Yên Bái: Tăng cường phối hợp, tạo sự đồng thuận, thực hiện phương châm dự phòng là chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tỉnh về kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS huyện Yên Bình hướng dẫn các đối tượng nghiện hút ma túy cách sử dụng bao cao su tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác.
Tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS huyện Yên Bình hướng dẫn các đối tượng nghiện hút ma túy cách sử dụng bao cao su tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác.

- Xin đồng chí cho biết quá trình triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua?

Đại dịch HIV/AIDS đã và đang là mối quan tâm lớn của toàn cầu, là hiểm họa chung của cả loài người. Dịch đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng và ngày càng có xu hướng lan rộng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên toàn thế giới và trong từng quốc gia. Tỉnh Yên Bái cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 2.774 người nhiễm HIV (chuyển AIDS: 451 người, đã tử vong: 257 người) và là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất toàn quốc.

Thực hiện Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9; căn cứ vào các quy định của luật pháp và hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phương châm lấy dự phòng là chính, trong đó giáo dục lối sống lành mạnh và các chuẩn mực đạo đức xã hội là trọng tâm.

Bên cạnh đó tăng cường các nội dung hoạt động phối hợp liên ngành; huy động các ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng phối hợp tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Và tạo sự đồng thuận trong các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến các huyện, thị nhằm thay đổi quan điểm, nhận thức về đại dịch HIV/AIDS, từ đó khơi dậy trong quần chúng nhân dân ý thức trách nhiệm phòng, chống và chống phân biệt, kỳ thị đối xử với người không may nhiễm HIV/AIDS cũng như gia đình họ.

Các hoạt động đã triển khai cụ thể như sau:

Thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS (Ban chỉ đạo 138) từ tuyến tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố.

Thành lập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để đảm nhiệm các hoạt động về quản lý, chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống trên địa bàn.

Nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS đồng thời từng bước đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động phòng, chống.

Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng các loại hình truyền thông.

Triển khai các hoạt động giám sát dịch, tư vấn, chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS; tổ chức tư vấn và xét nghiệm tự nguyện cho cộng đồng; tăng cường công tác an toàn truyền máu; tăng cường công tác vô trùng tại các cơ sở y tế.

Triển khai các hoạt động của Dự án Phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ tại tỉnh Yên Bái trong các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại như: cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, người tiêm chích ma túy; thành lập đội ngũ cộng tác viên, đồng đẳng viên phòng, chống HIV/AIDS ở các xã, phường trọng điểm.

Tổ chức khám và điều trị thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân AIDS tại các tuyến.

Ngoài ra, công tác nâng cao năng lực và hợp tác quốc tế cũng đã và đang được quan tâm. Các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực tại tỉnh và Trung ương. Một số cán bộ được tham gia tập huấn, thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài về công tác này.

Những nỗ lực trên của toàn thể cộng đồng đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và đã kiềm chế tốc độ gia tăng của việc lây nhiễm HIV ở tỉnh Yên Bái.

- Kết quả nổi bật của công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái là gì, thưa đồng chí?

Như đã nói ở trên thì kết quả nổi bật của công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua đó là:

Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính để chỉ đạo, điều hành.
Tạo được sự đồng thuận trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ đó tạo được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ đã giảm đi rõ rệt. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã tự tin, dám công khai danh tính trước cộng đồng, xã hội.

Những đối tượng nguy cơ cao như người tiêm chích ma túy, gái mại dâm... đã được tuyên truyền để có những hiểu biết về HIV/AIDS.

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bước đầu đã được xã hội hóa, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.

Hoạt động chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS đã được nâng lên về chất lượng và số lượng ở các tuyến. Hệ thống giám sát dịch hoạt động có hiệu quả, số người nhiễm HIV/AIDS thực tế trong cộng đồng ngày càng được xét nghiệm phát hiện và tổ chức chăm sóc, điều trị tốt hơn.

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã có rất nhiều cố gắng, tạo được niềm tin của Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam và sự quan tâm ngày càng nhiều của các tổ chức nước ngoài, các dự án quốc tế.

- Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng Yên Bái vẫn là một trong các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS cao nhất toàn quốc. Vậy theo đồng chí, trong thời gian tới, Yên Bái cần tập trung giải quyết tốt vấn đề gì nhằm hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm này?

Thứ nhất, tiếp tục triển khai Chỉ thị số 54-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người với phương châm lấy dự phòng là chính, trong đó giáo dục lối sống lành mạnh và các chuẩn mực đạo đức xã hội là trọng tâm.

Thứ hai, tiếp tục bố trí nguồn lực và huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, đồng thời tăng cường công tác thông tin - giáo dục - truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, làm thay đổi được hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV của từng người, từng cộng đồng.
Thứ ba, chỉ đạo các cấp, các ngành đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chỉ tiêu, nội dung hoạt động hàng năm, có phân công trách nhiệm và báo cáo định kỳ về thường trực phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, đồng thời củng cố hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến xã, phường, trong đó ngành y tế làm nòng cốt.

Thứ tư, về kinh phí, đầu tư: Hàng năm, tỉnh bố trí một phần kinh phí đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm tăng cường công tác truyền thông, đầu tư trang thiết bị, phương tiện, điều trị và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.

Đáp ứng và có chế độ ưu đãi cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tất cả các tuyến nhằm động viên, khuyến khích họ tâm huyết với công việc.
Tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí, nguồn lực của Trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước thông qua đầu tư các dự án cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Xin cảm ơn đồng chí!

P.V

Các tin khác
Công an phường Hồng Hà phối hợp tuần tra các điểm đối tượng tổ chức sử dụng ma túy khu vực tiếp giáp sông hồng. (Ảnh: M.A)

YBĐT - Xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 9 thôn, bản với 4 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Thái chiếm 70%, còn lại là các dân tộc Tày, Mường và Kinh. Tuy Hạnh Sơn không có đất trồng cây thuốc phiện nhưng do địa bàn tiếp giáp với thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu và xã chỉ cách trung tâm chợ Mường Lò khoảng chừng 3 km thuận lợi cho các đối tượng tội phạm mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý.

Cán bộ, cộng tác viên Chương trình phòng, chống HIV/AIDS thị xã Nghĩa Lộ tiêu hủy bơm kim tiêm thu gom được trên địa bàn.

YBĐT - Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1998, đến nay trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã phát hiện 282 người nhiễm HIV. Trước thực trạng này, chính quyền các cấp, nhất là những ngành chức năng của thị xã đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

Một buổi họp giao ban của các đồng đẳng viên phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Là địa bàn trung tâm kinh tế - văn hóa, phường Nguyễn Thái Học (Yên Bái) có 3.250 hộ gia đình sinh sống ở 11 khu dân cư với 87 tổ dân phố và cũng là phường có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao của thành phố Yên Bái. Song với nhiều cách tuyên truyền hiệu quả, tích cực, phường được xem là một trong những cơ sở thực hiện tốt công tác chống phân biệt, kỳ thị, đối xử với người “có H” (HIV/AIDS).

YBĐT - Tính đến hết ngày 31/10/2008, có 133/180 xã, phường với 3.320 người trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhiễm HIV/AIDS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục