Buồn vui nghề xe ôm
- Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở thị tứ, thị trấn, thành phố, bất cứ đâu cũng thấy xe ôm. Nhìn bề ngoài người hành nghề xe ôm có vẻ nhàn hạ vì họ không phải chân lấm tay bùn, làm việc không theo giờ giấc bắt buộc nhưng thực ra nghề này không ít thăng trầm, thậm chí cả hiểm nguy.
Thăng trầm xe ôm
Tôi hay đi tầu xe nên mỗi lần lên xuống tầu xe tôi cũng thường xuyên đi xe ôm và gặp nhiều tài xế xe ôm khác nhau. Để hiểu hơn về cái nghề của họ, nhiều ngày liền tôi lang thang bắt chuyện cùng các bác tài "xe ôm" những lúc họ rảnh rỗi. Ấn tượng đầu tiên với tôi là ai cũng có nước da giống nhau - da đen bóng, quần áo bết mồ hôi trộn lẫn mùi xăng xe ngai ngái. Khi tôi nói một câu nửa đùa nửa thật: "Nghề xe ôm rong ruổi mà vẫn hái ra tiền".
Ông Nông Văn Công - một tài xế xe ôm nói: "Đúng! Nhưng đó là câu chuyện của những ngày xe ôm là dịch vụ thuận tiện nhất". Rồi với vẻ mặt hóm hỉnh, Ông Công triết lý: "Nếu ngày trước "xe ôm" luôn được coi là "tuổi teen" trong việc đi lại của khách thì nay tuổi đó đã bị mất giá rồi".
Ông Công kể: "Năm 1997, tôi bắt đầu hành nghề xe ôm. Vốn làm ăn là chiếc xe Dream. Hồi đó, do ít xe nên tôi chạy khoảng từ 25 đến 30 lượt khách một ngày. Chỉ cần mình tôi làm mà nuôi sống cả gia đình 6 miệng ăn. Thậm chí, có khi còn vớ được cả khách liên tỉnh, liên huyện với giá hời. Còn bây giờ, hai ba ngày liền mà không có lấy một khách đi xe. Theo nghề hơn 10 năm, tuổi cũng đã ngoài 50, biết là vất vả nhưng chẳng muốn chuyển nghề khác vì trong tay không có một nghề nào cơ bản".
Cạnh chiếc xe ông Công, ngồi vắt vẻo trên chiếc xe Wave, hóng chuyện của tôi với ông Công là ông Hoàng Văn Chúng ở xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) cho biết thêm: "Nghề này thăng trầm lắm chị ơi! Gặp khách tử tế không sao chứ gặp khách khó tính chỉ muốn bỏ nghề ngay lập tức. Bây giờ, khách họ sành lắm cộng với dịch vụ đi lại ngày càng nhiều và hiện đại nên nếu đi xa thì gọi tắc-xi vừa thoải mái, giá cả lại hợp lý. Không những thế, khi nào các hãng tắc-xi có chương trình khuyến mãi là chúng tôi chỉ còn nước ngồi ngáp".
Nghề nguy hiểm
Không chỉ bây giờ mà ngay từ ngày có nghề xe ôm thì xã hội đã đưa vào danh sách những nghề nguy hiểm. Bởi nguy cơ luôn rình rập trên đường, như tai nạn giao thông hay những vụ giết người cướp của. Cũng bởi mưu sinh nên nhiều người đành chọn nghề xe ôm, khách hàng luôn được coi là thượng đế. Do vậy, cả ngày ngồi phơi nắng, trúng mưa ướt như chuột lụt khi có khách hỏi đi xe là thấy mừng rồi. Và đây cũng chính là thời cơ các đối tượng xấu thường lợi dụng để thực hiện ý đồ.
Người nào ở vào hoàn cảnh nguy hiểm thì may mắn lắm chỉ bị đánh ngất hoặc vào viện, còn không may thì vừa bị cướp xe vừa mất mạng.
Hầu hết các tài xế xe ôm đều nói: không phải hám tiền nhưng vì mưu sinh, cứ có khách, có tiền là chở. Vả lại có phải ai cũng có sẵn biệt tài "nhìn mặt mà bắt hình dong" đâu mà tránh. Nhiều người ăn mặc lịch sự, nói năng nhẹ nhàng, giá cả không thành vấn đề, ấy thế mà lại là "sát thủ".
Ông Nông Văn Công, tâm sự: "Hơn 10 năm trong nghề mà vẫn bị lừa như thường. Mấy lần bị lừa chủ yếu là chở khách đi xa, các đối tượng lừa bằng cách giả vờ vào nhà lấy tiền hay đi vệ sinh rồi mất hút luôn. Có lần gặp đối tượng nghiện bị quỵt tiền trắng trợn, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Thậm chí, có bác tài còn bị một phụ nữ khá trẻ đẹp lừa chở đi xã này xã kia. Đến nơi, người phụ nữ để lại chiếc ba lô nhờ trông hộ để tìm người nhà lấy tiền. Khi đi còn dặn đi dặn lại trong đó toàn những thứ quan trọng. Sau hơn một tiếng ngồi chờ mới biết mình bị lừa. Mở chiếc ba lô ra chỉ toàn mấy tờ báo vớ vẩn cùng vài thứ đồ lót của phụ nữ...
Cũng như ông Công, anh Nguyễn Viết Hùng (Lục Yên) cũng bị vài lần lừa và quỵt tiền đi xe. Anh kể: "Vào một hôm chở khách đường xa, khi quay về trời đã tối lại gặp mưa to, gió lớn nên cả người và xe bị rơi xuống vực, sọ não không bị ảnh hưởng gì nhưng bị gãy xương và chiếc xe hỏng nặng, may mà gặp mấy người đi qua đưa vào viện. Sau vụ tai nạn đó, tôi phải mất vài tháng mới hoàn trả lại được số tiền vay mượn để mua thuốc men và sửa xe". Chuyện của ông Công, anh Hùng còn may mắn hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp phải bỏ cả tính mạng khi trở thành nạn nhân của những vụ giết người cướp xe xảy ra trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay.
Nghề "xe ôm" cũng là một nghề chân chính như bao nghề khác, bởi vậy họ cũng cần có tổ chức nghiệp đoàn để được bảo vệ, sẻ chia. Trên đường về, tôi vẫn không quên đôi mắt tinh, đôi tai thính của ông Công, hình ảnh anh Hùng, ông Chúng nghênh ngóng chờ cái vẫy tay hay tiếng gọi của "thượng đế". Tôi cũng nhớ như in nụ cười gượng gạo của anh Hà Văn Quảng, sinh năm 1972, khi được ưu tiên cho một chuyến chở khách khoảng 8 cây số, bởi anh là người mới bước vào nghề. Cử chỉ đó đã khiến tôi nhận ra một điều là họ làm nghề này không chỉ vì mưu sinh mà còn vì tình người giữa cánh xe ôm lâu năm dành cho "chiến sĩ" mới vào nghề.
N.M
Các tin khác
YBĐT - Thấy được lợi ích từ cây măng Bát Độ, năm 2006 Chi hội Nông dân thôn Khe Rộng đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng để đầu tư cho 1ha măng Bát Độ và lấy rừng măng làm nơi tập hợp lao động sản xuất tập thể và khi cho thu hoạch sẽ lấy tiền làm quỹ hội.
YBĐT - Là tỉnh miền núi có nhiều vùng trọng điểm có nguy cơ mắc và phát dịch sốt rét, nhưng 15 năm qua trên địa bàn tỉnh đã không có dịch sốt rét xảy ra, tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét hàng năm đã giảm và liên tục trong 14 năm liền không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Đó là kết quả đáng ghi nhận của cán bộ, y bác sĩ Trung tâm phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng (PCSR-KST-CT) tỉnh trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
YBĐT - So với các xã vùng 3 thuộc vùng Đông hồ Thác Bà thì xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên địa bàn xã tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích, chết đuối vẫn xảy ra (mỗi năm Phúc An xảy ra từ 2 - 3 vụ trẻ em chết đuối). Nghiêm trọng hơn đầu tháng 5/2009, trên địa bàn xã xảy ra vụ việc một bé gái 13 tuổi ở thôn Đồng Tý bị xâm hại tình dục.
YBĐT - Năm 2008, xã Gia Hội huyện Văn Chấn (Yên Bái) được công nhận Chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX). Trước những khó khăn của một xã thượng huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí thấp, tập quán lạc hậu. Làm thế nào để duy trì CQGVYTX vẫn đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng ở địa phương.