An Lương ngày mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chuyện khó tin mà có thật: trước năm 2003, cả xã An Lương (Văn Chấn - Yên Bái) chỉ có duy nhất một chiếc xe máy và một chiếc xe đạp. Không làm phương tiện đi lại mà chiếc xe đạp thì được treo cẩn thận lên cột nhà, còn xe máy thì dựng yên trí ở một góc… Khi buồn và thích cảm giác của tiếng nổ tành tành, giòn tan từ chiếc động cơ xe máy phát ra, họ mua xăng đổ vào rồi xúm lại ngắm nhìn, chiêm ngưỡng coi như đã từng một lần ngồi lên đi thử. Vậy mà mới 5 năm, đó đã trở thành quá khứ.

Trụ sở UBND xã An Lương.
Trụ sở UBND xã An Lương.

An Lương giờ đây đã rất nhiều sự đổi thay, đời sống của bà con người Tày, Mông, Dao... đã thực sự khởi sắc, từ chỗ số hộ nghèo chiếm gần cả xã thì nay chỉ còn 33%.

Vượt qua rất nhiều khúc cua, đường đá sỏi lởm chởm, qua các con suối, nhiều chỗ đi xe máy phải chống chân hoặc dắt bộ cài số 1 mới qua được lên đến chừng đỉnh đèo, anh Nông Đích Chấn – Bí thư Đảng uỷ xã An Lương (tôi may mắn được đi cùng anh Chấn lên xã, khi anh vừa họp dưới huyện xong) chỉ tay về phía trước, vui vẻ nói: “Đây là đỉnh Koóng Kéng, còn khoảng gần một nửa đường nữa sẽ đến UBND xã. Nhà báo thấy thế nào? Có thấy khó không? Nhưng vẫn còn tốt chán, người dân An Lương luôn biết ơn Đảng, Nhà nước vì đã cho họ con đường này”. 

Quả đúng như lời anh, trước đây cứ mỗi khi nhắc đến An Lương là người ta ớn đến cổ bởi từ trung tâm huyện Văn Chấn vào đến UBND xã phải mất một ngày ròng cuốc bộ, các loại động cơ đều chào thua, nhường đường cho xe “căng hải”, ngựa thồ; điện, nước không có; đời sống người dân nơi đây hầu như dựa vào trồng trọt và chăn nuôi theo kiểu tự cung tự cấp mà diện tích gieo cấy lúa của toàn xã lúc đó chỉ có 56 ha; hàng hoá thì không có đường ra…

An Lương đã trở thành một “ốc đảo” biệt lập, xa lạ với các xã vùng thấp trong việc giao lưu, tiếp cận, trao đổi hàng hoá. Cho đến khi được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự động viên giúp đỡ của tỉnh, địa phương, tuyến đường Suối Quyền- An Lương- Mỏ Vàng được mở, đời sống người dân nơi đây mới bớt phần khó khăn.

Trải qua gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã dần tiến về trụ sở Ủy ban xã. Ấn tượng đầu tiên là những ngôi nhà sàn san sát, nép mình trong màu xanh bạt ngàn của quế. Đâu đâu cũng thấy quế. Quế to, quế nhỏ, rừng quế bát ngát, thơm nồng từ đầu làng, cuối bản như khẳng định vị thế quan trọng trong việc cùng người dân xây dựng cuộc sống ấm no. Anh Chấn cho biết: An Lương cũng là xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế với địa thế: phía Bắc giáp xã Sùng Đô, phía Tây giáp xã Suối Quyền, phía Nam giáp xã Suối Giàng huyện Văn Chấn, phía Đông giáp với xã Nà Hẩu, Mỏ Vàng của huyện Văn Yên và Hồng Ca, Hưng Khánh, huyện Trấn Yên nên rất thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá.

Ngoài ra là lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, các nguồn tài nguyên, khoáng sản như mỏ đồng nằm ở khu Trung Tâm, mỏ sắt ở thôn Suối Dầm và Sài Lương. Song điều đặc biệt làm nên sự đổi thay ở nơi đây chính là yếu tố con người, từ vai trò của những người lãnh đạo trong công tác chỉ đạo đến định hướng phát triển kinh tế địa phương và sự hăng say của người dân đã tạo nên cái “mới” ở An Lương hôm nay.

Nếu như người Mông thật thà, chăm chỉ lao động và đã biết sử dụng hiệu quả những vùng đất mới khai phá, người Tày tháo vát, nhanh nhẹn trong kiến tạo cuộc sống, áp dụng hiệu quả những mô hình trồng trọt, chăn nuôi thì người Dao như khẳng định mình là người sinh ra để trồng cây quế tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho mảnh đất này. Điều đó càng được khẳng định khi Bí thư Đảng uỷ xã đã đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Văn Thông (người đầu tiên có xe máy ở xã), thôn Tặng Chang, nơi 100% là đồng bào Dao và có diện tích trồng quế lớn nhất xã. Bạt ngàn là quế, có cây to phải bằng một ôm của người lớn, xanh ngắt, căng đầy sức sống.

Anh Nông Đức Tỷ - Phó bí thư Đảng uỷ xã khẳng định: “Người Dao nơi đây có bí quyết và cách thức trồng quế, cây quế cứ to và cao vút. Chẳng thế mà đời sống của họ khá lắm”. Hiện nay, toàn xã có 250 ha, cho sản lượng thu hoạch 100 tấn quế khô/ năm chưa kể đến việc các tư thương từ dưới huyện và các nơi khác tìm đến mua cành, tán nhỏ và lá về chế biến tinh dầu... 

Đường đến An Lương tuy còn khó song xe máy đã có thể vào được.

Có đường, cây quế đã thực sự giúp người dân nơi đây xoá đói giảm nghèo. Chẳng thế mà từ một nền kinh tế tự cung tự cấp nay An Lương đã biết phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá với các sản phẩm như: quế, ngô, sắn, đỗ tương và các loại gia súc, gia cầm... Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng từ 1 vụ lên 2 vụ.

 Hệ thống thuỷ lợi được củng cố, nhiều vùng đất đã được khai phá thành ruộng để gieo cấy lúa. Mặc dù vụ đông xuân do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại nhưng bà con An Lương vẫn gieo cấy được 65 /75ha, năng suất đạt 35 tạ/ha. Đến vụ mùa thì đã gieo cấy được 97/97 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2007, năng suất đạt 40 tạ/ha. Trên 80 ha ngô cho sản lượng cả năm 240 tấn... đưa tổng sản lượng lương thực có hạt toàn xã đạt 1.125,5 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 330 kg/năm. Các loại cây màu như đỗ tương, sắn và rau phục vụ cho sinh hoạt đủ để cung cấp tại chỗ và còn mang trao đổi bên ngoài. Xã còn phát triển mạnh đàn đại gia súc và gia cầm với 650 con trâu, 169 con bò...

Từ việc ổn định kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội của xã cũng không ngừng được quan tâm, đầu tư phát triển. Cơ sở vật chất trường học đã từng bước được đầu tư, nâng cấp; giáo dục phát triển ở cả 3 bậc học: mầm non, tiểu học, THCS ; hàng năm các nhà trường đều hoàn thành các tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp luôn đạt trên 95%. Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được thực hiện tốt, người dân đã biết đến Trạm Y tế xã điều trị bệnh. Trong năm, Trạm đã khám và cấp thuốc miễn phí cho 2.905 lượt người, phát thuốc cho 493 lượt trẻ em dưới 6 tuổi với tổng số tiền gần 97 triệu đồng...

Nhờ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, đường đến các thôn bản giờ đã đến được bằng xe máy.Trường, trạm được đầu tư kiên cố, khang trang; duy chỉ có điện lưới quốc gia chưa về đến đây, nguồn thắp sáng nhờ thủy điện nhỏ của các hộ. Tuy thế, niềm mong ước lớn nhất là có đường vào thì đã thành hiện thực giúp đời sống văn hóa tinh thần giờ đã được nâng cao.

Chia tay An Lương khi đã cuối chiều bắt đầu thấm cái lạnh của mùa đông rẻo cao. Những đoạn đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh sỏi đá dường như đã êm hơn dưới đôi bàn chân, lòng người đi thấy phấn chấn bởi những lời hứa của cán bộ An Lương: “Thời gian tới, xã sẽ tập trung phát triển cây màu vụ đông như khoai tây và tiến hành trồng thử 2ha ở 4 thôn, đồng thời xin ý kiến huyện cho làm mô hình chăn nuôi tập trung vì đây có quỹ đất cũng như khả năng trồng các loại cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc, vừa phòng chống bệnh, quản lý tốt không để trâu bò thả rông...”. Trong tôi đã có một An Lương rất gần. An Lương không còn xa nữa!

Ngọc Sơn

Các tin khác

YBĐT - Cùng với lực lượng công an tỉnh Yên Bái, trong năm 2008, Công an huyện Văn Yên đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân (CAND) vì nước quên thân vì dân phục vụ”. Với tinh thần “Thi đua làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân”, Công an huyện Văn Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt, công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

YBĐT - Với đặc thù dân cư không tập trung, số lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thường xuyên biến động, một số chi đoàn chưa có địa điểm sinh hoạt… nhưng Đoàn xã Bạch Hà (Yên Bình - Yên Bái) đã tích cực phát huy tinh thần xung kích, đoàn kết, khắc phục khó khăn và đạt nhiều kết quả trong hoạt động, điển hình là phong trào “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hiện bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam, dự báo ngày và đêm nay (29/12), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc sau đó tràn xuống miền Trung nước ta. Một số khu vực ở miền Bắc cần đề phòng băng giá và sương muối.

YBĐT - Để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, ngay từ đầu năm 2008, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Yên Bái đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về công tác kiểm tra; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của ngành ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục