Đa dạng hóa các hình thức học tập, huy động tối đa trẻ em đến trường
- Cập nhật: Thứ hai, 10/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tính đến tháng 12/2007, toàn tỉnh Yên Bái đã có 172/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đây là thành tựu có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) của Đảng, Nhà nước, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Yên Bái còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác PCGDTHCS. Trước hết, do đặc điểm của tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống phân tán nên việc huy động học sinh đến lớp gặp nhiều khó khăn.
Ở những thôn có nhiều hộ nghèo, học sinh trong độ tuổi phổ cập đi học thiếu chuyên cần hoặc bỏ học vì còn phải giúp gia đình sản xuất nên ảnh hưởng đến kết quả phổ cập. Giai đoạn đầu triển khai công tác này, mạng lưới trường lớp mới bắt đầu ổn định nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, các cấp học, ngành học. Năm 2001, toàn tỉnh mới chỉ có 25,56% số xã đạt chuẩn PCGDTHCS.
Năm học 2001 - 2002, Yên Bái vẫn còn 2 xã trắng về giáo dục mầm non, giáo dục cấp trung học chủ yếu là trường phổ thông cơ sở và còn 30 xã chưa có trường, lớp THCS. Hơn nữa, trong thời điểm này, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và một số hiệu trưởng trường THCS, phổ thông cơ sở về mục tiêu PCGDTHCS còn chưa đầy đủ. Vì vậy, công tác chỉ đạo còn thiếu liên tục, công tác tuyên truyền vận động còn hạn chế, việc phối hợp huy động các tổ chức trên địa bàn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn còn thấp, tiến độ phổ cập chậm, chất lượng chưa cao...
Trước những khó khăn trên, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái đã phát huy được vai trò của cơ quan thường trực; chủ động phối hợp với các ngành thành viên, các tổ chức xã hội thực hiện phổ cập giáo dục. Ngành đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học trong toàn tỉnh.
Cùng với thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, việc huy động tổ chức lớp, duy trì các lớp phổ cập đã được ngành chú trọng. Một trong những giải pháp hiệu quả trong tiến hành công tác PCGDTHCS là phối hợp phương thức giáo dục chính quy và phương thức giáo dục không chính quy; hàng năm giao chỉ tiêu thực hiện mở lớp bổ túc THCS, huy động trẻ trong độ tuổi phổ cập cho từng đơn vị. Các nhà trường chủ động thực hiện “Một hội đồng hai nhiệm vụ” vừa giảng dạy chính khóa vừa thu hút tối đa thanh, thiếu niên trong độ tuổi phổ cập ra lớp bổ túc; phân công giáo viên phối hợp với các trưởng thôn, bản vận động các đối tượng duy trì lớp bổ túc.
Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện chương trình, quy chế chuyên môn của Bộ Giáo dục - Đào tạo; bố trí giáo viên có trình độ, kinh nghiệm, chuyên môn vững dạy các lớp bổ túc THCS; cung cấp đầy đủ sách giáo khoa, sách hướng dẫn ôn tập cho học sinh học bổ túc...
Do vậy, đến tháng 12/2007, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 của Yên Bái đạt 97,7%; trẻ từ 11 - 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học đạt 95,2%; học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 (2 hệ) đạt 94,1%; học sinh tốt nghiệp THCS (2 hệ) năm học vừa qua đạt 98,3% và tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS (2 hệ) đạt 85,4%.
Kết quả PCGDTHCS mà Yên Bái đạt được đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Về phía ngành chuyên môn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, đó là mục tiêu công tác PCGDTHCS phải được quán triệt trong các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và là nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từng giai đoạn, từng năm phải xây dựng được kế hoạch PCGDTHCS một cách cụ thể, sát thực với điều kiện thực tế của cơ sở; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cha mẹ học sinh về chủ trương, đường lối, mục tiêu của công tác này; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ.
Ngành giáo dục - đào tạo phải là lực lượng nòng cốt, chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp kịp thời cho cấp ủy, chính quyền trong quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Bên cạnh đó phát triển các lớp nội trú và bán trú dân nuôi đối với những xã vùng khó khăn, đa dạng hóa các hình thức học tập nhằm huy động tối đa trẻ em đến trường; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng, loại hình; động viên giáo viên có năng lực tăng cường cho các vùng khó khăn; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học. Đồng thời phải kiên trì thực hiện công tác phổ cập, quan tâm tới việc nâng cao năng lực cho cán bộ theo dõi phổ cập; thường xuyên kiểm tra quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Kết quả PCGDTHCS ở Yên Bái thể hiện tương đối vững chắc, nhất là ở những vùng kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, đối với những vùng kinh tế - xã hội khó khăn thì công tác này vẫn còn là một thách thức. Do đó, chúng ta không được chủ quan, không coi việc được công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGDTHCS là đã hoàn thành nhiệm vụ.
Để giữ vững kết quả đã đạt được thì từng đơn vị cần tiếp tục củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ và phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi trong thời gian ngắn nhất, tạo tiền đề cho PCGDTHCS một cách vững chắc; cần quan tâm tới phát triển giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và THCS; tăng cường các biện pháp huy động những người trong độ tuổi đi học; rà soát, giúp đỡ học sinh học lực yếu kém; giảm bỏ học, lưu ban, đặc biệt là với những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, những xã mới đạt chuẩn ở mức thấp, những nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư phân tán.
Song song, cần củng cố và phát triển mạng lưới trường lớp học, bảo đảm quy hoạch hợp lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường công tác quản lý chuyên môn, nâng cao trách nhiệm của các nhà trường với chất lượng học sinh; tập trung thực hiện tốt chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông, chống bệnh thành tích trong giáo dục nói chung và công tác PCGDTHCS nói riêng.
Ngành cũng sẽ tiếp tục mở các lớp bổ túc văn hóa THCS ở những xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhằm huy động trẻ trong độ tuổi được theo học chương trình phổ cập. Và cần coi trọng hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS; tăng quy mô, đa dạng hình thức học nghề cho học sinh vùng cao, vùng dân tộc, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặng Quang Khánh -
Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Nhân dịp đón nhận cờ của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn PCGDTHCS, phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chống mù chữ (CMC)-PCGD tỉnh Yên Bái.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tối 9-11 bão số 9 đã đổi hướng di chuyển xuống phía nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc biển Đông (cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía đông). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Nguyễn Thiện Nhân, vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 10 năm 2008.
Theo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 được Quốc hội thông qua chiều 8/11, dự toán chi ngân sách trung ương được điều chỉnh giảm. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương giảm từ 43.600 tỷ đồng xuống 36.600 tỷ đồng.