Người lao động được hỗ trợ 2/3 kinh phí đào tạo
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/9/2008 | 12:00:00 AM
Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Đề án “Thí điểm đặt hàng đào tạo lao động xuất khẩu”. Theo đề án, người lao động sẽ được hỗ trợ nâng cao tay nghề trước khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
|
Xung quanh vấn đề này, bà Hoàng Kim Ngọc - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - đơn vị được giao triển khai đề án cho biết: Mục tiêu của đề án là nâng cao tay nghề cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động.
Thực thế cho thấy, chúng ta đã làm công tác XKLĐ trong suốt một thời gian dài nhưng nguồn lao động để đi XKLĐ vẫn chủ yếu là lao động phổ thông, không có tay nghề. Công tác đào tạo lao động xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào doanh nghiệp nên chỉ dừng lại ở mức “ăn đong” theo đơn đặt hàng.
Trước thực trạng này, Đề án thí điểm đặt hàng đào tạo lao động xuất khẩu ra đời sẽ giúp tạo ra nguồn lao động có trình độ tay nghề cao theo nhu cầu của thị trường. Từ đó, đề án đưa ra mục tiêu là cải thiện thương hiệu lao động Việt Nam cả về lượng và chất trên thị trường quốc tế.
Vậy những đối tượng nào sẽ được tham gia đề án, thưa bà?
Về mặt quản lý nhà nước, hai cơ quan sẽ đứng ra thực hiện đề án theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình là Cục quản lý lao động ngoài nước và Tổng cục Dạy nghề. Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ nào đáp ứng các tiêu chí của đề án (lo đầu ra - đi làm việc ở nước ngoài); còn Tổng cục Dạy nghề sẽ giới thiệu các trường nghề trong phạm vi quản lý của mình (lo khâu đào tạo nghề).
Đây là một chu trình khép kín từ đào tạo nâng cao tay nghề đến khâu đầu ra là lao động được đi XKLĐ. Vì thế, đối tượng tham gia sẽ là các cơ sở dạy nghề (công lập, ngoài công lập trên phạm vi cả nước, bao gồm cả cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp) đáp ứng yêu cầu của bên đặt hàng; thứ hai là các doanh nghiệp XKLĐ có đơn hàng tuyển lao động các nghề phù hợp với đề án, có cam kết với cơ sở dạy nghề đưa số lao động sau khi được đào tạo đi làm việc ở nước ngoài.
Phương thức thực hiện đề án sẽ như thế nào thưa bà? Người lao động tham gia đề án sẽ được hỗ trợ kinh phí ra sao?
Theo dự kiến, ngân sách Nhà nước cấp cho việc thực hiện thí điểm đề án trong 3 năm (từ 2008-2010) là 10 tỷ đồng; riêng năm 2008 là 2 tỷ đồng. Theo đó, người lao động sẽ được hỗ trợ tối đa 2/3 tổng chi phí đào tạo nâng cao tay nghề trước khi đi XKLĐ. Phương thức thực hiện dự án là theo hình thức chỉ định thầu hoặc chào hàng cạnh tranh (thực hiện trong năm 2008).
Còn trong các năm 2009 và 2010, có một số gói thầu sẽ thực hiện theo hình thức đấu thầu theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, dù thực hiện theo hình thức nào, mục tiêu đạt được cuối cùng là phải gắn kết giữa việc đào tạo nâng cao tay nghề với người đi XKLĐ, đáp ứng nhu cầu của các nước tiếp nhận lao động Việt Nam.
Như bà nói, vì là thí điểm nên sẽ tập trung vào một số nghề chính?
Từ trước đến nay, còn có sự bất cập trong việc gắn kết đào tạo nghề với XKLĐ. Cơ sở dạy nghề không nắm được nhu cầu của thị trường để đào tạo; còn các doanh nghiệp XKLĐ thì không tìm được nguồn lao động có trình độ cao như yêu cầu của đối tác. Vì thế, để thực hiện dự án, thông qua Tổng cục Dạy nghề, sẽ đặt hàng một số cơ sở dạy nghề có uy tín, hiện đang dạy một số nghề mà thị trường đang có nhu cầu lớn như: hàn, điện - điện tử.
Riêng năm 2008 sẽ ưu tiên chọn thí điểm nghề hàn. Sỡ dĩ chọn nghề hàn là vì, đây vừa là nghề sở trường của người lao động Việt Nam vừa là nghề đang có nhu cầu rất lớn từ các nước tiếp nhận. Sau khi kết thúc đợt thí điểm của năm 2008, dựa vào sự thành công của nghề hàn, sẽ tiếp tục mở rộng sang các nghề khác mà phía các nước tiếp nhận đang cần.
Để thực hiện đề án hiệu quả, tránh cơ chế “xin cho”, Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ phải làm gì thưa bà?
Có thể nói, việc đào tạo nghề để đi XKLĐ từ trước đến nay đều do doanh nghiệp và người lao động tự bươn chải. Việc thực hiện Đề án thí điểm đặt hàng đào tạo lao động xuất khẩu, cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi vì đây là lần đầu tiên có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Cục sẽ là đơn vị đầu mối để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nhà trường, người lao động tìm đến với nhau.
Để thực hiện hiệu quả đề án, Cục sẽ phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và các doanh nghiệp XKLĐ chọn ra những trường nghề có khả năng, những doanh nghiệp XKLĐ uy tín và đặc biệt phải có các đơn hàng tiếp nhận lao động tại các thị trường ngoài nước. Tức là, nhà trường phải có trách nhiệm đào tạo lao động có tay nghề tốt; còn doanh nghiệp phải cam kết đưa được người lao động đi XKLĐ.
Vì thế, trong việc thực hiện đề án sẽ không có “cửa” cho những ai muốn “xin cho” và những trường, doanh nghiệp XKLĐ không đáp ứng yêu cầu của đề án.
Xin cảm ơn bà!
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Trong không khí tưng bừng vui trung thu của thiếu nhi cả nước, Quỹ “Trái tim nhân ái” Báo Hànộimới đã tổ chức chương trình vui trung thu cho gần 800 em nhỏ tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) - một địa phương bị thiệt hại nhiều trong đợt lũ vừa qua.
YBĐT - Trong những năm qua, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái luôn là địa phương làm tốt công tác quan tâm, chăm sóc người có công với cách mạng và giúp đỡ các đối tượng chính sách bảo đảm cuộc sống.
YBĐT - Nhiều cụ già, thanh niên, thiếu nữ các dân tộc từ các xã xa nhất của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cũng về tiễn đưa chồng, con em mình lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của một công dân với Tổ quốc.
YBĐT - Trong 3 tháng triển khai thực hiện “Chiến dịch thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè năm 2008” do Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái đã thu hút 100% các cơ sở Đoàn và 92% ĐVTN các đơn vị tham gia.