Có hai con gái vẫn vui

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bỏ qua định kiến, chị Hà Thị Vân và anh Lò Văn Số - người dân tộc Thái ở bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã quyết định không sinh con thứ ba mặc dù hai con đều là gái mà cố gắng phát triển kinh tế, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Tuy công việc xã hội bận rộn nhưng chị Vân vẫn tranh thủ thời gian phụ giúp chồng công việc đồng áng.
Tuy công việc xã hội bận rộn nhưng chị Vân vẫn tranh thủ thời gian phụ giúp chồng công việc đồng áng.

Không phụ công bố mẹ, cô chị là Lò Thị Trang, sinh năm 1989 cùng cô em Lò Thị Thùy, sinh năm 1992 liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Em Trang hiện đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình ở Phủ Lý (Hà Nam), còn em Thùy vừa là học sinh năng khiếu Trường Trung học Thể dục Thể thao tỉnh Yên Bái vừa theo học trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái. Hai chị em là những người đầu tiên của bản, của xã theo học chuyên nghiệp; là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà của cả thôn.

Anh Số tâm sự: "Dù là con trai hay con gái cũng không quan trọng, quan trọng là mình phải có trách nhiệm nuôi dạy các con cho tốt, cho các con ăn học đầy đủ". Quan điểm của anh chị đã dần xóa đi sự bài xích của một số hộ vẫn có tư tưởng trọng nam kinh nữ ở đây mà thay vào đó là sự khâm phục về một gia đình hạnh phúc, đi đầu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Niềm vui khi các con đỗ chuyên nghiệp cũng có nghĩa là vất vả của anh chị tăng lên gấp bội khi gia đình chỉ làm nông nghiệp, thu nhập chỉ trông chờ vào 5.000m2 ruộng và 5.000m2 trồng màu, trong khi chi phí nuôi hai con ăn học mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Những năm trước, cấy lúa đơn thuần và phát triển chăn nuôi, gia đình cũng chỉ đủ ăn. Anh chị đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt chuyển 4.000m2 ruộng sang trồng hẳn rau màu, chỉ để lại 1.000m2  cấy lúa.

Vụ đông này, anh chị trồng súp lơ, cải bắp, su hào, cà chua và từ đầu mùa đến nay đã bán ba lượt. Chị Vân tính toán: 1.000m2 ruộng nếu cấy lúa đạt 5 tạ thóc mỗi vụ, trừ chi phí còn khoảng 3 tạ, tương đương 2 triệu đồng. Trong khi đó, 1.000m2  chuyển sang trồng rau màu cho thu nhập trên 12 triệu đồng, trừ mọi chi phí vẫn gấp đôi, gấp ba lần trồng lúa. Chính vì thế mà gia đình anh chị tiếp tục chuyển hẳn sang trồng rau màu, trong đó chủ yếu là trồng chuyên canh ngô nếp và bán ngô non, tiếp đó đến thời vụ rau màu nào anh chị trồng rau màu nấy.

Có diện tích anh chị trồng được bốn vụ trên năm. Từ tháng 1 đến tháng 7, anh chị trồng 2 vụ ngô nếp; từ tháng 9 đến tháng 11 trồng su hào, súp lơ và hiện đang trồng cải bắp. Năm nay trồng chuyên canh 2 vụ ngô nếp và bán non, trong đó có 1 vụ trái vụ cho thu hoạch 40 triệu đồng và gia đình hiện đang thu hoạch su hào, súp lơ đạt 6 triệu đồng/1.000m2. Ngoài ra, anh chị tích cực chăn nuôi gà, vịt, chăn nuôi bò với 4 con bò, gần 100 con gà. Bình quân thu nhập cả năm của gia đình anh chị Số - Vân đạt trên 70 triệu đồng.

Gia đình anh chị liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bản thân chị Vân từng được tín nhiệm cử làm cán bộ chuyên trách dân số xã và hiện chị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi. Quá trình công tác, chị luôn được tặng thưởng nhiều bằng khen của các cấp.

Mặc dù bận rộn công tác nhưng chị Vân luôn tranh thủ giúp đỡ chồng công việc đồng áng. Hai vợ chồng thức dậy lúc 4 rưỡi, 5 giờ sáng cắt rau đi bán để chị kịp giờ làm việc; chiều muộn vẫn tranh thủ vun xới, chăm sóc những ruộng màu xanh tốt. Tuy vất vả nhưng đổi lại anh chị có những vụ mùa bội thu và hai cô con gái ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, luôn làm vui lòng bố mẹ.

 Thu Hạnh

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi vịt của hộ gia đình anh Đỗ Văn Huy thôn Ao Luông 1 cho hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trong những năm gần đây đã có nhiều đổi thay. Đồng bào đã biết phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, gắn với sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch đúng hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Đồng chí Lương Kim Đức trao đổi, động viên chị em phụ nữ xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải thực hiện tốt việc sinh đẻ kế hoạch.
(Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2008), phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về thực trạng cũng như giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

YBĐT - Mặc dù, tốc độ tăng dân số những năm gần đây có chậm lại, nhưng mỗi năm đối với nước ta cũng là hơn một triệu trẻ nhỏ, đối với tỉnh Yên Bái mỗi năm tăng 14.000 trẻ nhỏ và riêng huyện Mù Cang Chải mỗi năm tăng 1.200 trẻ. Nhu cầu cuộc sống không ngừng tăng khiến con người khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, rừng bị tàn phá cạn kiệt, các chất thải công nghiệp và sinh học không thể kiểm soát nổi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống, hậu quả là khí hậu trái đất đã có nhiều thay đổi đe dọa tới sự phát triển bền vững của nhân loại.

Ngày 24-12, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho biết Bộ Y tế vừa khẩn cấp yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A H5N1.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục