
Thị xã Nghĩa Lộ: Bình quân 60 đầu sách một tủ sách pháp luật/ Huyện Trấn Yên: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 2.000 lượt người
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt đề án Hỗ trợ thanh niên (TN) học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015. Đây là đề án do T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB-XH xây dựng.
Theo Bộ NN&PTNT, từ giữa tháng 5 đến nay, dịch tai xanh diễn biến rất phức tạp. Đã có 90 xã, phường, thị trấn của 30 huyện, thị ở 14 tỉnh trên khắp 3 miền phát dịch làm 16.677 con lợn nhiễm bệnh, trong đó đã tiêu hủy 14.799 con.
YBĐT - Ngày 24/7, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo: “Đánh giá thực trạng hệ thống KCB và giải pháp nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở của tỉnh Yên Bái”. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.