Trường THPT Chu Văn An: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
- Cập nhật: Thứ ba, 16/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với nhận thức cần thiết phải phổ cập tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các em học sinh, nhiều năm qua, nhất là từ khi thực hiện chương trình phân ban đại trà, Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên - Yên Bái) đã tăng cường đầu tư và khai thác có hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động dạy và học, phục vụ việc cho nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuổi trẻ Khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh tích cực học tập, tiếp thu công nghệ mới phục vụ công tác chuyên môn.
|
Mặc dù là trường có quy mô lớn của tỉnh Yên Bái với 50 lớp, trên 2.000 học sinh học ở 2 phân hiệu song CNTT còn xa lạ với hầu hết người dân. Thêm vào đó, học sinh vào Trường chưa một lần sử dụng máy vi tính. Nhưng ngay từ năm 2002, nhà trường đã trang bị phòng vi tính với 20 máy nhằm giúp cho giáo viên và học sinh dần làm quen với máy vi tính.
Chú trọng và từng bước ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập và công tác quản lý nên trong chỉ đạo đổi mới phương pháp chương trình phân ban, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Thông qua việc mỗi giáo viên trong năm học phải đăng ký ít nhất một tiết dạy sử dụng giáo án điện tử hoặc sử dụng tin học hỗ trợ đổi mới phương pháp theo đặc trưng bộ môn và bài dạy; trong hội giảng cấp tổ, cấp trường phải đăng ký ít nhất một tiết bài giảng điện tử sử dụng máy chiếu đa phương tiện; 100% giáo viên tham gia hội giảng cấp tỉnh phải soạn giảng giáo án điện tử dạy trên máy chiếu đa năng… nên đến nay 100% cán bộ giáo viên trong nhà trường đều sử dụng thành thạo máy vi tính. Hầu hết giáo viên sử dụng máy vi tính như một công cụ trong công tác chuyên môn của mình. Từ năm học 2006 – 2007, Trường THPT Chu Văn An đã xây dựng ngân hàng đề thi trên phần mềm chuyên dụng, xây dựng thư viện giáo án điện tử cho từng môn học để cho giáo viên tham khảo và đưa vào giảng dạy.
Ngoài việc nối mạng LAN và Internet phục vụ công tác giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục, Trường THPT Chu Văn An đã xây dựng thành công và quản trị website một cách hiệu quả, tạo kênh thông tin đa chiều giữa nhà trường, các bậc phụ huynh học sinh và học sinh, từng bước dân chủ hoá nhà trường với mục tiêu hướng tới người học. Trên website, nhà trường công khai hoá các kế hoạch, công tác tuyển sinh, hướng dẫn hoc sinh quy chế thi, hướng dẫn chọn ban với học sinh đầu cấp, định hướng chọn nghề cho học sinh cuối cấp, xây dựng phần mềm tra cứu điểm thi học kỳ, tốt nghiệp, tuyển sinh.
Đặc biệt, trường còn xây dựng diễn đàn dạy và học trên website để thu hút giáo viên, các em học sinh tham gia với nhiều hình thức như: trao đổi kinh nghiệm học tập, phương pháp học tập các bộ môn, tổ chức các cuộc thi giải Toán, Lý, Hoá, ngoại ngữ online, thi sáng tác, bình các tác phẩm văn học trong nhà trường… Hiện nay, nhà trường đang đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống phần mềm quản lý trường học gồm 3 modul đó là: phân công chuyên môn, sắp xếp thời khoá biểu điện tử, quản lý điểm và quản lý ngân hàng đề thi có sự hỗ trợ của hệ thống mạng Internet và hệ thống email.
Quan tâm tới ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý tài chính, năm 2004 nhà trường đã được Sở Giáo dục - Đào tạo và Công ty cổ phần MISA trang bị phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp. Từ đó đến nay, việc quản lý tài chính trong nhà trường đã được thực hiện nhanh và chính xác. Nhờ áp dụng tốt CNTT trong quản lý tài chính, việc quản lý, báo cáo tài chính được nhanh hơn, tốt hơn. Máy tính giữa hiệu trưởng và kế toán luôn được thông suốt do vậy việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát, cập nhật, trao đổi thông tin luôn kịp thời.
Thầy giáo Bùi Văn Xuân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2008 – 2009 được xác định là “năm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính” và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường THPT Chu Văn An sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, thiết lập và thử nghiệm sổ liên lạc điện tử của nhà trường trên mạng nội bộ và trên mạng Internet; gắn thư điện tử với các phòng học bộ môn, các phòng học đa phương tiện, các phòng máy tính; hoàn thiện và nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử, website của nhà trường; xây dựng hệ thống hướng dẫn ôn tập, tự học từ xa, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà và ngoài giờ chính khoá thông qua mạng Internet, từng bước hoàn thiện mô hình quản lý điện tử của nhà trường…”.
Để đổi mới công tác quản lý trường học, đổi mới quản lý tài chính và đổi mới phương pháp dạy học thì trước hết cần nâng cao nhận thức của mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh và các bậc phụ huynh về CNTT. Đó là bài học kinh nghiệm của Trường THPT Chu Văn An trong ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Khánh Linh
Các tin khác
YBĐT - Chị Nguyễn Thị T cư trú tại phố H, phường Y (thành phố Yên Bái) vốn nhanh nhẹn, nết na và có nhan sắc. Lấy chồng rồi sinh con như bao phụ nữ khác, chồng chị chạy xe ôm, còn chị buôn bán ở chợ.
YBĐT - Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) chịu hậu quả nặng nề bởi cơn bão số 4, cả trăm ngôi nhà bị ngập nước và sạt đất, đường giao thông bị chia cắt, ruộng bị bồi lấp, ao thả cá bị vỡ... nhưng ở xã vùng sâu, vùng xa này có một sự khác biệt.
YBĐT - Là xã vùng cao của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), 100% là đồng bào Mông, cuộc sống của người dân tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song trong những năm qua, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) đã có nhiều cố gắng, tích cực trong công tác chống tái trồng cây thuốc phiện và thực hiện tốt việc cai nghiện ma tuý tại địa phương.
YBĐT - Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành và các tổ chức thành viên luôn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.