Phát huy kết quả, nhân rộng “Sáng kiến giáo dục” của Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau một năm thực hiện “Sáng kiến giáo dục” về thí điểm quy hoạch, tổ chức giáo dục trẻ thiệt thòi khuyết tật theo phương thức hòa nhập do Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái thực hiện, phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Học sinh Trung tâm Nuôi dưỡng, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái phấn khởi đón năm học mới 2008-2009.
Học sinh Trung tâm Nuôi dưỡng, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái phấn khởi đón năm học mới 2008-2009.

- Xin đồng chí cho biết việc triển khai công tác giáo dục trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm qua?

Cùng với sự phát triển của giáo dục, hệ thống quản lý giáo dục trẻ khuyết tật (TKT) cũng đã được hình thành và đi vào hoạt động. Theo điều tra sơ bộ, TKT trong độ tuổi giáo dục tiểu học tỉnh Yên Bái hiện có 3.256 trẻ, chiếm 4,9% tổng số trẻ độ tuổi giáo dục tiểu học. Trong đó: tật vận động chiếm 60,1%, tật khiếm thính 12%, tật khiếm thị 15%, đao 8%, đồng thời bị các tật vận động, khiếm thính, đao 4,9%. Hiện nay, Yên Bái đã tổ chức huy động được 636 học sinh TKT đi học ở Trung tâm Nuôi dưỡng giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 212 lớp hòa nhập, mới đạt 19,5% so với tổng số TKT trong độ tuổi giáo dục tiểu học.

Khó khăn lớn nhất trong triển khai công tác giáo dục TKT đối với Yên Bái đó là cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục TKT; các điều kiện phát triển cho loại hình giáo dục này còn hạn chế; việc quản lý Nhà nước, quản lý chuyên môn giáo dục TKT chưa được quan tâm đầy đủ, nhất là trong xây dựng quy hoạch chiến lược, kế hoạch đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thiếu về cơ sở vật chất, trường, lớp học, bàn ghế, học cụ chuyên dùng và hệ thống chế độ, chính sách ưu tiên đối với người học, người dạy TKT...

Do đó, việc thực hiện các mục tiêu về huy động số lượng, chất lượng giáo dục, rèn luyện nâng cao khả năng các cơ quan chức năng thân thể bị khuyết tật, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng... gặp nhiều khó khăn, thách thức.

- Đồng chí đánh giá như thế nào về “Sáng kiến giáo dục" của Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm quy hoạch, tổ chức giáo dục TKT theo phương thức hòa nhập?

Trong năm 2007, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đã chủ động tổ chức thực hiện “Sáng kiến giáo dục” về thí điểm quy hoạch, tổ chức giáo dục TKT theo phương thức hòa nhập nhằm thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Qua theo dõi, tôi nhận thấy “Sáng kiến giáo dục” được thực hiện tại thị trấn Yên Thế (Lục Yên) của Hội Khuyến học tỉnh bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng. Có 100% trẻ trong nhóm thiệt thòi khuyết tật trên địa bàn đủ điều kiện đã được huy động ra lớp học tập hòa nhập; chất lượng các mặt giáo dục được đánh giá, xếp loại không thua kém học sinh ở các trường tiểu học của thị trấn.

Đối với cộng đồng và cha mẹ TKT đã được tuyên truyền nâng cao nhận thức, cam kết hỗ trợ trẻ học tập, rèn luyện ở trường và ở nhà, tạo điều kiện giúp các em rèn luyện nâng cao thể lực, cải thiện khiếm khuyết cơ quan chức năng thân thể khuyết tật, tự tin phấn đấu nâng cao năng lực bản thân, hòa nhập cộng đồng. Trẻ khiếm khuyết chức năng về thính lực, thị lực, tật tay, tật vận động đã được cải thiện, nâng cao sức khỏe rõ rệt, giúp các em tự tin phấn đấu vươn lên trong học tập, đã có nhiều em xếp loại học lực khá. Mặt khác, cán bộ quản lý, giáo viên của các trường tiểu học được tuyên truyền nâng cao nhận thức về tinh thần trách nhiệm, được tập huấn phương pháp đặc thù về quản lý và chuyên môn dạy học hòa nhập trẻ khuyết tật.

Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng làm thay đổi thái độ kỳ thị đối với người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật tự tin, phấn đấu trong học tập, rèn luyện, hòa nhập vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh ý nghĩa nhân văn sâu sắc, việc thí điểm quy hoạch, tổ chức giáo dục TKT theo phương thức hòa nhập ở thị trấn Yên Thế sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, giải pháp thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý, điều hành thực hiện giáo dục cho người tàn tật, đặc biệt đối với giáo dục hòa nhập TKT trên địa bàn tỉnh.

Với những kết quả bước đầu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của Hội Khuyến học tỉnh, của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học ở thị trấn Yên Thế trong thực hiện “Sáng kiến giáo dục” về thí điểm quy hoạch, tổ chức giáo dục TKT theo phương thức hòa nhập. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu kết quả của mô hình này để tiến hành hoạch định chiến lược giáo dục trẻ thiệt thòi khuyết tật bằng phương thức hòa nhập trên địa bàn toàn tỉnh.

- Xin cảm ơn đồng chí !

P.V

Các tin khác

Chiều ngày 25/11, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Nguyễn Quang Minh cho biết: "Kết quả xét nghiệm các mẫu rau, quả lấy từ Lạng Sơn và một số chợ đầu mối ở Hà Nội cho thấy: có 8/22 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng dưới ngưỡng cho phép.

Tổng tài sản của EVN tính đến 31/12/2007 là 185.180 tỷ đồng.

Qua kiểm toán, số tiền chênh lệch tăng giá bán điện năm 2007 được xác định là 3.402,940 tỷ đồng chứ không phải là 2.763 tỷ đồng như EVN báo cáo.

Nhiệt độ thấp nhất tại miền Bắc đang là 10 độ C.

Miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ suy yếu dần và khoảng đêm 26, ngày 27/11 sẽ được tăng cường trở lại.

Đồng chí Phạm Thanh Tâm - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam trao xe lăn cho người tàn tật ở thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Trấn Yên.

YBĐT - Ngày 25/11, tại tỉnh Yên Bái, đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam đã trao tặng xe lăn và học bổng với tổng trị giá 60 triệu đồng cho người tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Yên Bái. Tới dự có đồng chí Phạm Thanh Tâm – Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục