Về với người Dao Tân Hương
- Cập nhật: Thứ ba, 5/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ ngày đắp đập, ngăn sông khai sinh công trình Thuỷ điện Thác Bà, nhiều hộ dân đã di chuyển từ vùng hồ lên khai hoang mở đất ở Tân Hương (Yên Bình - Yên Bái), lập nên các thôn: Khe Mạ, Khe Móc, Khe May, Khe Gáo và Đồi Hồi với trên 90% là đồng bào Dao. Trên quê hương mới, cùng với đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Cao Lan, 316 hộ đồng bào dân tộc Dao đã vượt lên những khó khăn, thiếu thốn chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.
Cuộc sống gia đình anh Bảo thôn Khe Móc khá đầy đủ, tuy chiếc tivi chưa có điện lưới nên luôn phập phù lúc xem được lúc không.
|
Bí thư Đảng uỷ xã Thạch Ngọc Chức cho biết: “Ở 5 thôn người Dao kinh tế phát triển khá, đồng đều, có khi còn khá hơn các thôn bên ngoài dọc quốc lộ 70. Chỉ có điều, ở đây chưa có điện và đường giao thông còn khó khăn phần nào đã hạn chế đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là thiệt thòi của người dân mà xã trăn trở từ bấy lâu, bởi hy sinh cho dòng điện từ mấy chục năm nay mà đến giờ vẫn chưa được sử dụng điện”.
Nói rồi, Bí thư Đảng ủy xã và Phó chủ tịch HĐND xã Lục Văn Khai đưa chúng tôi đi thăm Khe May qua Khe Móc sang Khe Mạ. Cuộc sống ở đây thật thanh bình. Những nếp nhà sàn ẩn hiện dưới rặng tre vi vút. Đi giữa cánh đồng lúa xanh mướt đang thì con gái ở Khe May cảm giác như dịu lại nắng hè gay gắt.
Anh Chức cho hay một phần trong số những thửa ruộng kia là ruộng dưới "cốt 58", nước hồ Thác Bà rút, bà con tranh thủ cấy cũng được gần chục ha. Chúng tôi dừng chân bên nếp nhà sàn xinh xắn của gia đình anh Đặng Quốc Bảo - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khe Móc. Vừa tới chân cầu thang đã cảm nhận được cuộc sống no đủ và có phần sung túc của gia đình: một sân phơi đầy ăm ắp thóc, chiếc xe máy dựng dưới gầm sàn và những đống thóc đang quạt dở... Lên cầu thang, vào nhà đập vào mắt là những bao to, bao bé, những đống lúa đã được phơi khô, quạt sạch chờ cất vào thùng.
Bí thư Thạch Ngọc Chức đùa vui: "Nhiều thóc thế này thì thừa ăn rồi, ông trưởng thôn ơi!". Trưởng thôn Bảo trước làm Bí thư Đoàn xã, từ năm 2000 được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Khe Móc và đến năm 2005 thì được bầu kiêm Bí thư Chi bộ thôn. Cả thôn Khe Móc có 77 hộ, trên 300 khẩu thì chỉ có 10 hộ người Kinh, còn lại đều người Dao. Anh Bảo cho hay, phần lớn các hộ dân trong thôn đều là dân vùng hồ, khi nước ngập di chuyển lên đây. Ngày đầu cũng chỉ có ít hộ, dân cư thưa thớt, no đói đều trông cả vào việc làm nương làm rẫy tra ngô, tra lúa. Vất vả mà không đủ ăn, đất thì bạc màu theo từng năm, từng vụ. Ngày xưa là thế, còn hôm nay đồng bào đã không còn phát rừng làm nương bừa bãi nữa mà thay vào đó là trồng rừng, trồng sắn, trồng chè.
Cả xã chỉ có 8 ha ruộng nước, 5 ha chè nhưng bù lại có diện tích rừng lớn, bình quân mỗi gia đình có 2 ha rừng chủ yếu là trồng keo, bồ đề cung cấp cây nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Thu nhập từ đồi rừng cũng khá, từ đó có tiền được làm nhà mới, mua xe, sắm tủ, sắm giường, cho con cái học hành... đều trông cả vào đồi rừng.
Vài năm trở lại đây cũng như nhiều hộ khác trong vùng, người dân Khe Móc còn trồng sắn để thêm nguồn thu. Cứ trồng 2 vụ sắn lại chuyển sang trồng cây để cải tạo đất, mỗi ha sắn cho thu gần chục triệu đồng. Thêm nữa là phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn gà vừa phục vụ cho công việc đồng áng vừa cải thiện đời sống hàng ngày. Với hướng đi đó đến nay ở cả 5 thôn người Dao của Tân Hương nói chung và Khe Móc nói riêng đã không còn hộ đói.
Năm 2007, Khe Móc đã xoá 5 hộ nghèo và từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 134, nhân dân giúp đỡ ngày công, nguyên vật liệu mà các hộ chị Hoàng Thị Mai, Lâm Văn Thiết, Lý Văn Tuân, Hà Văn Khánh đã xoá được nhà dột nát.
Có kinh tế khá, đời sống văn hoá cũng phần nào được đổi mới, cách suy nghĩ của người dân đã đổi mới trong nếp sống, sinh hoạt, trong các phong tục tập quán của đồng bào. Đám cưới, đám hỏi đã không còn kéo dài vài ba ngày như trước, việc đón dâu giờ chỉ đi về trong ngày, các thủ tục rườm rà được rút gọn và nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào thì vẫn được gìn giữ như trang phục truyền thống của cô dâu, chú rể trong ngày cưới, các làn điệu hát xin dâu, hát đối đáp...
Việc học hành của con em trong thôn cũng ngày một thuận lợi khi điểm trường với 6 phòng học đã được xây dựng trên địa bàn. Được biết, Tân Hương đã đề nghị được thành lập thêm 1 trường tiểu học của xã ở khu vực này để con em trong vùng có điều kiện được học hết tiểu học mà không phải đi về tận trung tâm xã.
Anh Bảo cứ rủ rỉ như con gái, nhưng khi nói đến nguyện vọng của bà con thì sôi nổi hẳn lên. Hết thảy người dân 5 thôn Khe Mạ, Khe Móc, Khe May, Khe Gáo và Đồi Hồi đều mong chờ đỏ mắt nguồn điện lưới để phục vụ sinh hoạt. Mặc dù trạm điện hạ thế đã được xây dựng từ năm 2000 (ngồi trên nhà anh Bảo cũng nhìn thấy nó sừng sững ngay quả đồi trước mặt) vậy mà từ đó đến nay người dân vẫn chưa được dùng điện. Và rồi tự thân vận động, 17 hộ dân trong thôn đã đóng góp tiền, ngày công mỗi hộ từ 1 - 1,5 triệu đồng xin kéo đường điện từ trung tâm xã tới 4 - 5km về.
Phát triển chăn nuôi ở hộ gia đình người Dao, Tân Hương. |
Hao tải nhiều mà điện yếu không sử dụng được. Ban ngày mà chiếc ti vi nhà anh Bảo cứ bập bùng lúc lên hình lúc lại tắt phụt. Ban đêm điện càng yếu, chỉ sử dụng 1 bóng thắp sáng còn không nổi. Điện đã vậy còn đường, con đường vào các thôn Khe Mạ, Khe Móc, Khe May, Khe Gáo và Đồi Hồi mặc dù đã có nền đường nhưng chưa được rải cấp phối nên rất xấu. Bí thư Thạch Ngọc Chức hóm hỉnh nói: "Có ghét nhau như vợ chồng sắp li dị nhưng đèo nhau ra toà đi con đường này cũng phải ôm chặt, không thì... rơi mất!".
Giữa trưa hè oi ả, chang chang nắng, chúng tôi rời Khe Móc, Khe Mạ trên con đường gập ghềnh ổ voi, sống trâu một cách khó nhọc. Chiếc xe máy ì ì chạy không chỉ lái bằng tay mà còn phải lái cả bằng chân, chợt nghĩ nắng đã thế này, trời mưa, đường trơn, lầy bùn đất thì làm sao! Được biết, 5 thôn người Dao của Tân Hương đã được đề nghị công nhận là thôn vùng III nằm trong Chương trình 135 những đến nay vẫn chưa được cấp ngân sách, người dân chỉ mong sao có nguồn vốn hỗ trợ cùng với sức dân, con đường này sẽ được rải cấp phối để việc đi lại dễ dàng hơn.
Còn đường điện sau nhiều năm hạ thế “ngủ yên” nay đang được thi công, nhiều khả năng đến cuối năm đồng bào sẽ được dùng điện lưới, đó là tin vui mà hết thảy ai cũng mong chờ. Rồi đây khi dòng điện bừng sáng, khi con đường rộng mở, chắc chắn cuộc sống của người Dao ở Tân Hương sẽ bừng khí sắc mới.
Ngọc Tú
Các tin khác
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, sản lượng điện sản xuất 7 tháng đầu năm 2008 trên toàn quốc ước đạt 42,761 tỷ KWh, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, điện thương phẩm 7 tháng ước đạt 37,934 tỷ KWh, tăng 15,8%.
Ngày 4.8, nhiều trường tiếp tục công bố điểm thi và điểm chuẩn dự kiến. Trường ĐH Ngoại thương đã chính thức công bố điểm trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008.
YBĐT - Năm 2005, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ(Yên Bái) được chọn là một trong các xã, phường xây dựng chuẩn quốc gia về y tế. Với những cố gắng, năm 2006, Trạm Y tế phường đủ tiêu chuẩn đạt chuẩn quốc gia y tế. Tuy nhiên, cuối năm 2007, qua thẩm định kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Trạm lại chỉ đạt 78,9/100 điểm, không được công nhận duy trì đạt chuẩn.
YBĐT - Trong rất nhiều hoạt động của MTTQ huyện Trấn Yên (Yên Bái) thì đóng một vai trò rất quan trọng đó là sự tham gia tích cực của các ngành thành viên như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... trong việc tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể