Đăng ký và quản lý hộ tịch: Ảnh hưởng của tục lệ trong thực thi pháp luật

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong Luật Hôn nhân & Gia đình (HN&GĐ) có quy định là nam từ 20 tuổi và nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Quy định này nhằm đảm bảo cho cả người nam và người nữ đều đã phát triển đầy đủ cả về thể chất cũng như tinh thần thì khi bước vào cuộc sống hôn nhân sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc phát triển nòi giống và duy trì hạnh phúc gia đình.

Lễ đón dâu của dân tộc Giáy. (Ảnh có tính chất minh họa)
Lễ đón dâu của dân tộc Giáy. (Ảnh có tính chất minh họa)

Đối với mỗi dân tộc, tục lệ được coi là những tập quán, luật lệ riêng biệt của dân tộc đó nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ cộng đồng dân cư. Vì thế, mỗi dân tộc có một tục lệ khác nhau. Có những tục lệ mang ý nghĩa tích cực sâu sắc, có ảnh hưởng tốt đẹp đối với thuần phong mĩ tục và sự phát triển của xã  hội, nhưng cũng có những tục lệ lại mang tính tiêu cực, hà khắc, tác động xấu đến nhận thức của bà con và ít nhiều đã gây ra những khó khăn, phức tạp trong quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước ta.

 

Các tục lệ của mỗi dân tộc hầu hết nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, sinh – tử, thừa kế, và các mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau trong dòng họ hoặc trong nội bộ gia đình. Trong đó, các mối quan hệ về hôn nhân gia đình, khai sinh, khai tử và thừa kế chịu ảnh hưởng đặc biệt của tục lệ và trong giai đoạn hiện nay vẫn bị chi phối và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Trong Luật Hôn nhân & Gia đình (HN & GĐ) có quy định là nam từ 20 tuổi và nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Quy định này nhằm đảm bảo cho cả người nam và người nữ đều đã phát triển đầy đủ cả về thể chất cũng như tinh thần thì khi bước vào cuộc sống hôn nhân sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc phát triển nòi giống và duy trì hạnh phúc gia đình.

 

Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, một số đồng bào người dân tộc thiểu số vẫn tồn tại quan điểm khi con trai đủ 15 tuổi, con gái đủ 13 tuổi và đã phát triển về thể chất là hoàn toàn có thể bước vào cuộc sống gia đình. Vì thế, mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến và vận động, giải thích nhiều nhưng vẫn tồn tại tình trạng tảo hôn.

 

Về yếu tố tự nguyện, Luật HN & GĐ cũng quy định rõ, hai bên nam nữ được phép kết hôn trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc hay bị chi phối bởi bất cứ một người nào khác. Nhưng thực tế thì có một số dân tộc vẫn tồn tại hôn nhân do mai mối và do cha mẹ hai bên tự quyết định, đặc biệt còn tồn tại tục lệ cướp vợ như dân tộc Mông.

 

Xét ở một khía cạnh nào đó, tục cướp dâu là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Mông, nhưng nó chỉ được khuyến khích khi cả người cướp và người bị cướp đều thuận tình thuận ý với nhau, còn nếu như không được sự đồng ý của phía người nữ thì tục này lại trở thành tục lệ cổ hủ cần bãi bỏ để bảo đảm quyền lợi của người phụ nữ và không vi phạm yếu tố tự nguyện của Luật HN & GĐ.

 

Điều đáng mừng là hiện nay, tục cướp vợ của người Mông hầu như chỉ còn tồn tại ở các đôi nam nữ thực sự có tình ý với nhau và họ sử dụng tục cướp vợ để có thể chung sống với nhau khi cha mẹ hai bên không thuận tình cho họ kết hôn. Như vậy, tục cướp dâu lúc này lại mang tính tích cực để khẳng định quyền tự do hôn nhân của công dân.

 

Một yếu tố nữa còn tồn tại khá phổ biến hiện nay, đó là tình trạng các cặp nam nữ chung sống với nhau không đăng ký kết hôn. Mặc dù có cặp vợ chồng đã có chung 3, 4 mặt con nhưng vẫn kiên quyết không lên UBND xã đăng ký kết hôn dù đã được vận dụng, giải thích nhiều, thậm chí là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình.

 

Họ cho rằng, việc gia đình nội tộc hai bên đã làm lễ cưới theo đúng các nghi thức truyền thống là đã đủ điều kiện để hai người trở thành vợ chồng hợp pháp mà không nhận thức được rằng sự thừa nhận của pháp luật mới là yếu tố có giá trị pháp lý bảo vệ họ khi có tranh chấp xảy ra. Tương tự, vi phạm trong thực hiện các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử hiện nay trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá phổ biến.

 

Dù đã được tuyên truyền, vận động rất nhiều và hiện nay việc đăng ký hộ tịch đã được miễn phí hoàn toàn nhưng tình trạng trẻ em sinh ra không được cha mẹ đăng ký khai sinh hoặc khai sinh quá hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của trẻ em, đó là quyền được khai sinh. Điều này đã vi phạm Nghị định 158/CP và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

 

Ở hai dân tộc Nùng và Tày có tục lệ làm lễ đặt tên cho trẻ sau khi sinh ra được 1 tháng. Tuy không làm thủ tục khai sinh cho trẻ, nhưng gia đình, dòng họ lại có thể tổ chức lễ đặt tên cho trẻ rất linh đình, long trọng tùy theo tập tục của mỗi dân tộc và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Đối với họ, lễ đặt tên trong họ mới quan trọng và mới có giá trị khẳng định sự tồn tại và hiện diện của đứa trẻ.

 

Vì thế có em đã lên bốn, năm tuổi vẫn chưa được đăng ký khai sinh vì theo cha mẹ, em đã có tên do dòng họ đặt cho rồi, không cần phải đăng ký khai sinh thì vẫn có tên gọi bình thường. Trên phương diện truyền thống, việc tổ chức lễ đặt tên cho em bé là một tục lệ đẹp, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của mỗi dân tộc.

 

Tuy nhiên, nếu người dân ý thức được rằng, việc đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền cũng quan trọng, thậm chí quan trọng hơn việc làm lễ đặt tên để duy trì song song hai việc đó thì lễ đặt tên sẽ có giá trị truyền thống tốt đẹp hơn rất nhiều. Tương tự như vậy, tình trạng không khai tử cho người chết cũng vẫn còn rất phổ biến ở vùng cao.

 

Thực tế cho thấy, tục lệ có ảnh hưởng sâu sắc đến việc tổ chức các nghi lễ cúng giỗ cho người chết. Mặc dù làm ma, cúng giỗ rất tốn kém, cầu kỳ và còn nhiều hình thức mang nặng tính mê tín, dị đoan nhưng vẫn còn khá nhiều số người chết không được làm thủ tục khai tử, vì thế, số liệu về sự tăng giảm nhân khẩu của địa phương rất khó xác định, gây khó khăn cho công tác quản lý và theo dõi biến động dân số trên toàn địa bàn. Ngoài ra, việc để người chết trong nhà quá 36 tiếng vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong sinh hoạt của người dân tộc thiểu số. Việc duy trì tục lệ này đã trái với quy định của Nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của những người xung quanh.

 

Bên cạnh đó, hầu hết các nghi thức cưới hỏi, ma chay vẫn được người dân tổ chức rất cầu kỳ, tốn kém và mang nặng tính hình thức không phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước ta về tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, phô trương. Ngoài việc duy trì và phát huy bản sắc dân tộc thì việc tổ chức cưới hỏi, tang ma tốn kém đem lại không ít lo toan, vất vả cho khổ chủ. Có người coi đây cũng là dịp để “ trả nợ miệng” với thiên hạ nên phải cố gồng mình lên để lo cho tươm tất, chu đáo vì sợ “ma chê, cưới trách”.

 

Vì thế, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có phương hướng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, tích cực vận động, giải thích đến nhân dân để họ nhận thức được ý nghĩa của các tục lệ truyền thống và chỉ nên vận dụng các chuẩn mực đạo đức và tục lệ tốt đẹp vào các quan hệ gia đình và xã hội phát sinh hàng ngày, còn đối với những tục lệ cổ hủ, lạc hậu thì nên bãi bỏ. Từ đó, góp phần vào công cuộc ổn định và phát triển xã hội theo chiều hướng tích cực hơn trong xu thế hội nhập và phát triển cùng thế giới.

 

 Kim Ngân

Các tin khác

Trước thông tin một số thuốc ngoại nhập tăng giá, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết, sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra ngay. Nếu việc tăng giá này là bất hợp lý và chưa được phép của liên bộ Y tế và Tài chính thì doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tự ý tăng giá thuốc sẽ bị xử phạt, thậm chí cục sẽ rút số đăng ký của loại thuốc đó.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm tại Thanh Hoá gây ra trường hợp tử vong một bệnh nhân do nhiễm virus cúm A/H5N1, ngày 7.1, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát gửi công điện đến các địa phương nhằm kịp thời triển khai mọi biện pháp phòng dịch trước và sau Tết Kỷ Sửu.

Cứng hóa mặt đường ở Nghĩa Lộ đã được các cấp, ngành và nhân dân cùng vào cuộc.
Ảnh: V.T

YBĐT - Xác định triển khai và duy trì tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ(QCDC) ở cơ sở sẽ giúp nhân dân thực hiện được quyền làm chủ thực sự của mình và tạo động lực huy động nội lực trong dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Qua nhiều năm thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể ở Lục Yên đã không ngừng được củng cố, thể hiện rõ vai trò của mình trong lãnh đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Nhân dân xã Sơn A (Văn Chấn) gieo cấy lúa đông xuân.

YBĐT - Những năm qua, MTTQ xã Vĩnh Kiên huyện Yên Bình đã cùng các tổ chức thành viên tham mưu cùng cấp uỷ chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề; thực hiện tốt các nội dung phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động“ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “ Ngày vì người nghèo”... góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục