Sống chung với bụi đá

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ông Long miết miết tay lên mặt bàn uống nước, rồi ông ngửa bàn tay chìa ra cho mọi người xem, những ngón tay đã bám đầy bụi trắng mốc. Để minh chứng cho mọi người thấy, ông tiếp tục chỉ cho chúng tôi xem những đồ vật trong nhà: nào mặt tủ, bàn thờ, giường, ghế, ti vi… tất cả đều được phủ một lớp bụi trắng đục của bột đá siêu mịn.

Ngôi nhà của ông Long phải căng vải trước cửa cho đỡ bụi.
Ngôi nhà của ông Long phải căng vải trước cửa cho đỡ bụi.

Nhiều năm qua, người dân khu vực thôn 5, xã Văn Phú- thành phố Yên Bái (trước đây thuộc huyện Trấn Yên) thường xuyên phải sống trong điều kiện không khí, nguồn nước bị ô nhiễm do bụi đá từ nhà máy của Công ty cổ phần Khoáng sản VIGLACERA gây ra. Ông Nguyễn Trí Long- đảng viên, cán bộ Tỉnh đoàn đã nghỉ hưu, hiện sống tại khu vực gần nhà máy nghiền đá bức xúc:

- Tôi dám lấy tư cách đảng viên để khẳng định việc nhiều năm nay nhà máy sản xuất bột đá đã gây ô nhiễm trong khu vực này, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, sinh hoạt và kể cả sản xuất của người dân chúng tôi. Vừa nói ông Long vừa húng hoắng ho, cái ho của tuổi già nhưng cũng có thể phần nào do sự ảnh hưởng của “siêu bụi” đang tồn tại lâu năm tại nơi đây.

Trước đây, khu vực gần Nhà máy sản xuất bột đá (thôn 5- Văn Phú)  có 6 hộ dân sinh sống, hiện nay một hộ đã chuyển đi nơi khác do không chịu nổi bụi và ô nhiễm. Các hộ còn lại không biết chuyển đi đâu, mà ở lại thì ôi thôi! Giếng nước thì thường xuyên phải đậy điệm, cây cối trồng chỉ ra hoa nhưng rất ít đậu quả. Thậm chí nhà ông Long phải căng cả rèm ngoài cửa để ngăn bụi bớt bay vào nhà, nhưng cũng không giảm được là mấy. Ông ngao ngán: “Bụi quá, nhiều khi chẳng có sức đâu lau chùi đồ đạc trong nhà nữa, đành để vậy!” Xung quanh nhà ông Long có rất nhiều cây cối nhưng đến bây giờ chỉ có mỗi tác dụng ngăn bụi là chính.

Ông kể, năm ngoái có người hỏi mua vườn quế gần 100 cây nhưng ông chỉ chặt bán vài ba chục cây, còn lại để ngăn bụi, đỡ tí nào hay tí ấy. Tạt qua nhà bà Luyến cũng vậy, bụi bặm cũng không kém do nhà bà ở ngay sát hàng rào Nhà máy. Hàng cau cạnh nhà lác đác vài quả. Bà cho biết, cau có đậu được ít quả thì vỏ cũng đen xì, nứt toác không bán được cho ai. Thôi thì để hàng cau làm cảnh vậy, còn mấy cây hồng, cây na… đã lâu lắm gia đình chẳng biết thu hái là gì. Thay vì được thụ phấn, những cây cối ở đây lại được “thụ” thêm bụi đá là chính, do đó việc kết trái là rất khó.  

Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi tới trụ sở UBND xã Văn Phú, một cán bộ lãnh đạo xã cho biết, việc này nhiều năm qua các hộ dân đã có ý kiến với chính quyền xã và cả Nhà máy. Chính thức, tháng 6- 2007 chính quyền xã Văn Phú nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân xung quanh khu vực Nhà máy nghiền bột đá của Công ty cổ phần Khoáng sản VIGLACERA về việc “ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và khói bụi của Nhà máy gây ra” và xã đã chuyển ý kiến của công dân lên cấp có thẩm quyền.

 Đến tháng 12- 2007, xã Văn Phú nhận được công văn số 186 báo cáo ngày 18/12/2007 của HĐND huyện Trấn Yên trong đó có ghi: “Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, kết quả nồng độ bụi đạt tiêu chuẩn cho phép”. Văn bản thì là vậy, nhưng từ phản ánh của nhân dân và thực tế cho thấy nguồn nước, đặc biệt không khí khu vực xung quanh Nhà máy vẫn đang bị ô nhiễm. Sau thời điểm tháng 12/2007, việc ô nhiễm nguồn nước và không khí nơi đây chưa được cải thiện và việc sản xuất, đóng bao bột đá của Công ty VIGLACERA vẫn diễn ra thường xuyên liên tục, bụi đá vẫn tiếp tục “bay lên nào”.

Nhân dân sống trong khu vực ngày càng thêm bức xúc cho rằng, ngành chức năng làm việc chưa hết trách nhiệm và sự thờ ơ của Nhà máy sản xuất bột đá. Trong 6 tháng đầu năm 2008, chính quyền xã Văn Phú tiếp tục nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân có nhà trong khu vực ô nhiễm, đề nghị HĐND - UBND xã tiếp tục giải quyết và có văn bản trả lời.

Trước sự việc này, UBND xã Văn Phú đã có công văn số 38 ngày 12/6/2008 đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trấn Yên và Công ty cổ phần Khoáng sản VIGLACERA sớm xem xét giải quyết và có công văn trả lời ý kiến kiến nghị của người dân. Tuy nhiên đến nay, những ý kiến của người dân vẫn chưa được giải quyết thoả đáng, môi trường sống của các hộ dân trong khu vực vẫn đang bị ảnh hưởng nặng. Không những thế, để đảm bảo sản xuất và thu được lợi nhuận, Công ty vẫn bất chấp tất cả. Theo người dân ở đây  phản ánh, thay vì xả bụi đá vào ban ngày, Nhà máy đã chuyển sang sản xuất chủ yếu vào buổi tối. Khi hàng tấn bột đá siêu mịn được xả vào các bao thì cũng là lúc không gian xung quanh Nhà máy bụi đá giăng như sương mù. Do đó, việc thực hiện kiểm tra nồng độ bụi của ngành chức năng vào ban ngày, nhất là khi Nhà máy không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng thì không thể thu được kết quả chính xác. Trong khi đó người dân vẫn tiếp tục phải hứng  chịu hậu quả của môi trường ô nhiễm.

Việc đầu tư phát triển Khu công nghiệp phía Nam là một chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất của các nhà máy, công ty ngoài mục tiêu lợi ích doanh nghiệp cần phải quan tâm đầu tư, cải tiến thiết bị dây chuyền, nhà xưởng đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường theo luật định. Không khó để Công ty VIGLACERA có giải pháp khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường xung quanh. Bởi không đâu xa, ngay như Nhà máy nghiền bột đá Ban Pu trước đây cũng đã để xảy ra tình trạng trên. Thế nhưng đến nay, Công ty này đã khắc phục đảm bảo được môi trường tốt và người dân hết sức ủng hộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao cùng là doanh nghiệp sản xuất bột đá như nhau mà Công ty VIGLACERA lại không khắc phục được triệt để tình trạng trên? Phải chăng Công ty này chỉ tập trung vào sản xuất để thu nhiều lợi nhuận mà không chú ý đến môi trường?

Bên cạnh việc các doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn, cần có sự quan tâm kiểm tra thường xuyên của ngành chức năng về môi trường một cách chính xác, khách quan, sát với thực tế. Điều đặt ra đối với các cấp chính quyền, nhất là khi Văn Phú đã là địa bàn thuộc thành phố thì có nên qui hoạch khu dân cư quá gần với khu vực sản xuất công nghiệp hay không? Điều đó rất cần có sự chung tay, chung sức của các cấp, ngành để góp phần xây dựng môi trường thực sự trong sạch, ổn định cuộc sống của người dân, không chỉ tại địa bàn xã Văn Phú mà trên phạm vi toàn tỉnh.

        Huy Văn

Các tin khác
Nông dân xã Phúc Sơn (Văn Chấn) chăm sóc cây ngô đông. (Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Năm 2008, Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn (Yên Bái) đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, vận động truyền thông của các cấp hội nhằm nâng cao nhận thức và trình độ năng lực mọi mặt cho chị em.

Quảng Nam: Lũ trên các sông lớn lên nhanh đang uy hiếp phố cổ Hội An. Quảng Ngãi: Thêm một người chết. Bình Định: Hàng ngàn ngôi nhà ngập trong nước. Khánh Hòa: Mực nước các hồ đều đạt và vượt cao trình từ 0,2-1,6 m. Phú Yên: Tình trạng ngập lụt vẫn tiếp diễn

Liệu rau này có đảm bảo VSATTP?

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cần lập và điều động ngay một tổ công tác “biệt phái” lên 3 tỉnh biên giới Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh để kiểm tra chất lượng rau củ, hoa quả nhập khẩu từ nay đến Tết Nguyên đán.

Bà Lê Thị Hồng Hiệp - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi phát gạo cho bà con nhân dân xã Minh Tiến

YBĐT - Ngày 26/11, Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (Sumdecom) phối hợp với thành viên Tổ chức Cứu trợ khẩn cấp Đức (ĐKH) hỗ trợ khắc phục thiệt hại cơn bão số 4 tại xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục