Yên Bình: Chủ động phòng chống mưa lũ
- Cập nhật: Thứ năm, 25/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trước thông tin cơn bão số 6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Yên Bái; quá đau thương trước những thiệt hại mà cơn bão số 4 đã gây ra cách đây hơn một tháng, hàng vạn hộ dân ở Yên Bình đang thấp thỏm, cả hệ thống chính trị đang làm hết sức mình để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại mà bão Hagupit có thể xảy ra.
20 giờ ngày 24/9, Văn phòng Huyện ủy Yên Bình đèn vẫn sáng trắng, điều này cũng dễ hiểu vì đây là nơi thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện. Bí thư huyện ủy - Hoàng Xuân Nguyên nhận thông tin trực tiếp từ cơ sở về công tác sẵn sàng ứng phó với mưa bão thông qua đội ngũ cán bộ thường vụ huyện ủy phụ trách cụm xã đang có mặt tại cơ sở.
Từ xã Yên Thành báo lên "Cả 23/23 gia đình trong khu vực nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn; 100% hộ dân trong xã đã hiểu đầy đủ nguy cơ lũ bão có thể xảy ra; lực lượng an ninh ứng trực 100% để nắm bắt tình hình; lực lượng dân quân tự vệ đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ"; xã Phúc Ninh báo cáo: "Phần lớn các hộ dân trong vùng nguy hiểm đã chuyển đi từ sau cơn bão số 4, qua kiểm tra có 5 hộ có nguy cơ bị sạt đất thì cả 5 hộ đã di chuyển ngay từ chiều nay".
Được tin xã Phúc An vẫn còn 9 hộ dân chưa chuyển, đồng chí Bí thư huyện ủy chỉ đạo cương quyết "Tiếp tục thuyết phục bà con, trong trường hợp cần thiết thì phải cưỡng chế!". Những thông tin cần thiết từ cơ sở, những mệnh lệnh dứt khoát từ cấp ủy, chính quyền cho thấy Yên Bình đã sẵn sàng trước diễn biến sấu nhất có thể xảy ra. Được biết, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về cơn bão số 6, có thể gây mưa to đến rất to tại các tỉnh miền núi phía Bắc; đặc biệt là từ khi nhận được các công điện của tỉnh, ngay từ chiều ngày 23/9 huyện Yên Bình đã có điện khẩn chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn phải triển ngay phương án ứng phó với mưa bão, lũ lụt, đảm bảo mục tiêu hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại gây ra, trong đó đặc biệt quan tâm đến an toàn tính mạng người dân bằng việc cương quyết sơ tán dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, các trường học và trụ sở xã; thông báo cho toàn thể người dân biết được mức độ nghiêm trọng của mưa lũ và nguy cơ có thể xảy ra đối với địa phương mình, từ đó chủ động có biện pháp ứng phó thích hợp; các xã, thị trấn phải nắm rõ địa bàn xung yếu, tổ chức kiểm tra, đánh giá và có phương án bố trí lực lượng, phương tiện ứng cứu.
Phương châm "Bốn tại chỗ" được cụ thể hóa bằng việc mỗi đồng chí thường vụ huyện ủy về một cụm ba xã để kiểm tra công tác chuẩn bị và trực tiếp chỉ đạo việc ứng cứu, đảm bảo thông tin liên lạc, nắm rõ tình hình và thông báo kịp thời cho Ban chỉ huy cũng như hai đồng chí Phó bí thư huyện ủy phụ trách hai vùng thượng huyện và hạ huyện; đối với vấn đề lực lượng và phương tiện vận tải huy động tối đa sự tham gia của nhân dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; huy động phương tiện tại chỗ như ô tô, thuyền máy, đảm bảo xã nào cũng có phương tiện ô tô, mỗi xã có ít nhất 2 thuyền máy với đầy đủ các phương tiện cứu sinh, mỗi cụm xã có một phương tiện ô tô phục vụ việc chỉ đạo và cứu trợ.
Về lĩnh vực hậu cần, qua đánh giá lượng lương thực trong dân còn khá đủ, riêng các xã vùng lũ vừa tiếp nhận số gạo cứu trợ nên người dân vẫn có thể đủ gạo ăn trong thời gian dài, nếu bị lũ cô lập hoàn toàn; để đảm bảo an toàn lương thực hơn nữa, chính quyền phải động viên nhân dân thu hoạch lúa mùa theo phương châm "xanh nhà còn hơn già đồng". Đã có hàng chục ô tô; gần 100 thuyền máy của người dân đăng ký tham gia; lực lượng công an, quân sự đã nhận được mệnh lệnh của Công an huyện và Ban chỉ huy Quân sự huyện, đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo trật tự an toàn cũng như tích cực tham gia cứu người và tài sản cho dân.
21 giờ ngày 24/9 thời tiết không còn oi bức nữa, mưa đã lắc rắc. Mong cho mưa lũ lớn đừng xảy ra vì đồng bào mình đã oằn mình từ trận lũ trước, nhưng nếu điều ấy không tránh khỏi thì Yên Bình sẽ dũng cảm vượt qua.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - 12 giờ trưa ngày 24/9, chúng tôi có mặt tại Lục Yên (Yên Bái) cũng là lúc toàn huyện đang nóng lên không khí chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 6 có tên Hagupít đang được tính bằng giờ…
YBĐT - Vào một ngày tháng Chín, chúng tôi đến thăm Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - ngôi trường đã có gần 20 năm xây dựng và trưởng thành. Đây cũng chính là nơi chăm lo, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nhân tài cho quê hương Yên Bái cũng như đất nước.
Chiều 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm gồm đại diện Bộ Y tế, Công thương, NN&PTNT, Ngoại giao đã có cuộc họp bàn về việc giám sát, xử lý các loại sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đêm 24/9, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trên đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).