Chuyện ở bản Tà Ghênh

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cách trung tâm xã chừng 4 cây số, là bản Tà Ghênh xã Nậm Có – (Mù Cang Chải - Yên Bái), dân cư 100% là người Mông. ở đây có 6 dòng họ sinh sống nhưng chủ yếu là họ Giàng. Đồng bào có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm tốt. Tuy nhiên, trình độ dân trí không đồng đều, các hủ tục về việc cưới, việc tang còn nặng nề, thả giông gia súc gây mất vệ sinh nơi ở và môi trường. Việc đến trường của con em chưa được đồng bào thực sự quan tâm, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn…

Hàng A Sử được cán bộ quân y chăm sóc trong căn nhà của mình.
Hàng A Sử được cán bộ quân y chăm sóc trong căn nhà của mình.

Tuy vậy nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mấy năm qua đồng bào trong bản được hưởng lợi từ nhiều nguồn tài trợ, Chương trình 134, 135 cung cấp nước sinh hoạt, khai hoang ruộng nước... Một nhà văn hoá cộng đồng, diện tích khoảng 60m2, do Dự án Chia sẻ tài trợ, bàn giao đưa vào sử dụng. Hệ thống truyền thanh do Tổ chức Bánh mì Thế giới đầu tư gồm: 1 bộ tăng âm, công suất 100W, 5 loa và 1 máy phát điện nhỏ chạy xăng. Thế nhưng, trong bản cũng chẳng mấy khi có tiếng loa bao giờ. Hỏi ra mới biết, hoạt động của hệ thống truyền thanh ở bản không thể thường xuyên vì thiếu nhiên liệu. Hiện nay, điện lưới quốc gia chưa tới được bản và 60% số hộ dùng máy thuỷ điện nhỏ do các gia đình tự đặt ở các dòng suối nhưng nguồn điện chỉ đủ dùng vài bóng đèn thắp sáng.
Hỏi vài con số về kinh tế- xã hội của bản, Trưởng bản Giàng A Dê ngập ngừng:  “Cái này không nhớ hết đâu, phải xem sổ sách mới biết được”.

Tà Ghênh có 109 hộ, với trên 657 khẩu, nguồn thu nhập của nhân dân chủ yếu trồng lúa nước, một phần thu nhập từ rừng khoanh nuôi và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích đất tự nhiên là 575 ha, trong đó đất rừng trên 217 ha, rừng trồng 206 ha. Chất đất ở đây phù hợp với trồng lúa nước, bà con làm được 40 ha ruộng bậc thang, nhưng bình quân mỗi hộ chỉ được 0,4 ha ruộng. Việc chăn nuôi gia súc vẫn thả rông là chính, nên đàn gia súc đã giảm do bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đầu năm.

Hiện cả bản còn khoảng 194 con trâu, bò, 60 con ngựa, trên 200 con lợn. Mức sống gọi là khá chỉ khoảng 3-4 hộ, 30 hộ có mức sống trung bình, còn lại hộ nghèo chiếm tới 70%. Nguyên nhân của đói nghèo là do thất học, đẻ nhiều con, trình độ canh tác lạc hậu… Ngay như hộ ông Giàng A Lềnh nhà cũng thuộc diện khá, có trâu, có ngựa, ruộng vườn nhưng cuộc sống vẫn lam lũ vì đẻ tới 7 đứa con. Bữa cơm gia đình chỉ độc có bát canh rau cải, vậy mà bọn trẻ thi nhau húp xì xụp.

 Bản có một điểm trường tiểu học 5 lớp, có 5 giáo viên, với 88 học sinh tiểu học, 19 học sinh mẫu giáo. Bình quân mỗi hộ có một trẻ đi học, con số quả là rất khiêm tốn. Tiếp cận các lớp học mới thấy sự học ở đây còn nhiều vấn đề phải quan tâm hơn nữa. Học sinh lớp 1 vẫn học theo kiểu đánh vần từng chữ kiểu “xờ- ưa- xưa”. Hiện phải có nhân viên hỗ trợ của bản dạy nói tiếng Việt vào buổi chiều. Trong các lớp 4, lớp 5 chỉ có 5- 6 học sinh.

Thầy giáo Tống Thành Vinh, phụ trách điểm trường phân trần: đội ngũ giáo viên ở đây đều mới luân chuyển về, trong đó có 3 người phải ở tại trường, nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt. Mặc dù, ngoài giờ dạy các giáo viên vẫn tổ chức đi dân vận, điều tra phổ cập, hộ khẩu, vận động các em đến lớp... Tuy nhiên, tỷ lệ chuyên cần ở đây là rất thấp, theo anh Vinh thì đạt 87%. Bởi vì, chẳng phải ngày tết cổ truyền của đồng bào Mông, cũng không hội hè gì nhưng lớp học vẫn thiếu vắng nhiều học sinh. Nguyên do, đồng bào vẫn có thói quen nhà có việc là cho con em nghỉ học. Thậm chí có khoảng 20 em không đi học, phải ở nhà giúp bố mẹ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông em... Chẳng hạn như cậu bé Hàng A Sử có hoàn cảnh thật đáng thương. Mẹ mất sớm, bố thì nghiện suốt ngày bỏ nhà đi làm mướn, lên rừng xẻ gỗ thuê để có tiền ăn, thoả cơn nghiện. Nhà có hai anh em, người anh phải đi ở hẳn nhà người khác để làm thuê, còn A Sử mới 8 tuổi phải một mình bươn trải. Bé vậy mà Sử đã tự đi chăn trâu thuê, rồi kiếm củi mong có miếng cơm manh áo. Hôm có đội công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về ở cùng nhà A Sử, nó rất vui nhưng chẳng nói chẳng rằng, tự đi lấy củi về giúp các chú bộ đội nấu cơm. Có những hôm Sử đi từ sáng sớm mãi không thấy về, mấy anh bộ đội lại nhắc nhau “Nhớ phần cơm cho A Sử nhé”. Hôm đó, tới khuya mới thấy nó về nhà, lặng lẽ leo luôn lên phản để ngủ. Gặng hỏi mãi hoá ra nó đi đuổi trâu bị ngã sưng vù khuỷu tay. Chú Đông là quân y tận tình đến khám, rồi cấp thuốc cho Sử uống đỡ đau, hình như Sử đã bị sai khớp tay. Một mình trong căn nhà chật chội, tối tăm chẳng có một thứ gì đáng giá, cuộc đời A Sử rồi sẽ mù mịt đến đâu? Cả bản có tới 18 người nghiện, có trường hợp phải đi cải tạo vì buôn ma tuý, vợ con nheo nhóc. Rồi những đứa trẻ trong các gia đình này liệu có như bé A Sử?

Để giúp Tà Ghênh vươn lên, trước hết phải tạo được bước chuyển về nhận thức, ý thức của đồng bào trong đời sống, sinh hoạt, phát triển kinh tế. Đồng thời, phải nêu cao vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, già làng, trưởng bản trong xây dựng đời sống kinh tế - xã hội. Mới đây, lực lượng vũ trang đã tham gia các đợt tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị tại bản, với phương châm “ổn định từ nhà, vững từ thôn bản”. Và nếu như làm tốt được điều đó, tin tưởng sẽ có một Tà Ghênh đổi mới, vững mạnh về mọi mặt trong tương lai.

Văn Trung

Các tin khác
Công an xã Mai Sơn (Lục Yên) thực hiện nhiệm vụ tiếp dân.

YBĐT - Xã Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) là một xã thuần nông có 851 hộ với 3840 nhân khẩu bà con chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn được ổn định và giữ vững, người dân yên tâm lao động sản xuất làm giàu cho quê hương.

Tuy công việc xã hội bận rộn nhưng chị Vân vẫn tranh thủ thời gian phụ giúp chồng công việc đồng áng.

YBĐT - Bỏ qua định kiến, chị Hà Thị Vân và anh Lò Văn Số - người dân tộc Thái ở bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã quyết định không sinh con thứ ba mặc dù hai con đều là gái mà cố gắng phát triển kinh tế, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Mô hình chăn nuôi vịt của hộ gia đình anh Đỗ Văn Huy thôn Ao Luông 1 cho hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trong những năm gần đây đã có nhiều đổi thay. Đồng bào đã biết phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, gắn với sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch đúng hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Đồng chí Lương Kim Đức trao đổi, động viên chị em phụ nữ xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải thực hiện tốt việc sinh đẻ kế hoạch.
(Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2008), phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về thực trạng cũng như giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục