Yên Bái: Sẽ dành mọi nguồn lực cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, công tác DS - KHHGĐ ở Yên Bái đã có những kết quả nhất định. Quy mô gia đình có một hoặc 2 con đã được nhiều người chấp nhận; nhịp độ tăng dân số được khống chế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,436% năm 2001 xuống còn 1,311% năm 2008.

Ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn ở tỉnh Yên Bái tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn ở mức trên 40%. (Ảnh: Minh Quang)
Ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn ở tỉnh Yên Bái tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn ở mức trên 40%. (Ảnh: Minh Quang)

Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay kết quả thực hiện chính sách DS - KHHGĐ đã chững lại và có phần giảm sút. Trong 3 năm liên tục từ 2006 – 2008 tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng mạnh trở lại ở hầu hết các địa phương. Ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn ở mức trên 40%. Cùng với đó, vấn đề quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng, chất lượng dân số thấp cả về thể chất, trí tụê và tinh thần.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, phấn đấu đến năm 2010, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,25%; giảm tỷ lệ sinh thô 0,25%0/năm, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện tỷ suất sinh thô giảm chậm hơn so với giai đoạn trước. Mức giảm sinh bình quân giai đoạn 2001-2005 là 0,65%0/năm thì đến giai đoạn 2005 - 2008 chỉ đạt 0,28%o/năm. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ suất sinh thô liên tục tăng 0,23%0/năm. Số con trung bình của 1 bà mẹ giảm không đáng kể và năm 2001 là 2,53 con, năm 2008 là 2,5 con. Riêng huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, kết quả thực hiện các mục tiêu dân số còn thấp (tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2,5%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn trên 40%; số con trung bình trên mỗi bà mẹ là 5 con, cao gấp 2 lần mức bình quân chung của tỉnh).

Nguyên nhân của những trì trệ này trước hết là nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân về chính sách dân số còn hạn chế. Những phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường, phải đông con để có người lao động vẫn còn tồn tại trong tư tưởng của người dân. Ở cả 9/9 huyện thị đều có tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba (bình quân mỗi năm có từ 35 - 40 trường hợp). Số vi phạm tuy không nhiều nhưng lại có tác động hết sức tiêu cực, khiến cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác DS-KHHGĐ gặp nhiều khó khăn, thiếu tính thuyết phục. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trạm y tế đã xuống cấp; nhiều xã vùng cao còn phải nhờ sự hỗ trợ của tuyến trên.

Hệ thống cung cấp dịch vụ cho nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa phát triển, trình độ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số còn hạn chế, chưa hiệu quả... Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 68%, song từ năm 2005 đến nay các biện pháp như: đặt dụng cụ tử cung, triệt sản có xu hướng giảm, đã không đủ cơ sở để duy trì  mức giảm sinh. Trong khi đó, ở vùng cao tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại mới chỉ đạt 35 - 40%. Trung bình mỗi năm dân số tỉnh ta tăng thêm 10.000 người và Yên Bái là một trong 23 tỉnh có mức sinh cao nhất trong cả nước.

Từ những tồn tại đó dẫn đến sự thay đổi cơ cấu dân số đặt ra những thách thức mới như: cơ cấu dân số trẻ, tiềm năng sinh đẻ lớn và có xu thế tăng hàng năm đang là nguyên nhân trực tiếp làm cho mức sinh tăng. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 7.500 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ trong khi chỉ có 2.500 phụ nữ ra khỏi độ tuổi sinh đẻ.

Làm sao để duy trì được tốc độ giảm sinh, đặc biệt là giảm nhanh tình trạng sinh con thứ ba trở lên đang là vấn đề cấp bách được đặt ra đối với tỉnh ta? Trong kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh mới đây, UBND tỉnh đã trình Đề án về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009 - 2012. Đề án đã được kỳ họp thông qua với sự nhất trí cao. Đề án sẽ là cơ sở quan trọng để  cải thiện công tác DS-KHHGĐ trong tình hình hiện nay. Một loạt các giải pháp cơ bản đã được xây dựng như: tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, các ngành đối với công tác DS-KHHGĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục tới mọi tầng lớp nhân dân; mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ...

Đáng chú ý là cùng với chính sách động viên khen thưởng những điển hình làm tốt công tác DS-KHHGĐ đã có chế tài đối với những trường hợp vi phạm như: đối với cán bộ công chức các cấp sinh con thứ ba thì bị buộc thôi việc theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức và các quy định khác của pháp luật. Đối với đảng viên sinh con thứ ba sẽ khai trừ khỏi Đảng, đảng viên dự bị thì xoá tên khỏi danh sách. Cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở những xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vi phạm thì được vận dụng hình thức xử lý thấp hơn 1 mức so với quy định này. Đối với gia đình, cá nhân nếu sinh con thứ ba thì không được xét công nhận gia đình văn hoá trong 3 năm liên tục.

Về thù lao cho nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên dân số sẽ được tỉnh hỗ trợ thêm 50.000 đồng/người/tháng. Theo đó, nhân viên y tế thôn bản thực hiện 2 nhiệm vụ (kiêm cả cộng tác viên dân số) được hưởng mức 180.000 đồng/người/tháng (ở vùng thấp) và 200.000 đồng/người/ tháng (ở vùng cao). Cộng tác viên dân số ở những nơi chưa lồng ghép là 90.000/người/tháng (ở vùng thấp) và 100.000 đồng/người/tháng (ở vùng cao). Các chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ sẽ được hỗ trợ 800.000 đồng/xã/năm... Đề án đặt ra mục tiêu giảm sinh một cách bền vững, giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, phấn đấu tỷ lệ giảm sinh là 0,3%o/năm; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm 0,5%/năm. Riêng đối với 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tỷ lệ giảm sinh là 0,9%0/năm, tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 trở lên 2,5%/năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh đến năm 2012 là 1,23%.

Dân số tăng nhanh, tỉnh ta đứng trước cơ hội và thách thức mới về lao động, việc làm, chênh lệch giới tính khi sinh cao... Trên thực tế, khi đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn có nguy cơ cao, chất lượng dân số chưa được cải thiện thì tình trạng dân số tăng nhanh sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, phá vỡ thành quả đạt được. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ dành nguồn lực lớn hơn so với trước cho công tác dân số, y tế để giải quyết tình trạng hiện nay. Điều đo, thể hiện yêu cầu cấp bách của công tác DS –KHHGĐ và quyết tâm của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ đối với công tác này.

P.V

Các tin khác

Bộ NN&PTNT vừa có quyết định tạm thời chỉ định 12 phòng thử nghiệm, phân tích chất melamine trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Để triển khai quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá trong năm 2009, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vừa chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải tiến hành đặc xá năm tới khẩn trương và đúng pháp luật, không để xảy ra sơ hở, sai sót.

Cán bộ đoàn viên thanh niên Thanh tra tỉnh ký cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thanh tra không vi phạm các tệ nạn xã hội.

YBĐT - Từ thực tế nhiệm vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2008 cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở quá mỏng, trình độ còn nhiều hạn chế; chế độ cho cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chưa đảm bảo trong khi nguy cơ lây nhiễm HIV với họ lại rất lớn, đặc biệt một số cán bộ chưa qua đào tạo cơ bản, chuyên sâu nên cũng chưa tâm huyết với nghề nghiệp.

Cán bộ, hội viên đang trao đổi kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình.

YBĐT - Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ở thành phố Yên Bái ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong đó có nguyên nhân cơ bản là do tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục