Đắt như rau

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong khi rất nhiều mặt hàng như: xăng dầu, vàng bạc, vật liệu xây dựng, gạo... đang giảm giá mạnh thì giá các loại rau xanh lại "leo thang" ghê gớm.

Rau ngày càng tăng giá nhiều bà nội chợ đã phải cân nhắc lại cơ cấu thực phẩm trong các bữa ăn của gia đình.
(Ảnh: Đức Thành)
Rau ngày càng tăng giá nhiều bà nội chợ đã phải cân nhắc lại cơ cấu thực phẩm trong các bữa ăn của gia đình. (Ảnh: Đức Thành)

"Chưa bao giờ giá rau lại đắt đến thế!"; "Chết mất thôi, ai đời ngày ăn hết hai mươi nghìn tiền thịt lại xơi hết ba mươi nghìn tiền rau!". "Quay ngược lại Tháp dinh dưỡng đi thôi. Rau đắt thế mà yêu cầu tăng cường ăn rau thì lấy đâu ra?". "Sợ không, bảy nghìn một mớ rau cải, đếm đi, đếm lại có 9 cây!"... Đó là những lời ca thán của các bà nội chợ những ngày qua khi giá rau tăng gấp 2, 3 lần, thậm trí là 4, 5 lần so với cùng kỳ này năm trước. Đúng là, đắt như... rau!

Chị Yến bán rau ở chợ Hồng Hà (thành phố Yên Bái), nơi được coi là không chỉ bán nhiều loại thực phẩm mà giá cả cũng rất hợp lý cho biết: "Hôm 20/11 rau muống 5000 đồng/mớ, loại ngon 7000 đồng; rau ngót đắt hơn một tý; cải bẹ để muối dưa giá 13 đến 15 nghìn đồng/kg; cải chân dùng để ăn canh, hay ăn lẩu thì 22 nghìn và đắt nhất là đỗ Cô ve 20 nghìn đồng. Chẳng có loại nào giá dưới 12 nghìn/kg". Tại các chợ Nam Cường, Yên Ninh hay Đồng Tâm của thành phố, giá các loại rau xanh còn đắt hơn thế.

Ngay cả củ cải Trung Quốc to như bắp tay, trước kia chẳng mấy ai mua thì nay giá cũng lên tới 12 nghìn/kg. Không chỉ có chuyện giá tăng rất mạnh mà tình trạng khan hiếm cũng thường xuyên xảy ra. Biểu hiện bằng việc các sạp rau lèo tèo, bày bán cả những mớ rau già, úa. Nhiều người buôn rau cho biết: Để có rau bán, nhiều người trong gia đình phải đứng đón ở khắp cả ngả đường từ mờ sáng. Do khan hiếm nên mấy chị đi bán rau bỗng trở nên "cành cao", mọi ngày 2 sọt rau lặc lè gạ gẫm, chiều chuộng người mua hết ý giờ thì quay ngoắt 180 độ. Ai mà lỡ miệng kêu ca rằng rau già, rau không ngon hay nghi ngờ thuốc sâu thuốc bệnh thì bị "bổ" luôn một câu: "Không mua thì thôi, có rổ rau bán đâu chẳng được".

Rau đắt khiến cơ cấu bữa ăn của mỗi gia đình bỗng thay đổi. Mọi ngày đĩa rau khá to, nào luộc, nào xào, nào canh, thi thoảng lại có rau thơm cho tươi tắn. Chồng động viên vợ, bố động viên con nào là "tích cực ăn rau vì có nhiều vitamin; ăn nhiều rau cho đỡ bị xơ vữa động mạch, đỡ huyết áp, đỡ tiểu đường, đỡ gút...". Bây giờ đĩa rau nhỏ gọn hẳn, nhiều chị nội chợ khéo léo chuyển sang món luộc, vừa dễ ăn, vừa dễ chế thêm nước canh. Biết tôi xót ruột, thèm rau, cô vợ vốn chẳng khéo nói cũng  động viên "Thôi, vui vẻ nhé! 8 nghìn đĩa rau này đấy!".

Nguyên nhân chính khiến rau đắt là trận lụt lịch sử và những cơn mưa bất thường kéo dài. Bằng giờ này năm trước, rau muống, rau ngót, mùng tơi tuy đã cuối vụ nhưng bà con ta chăm tốt nên vẫn có nhiều để bán. Còn các loại rau như cải củ, cải bẹ, xu hào đã xanh mượt các cánh đồng. Sớm sớm, chiều chiều xe máy, xe đạp thồ về kĩu kịt. Nhưng năm nay ngập lụt khắp những vùng trồng rau trọng điểm như: Tuy Lộc, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Phú hay Nga Quán, Cổ Phúc, Việt Thành... Đất bồi lấp, không thoát được nước, cắm cây rau xuống cứ loe hoe mãi. Chăm bẵm được thời gian lại mưa, lại úng nên rau úa, rau thối bằng sạch. Ngập lụt, mưa bão đâu chỉ có tỉnh ta thiệt hại mà cả vùng đồng bằng Bắc bộ cũng chịu số phận chung.

Những năm trước, rau Hưng Yên, Hà Tây, nhiều nhất là Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tràn ngập Yên Bái, ra sức cạnh tranh bằng giá, giờ thì vắng bóng hẳn. Theo nhận định của bà con, ít nhất một tháng nữa nguồn cung rau xanh mới được khôi phục trở lại bình thường và dịp tết Nguyên đán chắc chắn rau lại đắt vì lứa này đã qua lứa sau chưa tới.

Giá rau cao ngất ngưởng, thật thương cho mấy bác ăn kiêng, khổ cho dân nghèo thành thị. Buồn cho đồng đất Cường Thịnh, Bảo Hưng, Minh Bảo, Hòa Cuông... những xã giáp ranh thị trấn, thành phố có ngập lụt gì đâu mà chẳng chịu trồng rau xanh vừa có cái ăn, vừa có cái bán. Giờ mỗi nhà mà có vài sào rau thì có phải là trúng đậm không.

L.P - Đ.T

Các tin khác

YBĐT - Những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã làm tốt chức năng cầu nối chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Chú rùa nặng 68kg này đã được thả về hồ Đồng Mô.

Sáng 26/11, khi đang kéo lưới trên sông Tích Giang, 6 ngư dân ở phường Trung Sơn (thành phố Sơn Tây, Hà Nội) đã bắt được con rùa nặng 68 kg.

Bà Phạm Thị Thanh Trà và bác sĩ Đặng Quốc Việt tặng hoa và cơ lưu niệm cho các đội tham gia hội thi.

YBĐT - Ngày 26/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS đã tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi phòng chống HIV/AIDS cụm 2 khu vực trung du miền núi phía Bắc. Tới dự có bà Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, bác sĩ Đặng Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương, cùng đại diện các sở y tế, trung tâm phòng chống HIV/AIDS các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang.

Qua rà soát, số hộ cần được hỗ trợ từ Chương trình 135 ở Văn Yên còn rất lớn.

YBĐT - Qua 4 năm thực hiện Chương trình 134 của huyện Văn Yên (Yên Bái), mặc dù kết quả đạt được chưa nhiều, nhưng hiệu quả của dự án đã được khẳng định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục