Bảo tàng tỉnh Yên Bái: Trải ra lịch sử thấy những gian nan

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái tuy còn nghèo về vật chất nhưng xét về giá trị văn hoá lại “giàu có” chẳng kém “ai”. Để những giá trị đó sánh cùng những bước đi vội vã, sôi động của nền kinh tế thị trường. Bảo tàng tỉnh đã gánh lên vai mình một trọng trách to lớn, vẻ vang, dù còn nhiều khó khăn. Trải qua hơn 30 năm “ăn nhờ ở đậu”, đến nay “gia đình” ấy đang tưng bừng để chuẩn bị cho một “ngôi nhà” mới khang trang, xứng đáng với vị trí và giá trị mang theo.

Hiện vật sau 5 lần khai quật quần thể Di tích Khảo cổ học Hắc Y (Tân lĩnh - Lục Yên) nằm im trong “kho” chờ Nhà bảo tàng mới.
Hiện vật sau 5 lần khai quật quần thể Di tích Khảo cổ học Hắc Y (Tân lĩnh - Lục Yên) nằm im trong “kho” chờ Nhà bảo tàng mới.

30 năm gian nan nhìn lại

Bảo tàng tỉnh Yên Bái, tiền thân là một đơn vị phòng thuộc Ty Văn hóa Thông tin Hoàng Liên Sơn thành lập vào năm 1978, với nhiệm vụ chính là sưu tầm, bảo quản và trưng bày những hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử. Khi đó, Phòng Bảo tàng có trụ sở ở Km6 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, với năm gian nhà cấp bốn dùng làm nơi làm việc đồng thời cũng là nơi bảo quản hiện vật. Các cán bộ trong đơn vị đã không ngừng cố gắng, nỗ lực hết mình, mặc dù đáp lại nỗ lực đó chỉ là chiếc “kho” im lặng.

Cũng là một sự thiệt thòi lớn với đông đảo người dân Yên Bái, bởi không thể phủ nhận rằng, lịch sử vẫn ẩn hiện đâu đây trong tất bật đời sống thường ngày, mà đôi lúc người ta có nhu cầu nhìn lại để chiêm nghiệm sâu xa hơn về thiên nhiên, con người và quê hương mình. Phòng Bảo tàng khi đó chưa “lộ diện” theo đúng ý nghĩa của nó - giúp người dân tìm hiểu và trân trọng những giá trị văn hoá sâu bền của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Phạn - Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh:

“Hiện tượng chảy máu cổ vật còn đang phổ biến, hiện vật quý hiếm còn trôi nổi trên thị trường nhiều, do kinh phí đầu tư cho ngành bảo tàng hạn hẹp, kéo theo cả tình trạng một số cổ vật được phát hiện ra nhưng do một số lý do khách quan mà không đủ điều kiện mang về. Đó cũng là một điều đáng lo ngại đối với những người làm công tác bảo tàng tỉnh thời gian qua.” 

Hoạt động “thầm lặng” trong suốt quãng thời gian dài, đến năm 1995, Phòng Bảo tàng có một bước tiến xa hơn là được tách ra thành một đơn vị độc lập, thuộc Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Yên Bái. Và cơ sở cũng được dời ra vị trí mới, cạnh bờ hồ Hào Gia (Km5, Thành phố Yên Bái). Tại đây, ngoài nơi làm việc là gian nhà cấp bốn, Bảo tàng còn có thêm năm gian nhà gỗ và hai gian nhà tre dùng làm nơi trưng bày cổ vật. Hàng năm vào những ngày lễ, tết, kỷ niệm trọng đại của đất nước và địa phương, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày, thu hút hàng vạn lượt khách tham gia. Lúc này, niềm tự hào về nét đẹp lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong tỉnh mới được gợi lại, phô bày đầy ý nghĩa.

Những khó khăn, trở ngại chưa kịp ôn hoà thì từ năm 2000 đến nay, theo quyết định của tỉnh, đơn vị lại “tay xách nách mang” sang khu nhà cấp bốn (cơ sở của Sở Tài chính cũ, phố Tân Dân I, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái). Lại 11 gian nhà cấp bốn, vừa là nơi làm việc, vừa là nơi bảo quản hiện vật và lại … không có phòng trưng bày. Trong khi đó, số hiện vật ngày một tăng lên. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh đã có 21.371 hiện vật từ các thời kỳ: tiền sơ sử, phong kiến, cách mạng, giải phóng dân tộc....

Vốn hiện vật của tỉnh tuy ngày một phong phú, ý nghĩa như vậy nhưng kết cục vẫn về “kho” như thuở khai sinh ban đầu. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ quan trọng là dịp để những cổ vật được “khoe mình” nhưng lại phải “rồng rắn” ra Trung tâm Hội nghị tỉnh hay về các huyện lỵ xa xôi. Những cuộc “hành quân” của cổ vật vốn đã khó khăn như mang “trứng” nay lại càng mong manh.
 
Hứa hẹn tương lai tươi sáng

Ngày 2 tháng 9 vừa qua, công trình xây dựng Nhà Bảo tàng tỉnh chính thức được khởi công. Với diện tích hơn 6000 m2 tại trung tâm thành phố, tổng mức đầu tư trên 72 tỷ đồng hứa hẹn mang đến cho Yên Bái một bảo tàng khang trang, xứng tầm với những giá trị văn hoá vật thể cũng như phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh. “Được trải mình vào dòng chảy của lịch sử, trở về với những giá trị văn hoá truyền thống bằng hiện vật là niềm mong mỏi của người dân chúng tôi” - ông Phạm Đức Vượng, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái bộc bạch. Đó cũng là điều mong mỏi lớn lao của những người làm trong ngành.

Để chuẩn bị cho việc đón nhận một cơ sở mới bề thế hơn vào năm 2013, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh đã có kế hoạch bổ sung nhân lực, kết hợp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ. Nơi đây sẽ được mở cửa thường xuyên giúp nhân dân khắp mọi nơi, đặc biệt là nhân dân Yên Bái có thể đến tìm hiểu, tham quan, nghiên cứu những giá trị văn hoá không bị thời gian bào mòn. Cũng là một nét đổi thay mới cho một thành phố Yên Bái đang trên đà phát triển.

Nguyễn Tươi

Các tin khác

YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 2.000 cựu thanh niên xung phong (TNXP) đang sinh sống ở 7/9 huyện thị, thành phố. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Hội Cựu TNXP tỉnh đã vận động 1.200 cựu TNXP trên địa bàn tham gia tổ chức Hội.

Chợ quê Thác Bà.

YBĐT - Một nét mới và trở thành phong tục đáng ghi nhận ở Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) đó là tất cả các thôn trong xã khi có người qua đời, các hộ trong thôn đều tự nguyện ủng hộ từ 5-10 ngàn đồng hay một vài kg gạo vào quỹ hiếu của thôn để trực tiếp giúp đỡ gia đình có người qua đời.

YBĐT - Vừa qua, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Yên Bái đã chính thức đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của Sở vào hoạt động, trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của ngành. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được đặt tại số 82, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Những năm gần đây, hoạt động chiếu phim lưu động của tỉnh Yên Bái đã có nhiều đổi mới như chiếu phim ngoài trời nơi công cộng và nơi tập trung đông dân cư. Trung bình mỗi năm, các đội chiếu bóng lưu động của tỉnh đã thực hiện 1.500 buổi chiếu, chủ yếu tại các xã vùng lõm sóng truyền hình, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục