Người lao động ở 61 huyện nghèo được hỗ trợ tối đa để xuất khẩu lao động

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/12/2008 | 12:00:00 AM

Bộ LĐTB-XH chuẩn bị trình Thủ tướng đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2015”. Nếu thực hiện đề án này, người dân ở các huyện nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa để đi làm việc ở nước ngoài. Ông Đào Công Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH đã trao đổi với phóng viên báo chí về đề án này.

* Thưa ông, đâu là lý do đặt ra đề án này?

 Số lượng người tham gia XKLĐ ở 61 huyện nghèo trong những năm qua là rất thấp. Trong 2 năm 2006-2007, chỉ có khoảng 5.000 người ở các huyện này đi XKLĐ, chiếm chưa tới 3% tổng số lao động xuất khẩu của cả nước, có những huyện chưa hề có người đi làm việc ở nước ngoài.

Trong khi đó, dân số của 61 huyện này lên tới 2,4 triệu người, khoảng 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động. Rõ ràng ở các huyện này có tiềm năng và nguồn nhân lực đi XKLĐ.

* Thưa ông, việc triển khai riêng một đề án hỗ trợ XKLĐ ở 61 huyện nghèo có cần thiết không, khi mà hiện nay đã có quá nhiều chính sách hỗ trợ XKLĐ, nhất là đối với người nghèo?

* Đúng là hiện đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ XKLĐ đối với người nghèo nói chung. Nhưng do đặc điểm các huyện nghèo là có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội đặc thù (chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi) thì các chính sách hiện hành chưa đủ mạnh, mức hỗ trợ còn thấp, vì người nghèo mới chỉ được hỗ trợ một phần nhỏ về kinh phí trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Vì vậy, để giải quyết căn bản các khó khăn của NLĐ ở 61 huyện này (văn hóa thấp, thiếu thông tin, nhận thức còn nhiều hạn chế, khó khăn về kinh tế, chưa được đào tạo nghề...) thì phải có một đề án để hỗ trợ NLĐ một cách toàn diện. Chúng tôi dự định giai đoạn 2009-2012 sẽ thực hiện thí điểm đưa khoảng 10.000 lao động ở 61 huyện nghèo đi XKLĐ. Giai đoạn từ 2011-2015 sẽ đưa 50-60 ngàn lao động đi.

* Vậy chính sách XKLĐ mang tính đặc thù dành cho 61 huyện nghèo là những gì, thưa ông?

* Chúng tôi vẫn nói vui là NLĐ sẽ được hỗ trợ từ A đến Z. Cụ thể, NLĐ sẽ được hỗ trợ học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, được bồi dưỡng các kiến thức cần thiết và làm thủ tục đi XKLĐ; được ưu đãi tín dụng, được hỗ trợ rủi ro.

Cụ thể, người dân ở 61 huyện nghèo trong độ tuổi tham gia đi XKLĐ sẽ được hỗ trợ học phí, tài liệu học tập, chi phí sinh hoạt (tiền ăn, ở) để học bổ túc văn hóa. Người thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 30.000 đồng/ngày/người; hỗ trợ tiền ở mức 200.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền đồ dùng thiết yếu mức 400.000 đồng/tháng; tiền tàu xe đi và về từ nơi cơ trú đến chỗ học; hỗ trợ chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Còn nếu là NLĐ không thuộc hộ nghèo cũng được hỗ trợ toàn bộ kinh phí học nghề, ngoại ngữ, và bồi dưỡng kiến thức cần thiết. NLĐ cũng sẽ được vay toàn bộ chi phí hợp lý theo nhu cầu (ngoài phần đã được hỗ trợ) để đi XKLĐ với mức lãi suất cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 0,65%/tháng.

* Còn việc hỗ trợ rủi ro cho NLĐ khi làm việc ở nước ngoài thì sao, vì nhiều ý kiến vẫn lo lắng với khả năng “xoay xở” của NLĐ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi?

* NLĐ ở 61 huyện nghèo nếu phải về nước trước thời hạn còn được xem xét miễn, giảm lãi tiền vay hoặc xóa nợ khoản vay ngân hàng mà NLĐ chưa trả hết. Ngoài ra, sau khi NLĐ về nước, họ sẽ được hướng dẫn đầu tư nguồn vốn vào đầu tư phát triển kinh tế, được tham gia các khóa học về khởi sự doanh nghiệp nếu có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh doanh; được tư vấn và giới thiệu việc làm cho phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm đã học hỏi, tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài…

Với cả một gói giải pháp hỗ trợ chu đáo, thiết thực như vậy, chúng tôi tin tới đây, khi người dân nghèo được đi XKLĐ, họ sẽ góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống của một bộ phận nhân dân.

* Xin cảm ơn ông! 

Tại 61 huyện nghèo nhất:

* 90% dân số là người dân tộc thiểu số.

* Chỉ có khoảng 9% tổng dân số có trình độ THPT và gần 10% lao động đã qua đào tạo.

* Thu nhập bình quân của các hộ nghèo chỉ khoảng 140.000 đồng/người/tháng (vào năm 2006).

(Theo SGGP)

Các tin khác
Ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn ở tỉnh Yên Bái tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn ở mức trên 40%. (Ảnh: Minh Quang)

YBĐT - Trong những năm gần đây, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, công tác DS - KHHGĐ ở Yên Bái đã có những kết quả nhất định. Quy mô gia đình có một hoặc 2 con đã được nhiều người chấp nhận; nhịp độ tăng dân số được khống chế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,436% năm 2001 xuống còn 1,311% năm 2008.

Bộ NN&PTNT vừa có quyết định tạm thời chỉ định 12 phòng thử nghiệm, phân tích chất melamine trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Để triển khai quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá trong năm 2009, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vừa chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải tiến hành đặc xá năm tới khẩn trương và đúng pháp luật, không để xảy ra sơ hở, sai sót.

Cán bộ đoàn viên thanh niên Thanh tra tỉnh ký cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thanh tra không vi phạm các tệ nạn xã hội.

YBĐT - Từ thực tế nhiệm vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2008 cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở quá mỏng, trình độ còn nhiều hạn chế; chế độ cho cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chưa đảm bảo trong khi nguy cơ lây nhiễm HIV với họ lại rất lớn, đặc biệt một số cán bộ chưa qua đào tạo cơ bản, chuyên sâu nên cũng chưa tâm huyết với nghề nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục