Tổng kiểm tra kẹo, sữa bột
- Cập nhật: Thứ năm, 18/9/2008 | 12:00:00 AM
Trong những ngày gần đây, người tiêu dùng liên tiếp nhận được những thông tin về kẹo có trộn "bột đá", sữa Sanlu (Tam Lộc - Trung Quốc) gây bệnh cho gần 600 trẻ em Trung Quốc, sản phẩm sữa chua, thạch xuất khẩu sang EU phát hiện có phẩm màu, chất phụ gia không được phép sử dụng...
Kiểm tra một số loại sữa bột bày bán tại các siêu thị.
|
Trước những thông tin này, ông Nguyễn Hùng Long - Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - cho biết:
- Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục có buổi làm việc với các cơ quan liên quan, các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm để đưa ra quyết định có cho phép sử dụng bột đá CaCO3 trong kẹo cũng như sự cần thiết của việc khuyến cáo tỉ lệ dùng phù hợp. Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra toàn diện những cơ sở sản xuất kẹo tại các làng nghề, trong đó đặc biệt lưu ý việc sử dụng "bột đá" và làm thêm các xét nghiệm để xác định có hay không các chất gây ô nhiễm khác như chì, asen... có trong kẹo. (Theo Lao Động)
Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn thường có bán các loại kẹo gia công có hình thức xấu và giá rất rẻ. Liệu những loại kẹo đó có an toàn?
- Nói như thế không đúng, không phải cứ kẹo có hình thức xấu,giá rẻ là chất lượng kém. Phải đánh giá kẹo có đảm bảo chất lượng hay không thông qua việc kiểm nghiệm các thành phần có trong kẹo.
Thông tin về sản phẩm sữa Sanlu (Tam Lộc - Trung Quốc) gây bệnh cho trẻ nhỏ đang rất được người tiêu dùng quan tâm. Thưa ông, ở Việt Nam có lưu hành loại sữa này không?
- Cho đến nay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chưa từng cấp phép về chất lượng cho sản phẩm sữa Sanlu tại Việt Nam. Cục cũng chưa nhận được thông báo của cơ quan liên quan về việc phát hiện loại sữa này lưu hành trên thị trường qua đường nhập khẩu không chính thức. Với các sữa đã được cấp phép lưu hành, chưa từng phát hiện có chứa chất Melamine gây sỏi thận ở trẻ em như trong sữa Sanlu ở Trung Quốc.
Từ ngày 15.9 đến 20.9, Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với thanh tra các sở y tế tiến hành thanh - kiểm tra mặt hàng sữa trên thị trường nhằm phát hiện sữa Sanlu có lưu hành trên thị trường Việt Nam không và các loại sữa không nguồn gốc khác. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm soát, phát hiện, thu hồi ngay sữa Sanlu. Đặc biệt, yêu cầu các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra chất lượng của các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, trong đó, đặc biệt chú trọng mặt hàng sữa nhập khẩu qua biên giới.
Chất lượng các loại sữa được cấp phép đang lưu hành tại Việt Nam hiện có đảm bảo không, thưa ông?
- Các mặt hàng sữa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam đều được kiểm tra chất lượng thường xuyên từ nguồn nguyên liệu đầu vào, khâu chế biến sản xuất... Cho đến nay, chất lượng đều đảm bảo.
Trên thị trường, hiện có một số loại sữa bán theo cân, trên bao bì không có nhãn mác, nguồn gốc...Vậy làm thế nào để biết được chất lượng?
- Việc bán sữa theo cân, đựng trong những túi nhỏ không có nhãn mác...có thể là được xẻ ra từ bao lớn và nhãn mác của sản phẩm được in trên bao lớn. Như vậy, đó không phải là loại sữa không nguồn gốc. Tuy nhiên, việc thanh - kiểm tra vẫn rất cần phải thường xuyên. Hiện nay, cơ quan quản lý thị trường, thanh tra y tế...lực lượng còn rất mỏng không đủ để dàn trải ra để kiểm soát hết hàng chục nghìn loại thực phẩm. Việc quản lý theo quy trình từ khâu sản xuất sẽ tốt hơn và hậu kiểm khi sản phẩm ra thị trường. Nếu phát hiện không đảm bảo phải xử lý nghiêm. Không cơ quan nào dung túng cho việc làm sai trái mà đôi khi "lực bất tòng tâm".
Còn thông tin mới đây về sản phẩm sữa chua, thạch của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị phát hiện có chất phụ gia, phẩm màu không được phép sử dụng...Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có nghĩ đến việc kiểm tra chất lượng hai mặt hàng này?
- Thông thường, sản phẩm xuất khẩu phải đạt các yêu cầu của nước nhập khẩu. Những yêu cầu này có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với tiêu chuẩn của VN. Cho đến lúc này, cục chưa nhận được thông tin này. Nếu thông tin đó đúng, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra lô hàng có vấn đề đó.
- Xin cảm ơn ông!
Các tin khác
Ngày 16-9, Chính phủ ban hành nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với mức xử phạt vi phạm có thể lên tới 70 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm và 500.000 đồng đối với chủ xe cơ giới.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu một số bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách để kiện toàn, ổn định tổ chức và hoạt động của ngành Dân số, kế hoạch hóa gia đình tại các địa phương.
YBĐT - Xã Xà Hồ nằm gần trung tâm huyện Trạm Tấu (Yên Bái) nhưng đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hiện toàn xã còn có tới 66,7% hộ đói nghèo. Lương thực bình quân đầu người hàng năm mới đạt 300kg/người/năm. Đã vậy, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên hàng năm lại có chiều hướng gia tăng.
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã yêu cầu UBND các tỉnh miền núi tiếp tục tổ chức kiểm tra, thống kê các địa bàn dân cư, thôn, bản... và những hộ dân sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất (khu vực ven sông, ven suối, vùng thấp trũng, ven taluy, hạ lưu các hồ, đập...).