Bão số 9 tàn phá miền Trung

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2009 | 12:00:00 AM

Theo dự báo chiều tối nay (29.9), bão số 9 (Ketsana) sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung. Tuy nhiên, từ sáng sớm nay, mưa lớn cùng với gió mạnh (có nơi giật tới cấp 14 - 15) bắt đầu tàn phá một số tỉnh khu vực miền Trung. Khu vực này đã bị mất điện hoàn toàn.

Thừa Thiên - Huế: 2 người chết, 3 người bị thương, 300 ngôi nhà tốc mái, 20 nhà bị sập

Từ sáng sớm29.9, tại Thừa Thiên - Huế gió đã bắt đầu mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 10, mực nước trên các sông Ô Lâu, sông Hương, sông Bồ lên nhanh vượt báo động 3 gây ngập lụt và chia cắt nhiều nơi trên toàn tỉnh.

Khuya ngày 28.9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác Chính phủ đã có mặt tại Thừa Thiên - Huế và đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phòng chống bão lũ của địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cố gắng hết sức để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế kịp thời thông báo về các địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ai không có việc khẩn cấp thì không nên ra đường trong thời điểm này.

Sau cuộc làm việc chớp nhoáng sáng nay, theo kế hoạch Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ sẽ đi kiểm tra tình hình bão, lũ ở khu vực bờ biển của huyện Phú Vang. Thế nhưng đến 8 giờ, tất cả các tuyến đường quốc lộ 49B Huế đi Thuận An và các tuyến tỉnh lộ đều bị chia cắt, do nước lũ dâng cao kèm thêm gió giật trên cấp 12 khiến đoàn công tác phải đổi kế hoạch thẳng xuống Phú Lộc để tiếp tục vào Đà Nẵng.

Tại thành phố Huế, nhiều tuyến đường trong thành phố và các khu dân cư vùng thấp trũng ở nội thành, các phường Phú Bình, Phú Hiệp, Xuân Phú... đã ngập từ 0,5 - 0,8m; có nơi ngập sâu hơn 1m. Lũ làm chia cắt giao thông, người dân phải đi lại bằng thuyền. Hàng trăm cây xanh tại thành phố Huế đã ngã gãy. Thống kê đến 10 giờ sáng nay đã có 14 ngôi nhà ở xã Phong Bình (huyện Phong Điền) tốc mái.

 

 Đường phố ngập trong nước

Tại các huyện, các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ nhiều nơi bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, gây chia cắt giao thông và cô lập các khu dân cư. Đặc biệt QL49A nối từ thành phố Huế về các xã ven biển thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, thủy triều đã tràn dâng cao gần 1m, gây sạt lở và đe dọa nhiều khu dân cư sống ve biển.

Từ thị trấn Thuận An, lúc 10 giờ, ông Phan Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho biết dọc tuyến biển, gió đã mạnh lên trên cấp 11, giật trên cấp 12 làm cây cối gãy ngã. Thống kê ban đầu tại Thừa Thiên - Huế đã có 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương trong khi nỗ lực chèn chống nhà cửa, 13 nhà sập, 57 nhà và 6 phòng học tốc mái, 136 nhà ngập... Toàn huyện đã tổ chức di dời hơn 3.300 hộ với hơn 14 ngàn khẩu đến nơi an toàn.

Gió mạnh đã làm nhiều ngôi nhà ở các huyện bị tốc mái
Gió mạnh đã làm nhiều ngôi nhà ở các huyện bị tốc mái

Các lực lượng phòng chống bão vẫn đang túc trực 100% để giúp dân chống bão. Điều nguy hiểm là trong khi gió vẫn đang mạnh lên từng giờ thì nước lũ cũng đang dâng cao, gây ngập lụt nhiều địa bàn dân cư, chia cắt giao thông, hệ thống thông tin liên lạc nhiều nơi đã bị mất tín hiệu, công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với bão chỉ còn thông qua điện thoại di động... rất khó khăn cho công tác cứu hộ của các lực lượng cơ động.

Ông Cái Vĩnh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, nhiều đoạn QL1A qua huyện Phú Lộc, nhiều tỉnh lộ... nước đã ngập sâu hơn 1m, gây chia cắt và cô lập hoàn toàn các xã Vinh Hiền, Vinh Giang, Vinh Thái... Huyện vẫn đang tích cực di dời thêm 3.200 hộ với hơn 14 ngàn khẩu đến nơi an toàn.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh đã điều động hơn 700 chiến sĩ cơ động cùng hàng chục ca-nô, xuồng cao tốc, xe lội nước... tỏa về các địa phương phối hợp với lực lượng tại chỗ chống bão. Ngay trong chiều tối qua, 28.9, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã hợp đồng với Tư lệnh và Sư đoàn 372 điều động một phi đội bay túc trực tại sân bay Phú Bài để sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong tình huống xấu đối với các địa bàn bị chia cắt giao thông.

 

Mực nước các sông ở Thừa Thiên - Huế dâng cao khiến hầu hết các khu vực ở TP Huế ngập chìm trong nước lũ

Đà Lạt: Một cô giáo thiệt mạng và 4 học sinh bị thương

Sáng sớm nay, toàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) dường như nằm trong báo động đỏ khi hàng loạt cây thông ở các tuyến đường ngã đè chết người, hư hại tài sản. Nhóm PV Thanh Niên Online đã có mặt tại những “điểm nóng” bị thiệt hại nặng nề nhất do bão số 9 gây ra.

Lúc 7 giờ 10, trên đường Trần Hưng Đạo, phường 10, Đà Lạt (Lâm Đồng) một cây thông cổ thụ trong khu biệt thự có đường kính khoảng 0,9m cao gần 30m đã bật gốc ngã ra đường. Cây thông đã đè lên xe máy biển số 49V2-0149 do cô Phùng Thị Thanh (SN 1978), giáo viên trường THPT Trần Phú Đà Lạt điều khiển, chở con gái là Vũ Quỳnh Anh (học lớp 1 trường Lê Quí Đôn, Đà Lạt) đến trường. Hậu quả cô Thanh chết tại chỗ, cháu Quỳnh Anh bị thương nhẹ. Theo sau xe cô Thanh có 3 học sinh lớp 10, trường THPT Trần Phú gồm: Trịnh Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Huyền và một học sinh tên Thư đi trên 2 xe đạp điện cũng bị thương.

Khi cơ quan chức năng đưa thi thể cô Phùng Thị Thanh về nhà ở đường Lữ Gia thì bất ngờ một cây bách tùng cổ thụ ở số 2 Lữ Gia lại bật gốc, ngã chắn hết đường đi. Vợ chồng anh Thủy (ngụ Lữ Gia) bị cây tùng đè nhưng chỉ bị thương nhẹ. Cây thông này ngã đúng vào quán phở Xuân, nhưng rất may sáng nay quán này nghỉ bán nên không có thiệt hại về người.

 Hiện trường vụ ngã thông làm cô giáo Thanh thiệt mạng
Hiện trường vụ ngã cây thông làm cô giáo Thanh thiệt mạng

 Cùng thời điểm, một cây thông có chiều cao hơn 30m trong khuôn viên nhà số 2 Hoàng Hoa Thám (P10, Đà Lạt) cũng bị gãy đổ đè lên ngôi nhà bằng gỗ gần đó. Tại khách sạn Sofitel Dalat Palace một cây cổ thụ cao khoảng 30m cũng bị bật gốc, một nhánh cây đã đè bẹp chiếc xe con hiệu Toyota Crown biển số 49LD-0009 đang đậu trong sân.

Theo ông Trần Tưởng, Phó chủ tịch UBND Đà Lạt, Trưởng ban Phòng chống lụt bão cứu hộ cứu nạn TP Đà Lạt, rạng sáng ngày 29.9, khi có gió mạnh hàng loạt cây thông bị ngã đổ tại nhiều địa điểm như: đường Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng, khuôn viên ĐH Đà Lạt, ĐH Yersin…

Ngay khi sự cố cây đè chết người xảy ra, ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục ngay sự cố, giải tỏa ách tắc giao thông. Ông Huỳnh Đức Hòa cho PV Thanh Niên Online biết: “Đây là rủi ro ngoài ý muốn, không lường trước được vì cây thông bị rỗng ruột. UBND tỉnh vừa có công điện khẩn, chỉ đạo UBND TP Đà Lạt và các huyện, thị trong tỉnh rà soát ngay những cây thông, cây xanh có nguy cơ ngã đổ và tiến hành chặt hạ ngay (không cần xin phép), để phòng tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra như trường hợp cô Thanh sáng nay”.

Bà Nguyễn Thị Anh Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết: “Tai nạn xảy ra với cô Thanh thật đáng tiếc. Sở đã chỉ đạo Ban giám hiệu các trường Trần Phú, Lê Quý Đôn đến giúp gia đình cô Thanh trong lúc gặp họan nạn”. Bà Phương cho biết thêm, lúc 6 giờ sáng, Sở GD-ĐT đã có công điện khẩn gửi đến UBND các huyện, thị xã và thành phố cùng các phòng giáo dục trong tỉnh đề nghị tùy tình hình ảnh hưởng thực tế do cơn bão số 9, các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học cho đến khi cơn bão không còn nguy hiểm, nhưng do các trường chưa kịp thông báo đến các gia đình và học sinh, nên sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Một cây bách tùng ở số 2 Lữ Gia bật góc, rất may 2 vợ chồng anh Thủy bị thương nhẹ

Một cây thông khác ở số 2 Hòang Hoa Thám ngã đè nhà dân
Một cây thông khác ở số 2 Hoàng Hoa Thám ngã đè nhà dân

Kon Tum: 2 người chết, 1 người mất tích

Sáng 29.9, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có gió giật mạnh, khiến hàng trăm hecta cao su, cà phê bị gãy đổ gây thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng.

Tại làng Mố Bành (xã Đắk Na, H.Tu Mơ Rông), lở đất sập nhà khiến 2 người thiệt mạng, hiện nay 1 người vẫn đang mất tích. Cầu Đắk Trăm bị sập hoàn toàn khiến giao thông đến trung tâm huyện Tu Mơ Rông bị chia cắt. Cây cầu sắt tại xã Đăk Rơ Ông dài 43m bị cuốn trôi. Đường vào xã Ngọk Yêu sạt lở nặng, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Tại xã Ya Xiar (H.Sa Thầy), có 12 ngôi nhà của dân bị gió bão đánh sập, tốc mái.

Huyện Đắk Hà có 9 hộ dân ở xã Đắk Pxi bị nước lũ nhấn chìm, hiện mới di dời được 4 hộ đến nơi an toàn. Trung tâm xã Đắk Pxi bị cô lập hoàn toàn trong 2 ngày qua do con đường độc đạo đến xã bị chia cắt bởi cầu Đăk Vét nước ngập sâu trên 4m.

Riêng tại huyện Kon PLông đến 10 giờ sáng 29.9, vẫn chưa thống kê được thiệt hại do thông tin liên lạc đã bị cắt đứt. Tuy nhiên, thiệt hại tại huyện đông Trường Sơn này được cho là rất nặng nề.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Kon Tum cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn tỉnh lượng mưa nơi cao nhất là huyện Đắk Glei lên đến 263mm. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh khiến mực nước sông lên rất nhanh. Trên sông Đắk Bla, mực nước dâng lên ở cao độ 52,032cm, trên sông Đắk Tờ Kan cao độ 57,835cm, trên báo động 2 là 50cm.

Tại TP Kon Tum, một số tuyến đường bị sạt lở nặng, như đường Dã Tượng, đoạn cầu Đắk Cấm thuộc quốc lộ 24. UBND phường Duy Tân (TP Kon Tum) đã phải di dời khẩn cấp 10 hộ gia đình ra khỏi vùng sạt lở phía bắc đường Dã Tượng, hiện nơi này vẫn tiếp tục sạt lở do địa chất không ổn định.

Quảng Ngãi:  1 người chết, 1 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái

Từ rạng sáng đến trưa nay 29.9, tại Quảng Ngãi có mưa lớn kèm gió cực mạnh. TP Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác bị cúp điện kéo dài, nhiều hoạt động tê liệt.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã hoãn tất cả các cuộc họp, thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp về các địa bàn xung yếu hỗ trợ dân phòng chống bão số 9. Gió mạnh khiến các phương tiện thô sơ không thể di chuyển trên đường. Phương tiện ôtô cũng rất khó khăn mới có thể di chuyển trong lúc gió quá mạnh.

Trên đường phố ở TP Quảng Ngãi và các huyện ven biển, hàng trăm cây cối bị ngã đổ. Do có quá nhiều nhà dân bị tốc mái, tôn và nhiều vật dụng khác bị cuốn trong gió bay trên các đường phố, gây nguy hiểm đến tính mạng nên UBND tỉnh cấm người dân đi ra đường.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đang huy động lực lượng di dời khẩn cấp hơn 10.000 người dân vùng ven biển, có nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn tránh trú bão.

Tại huyện đảo Lý Sơn, gió mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15. Đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái. Hiện thông tin liên lạc từ huyện đảo này vào đất liền bị cắt đứt hoàn toàn. Rất nhiều tàu thuyền bị nạn, vì không di chuyển được đến nơi an toàn.

Theo thống kê sơ bộ, Quảng Ngãi đã có 1.000 ngôi nhà bị sập đổ, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái; hàng loạt công trình bị hư hỏng; 1 người chết, 1 mất tích; 3 tàu cá bị chìm, tàu Long Hải tải trọng 1.500 tấn bị chìm tại khu vực biển Dung Quất; quốc lộ 24B bị ách tắc.

Trưa 29.9, UBND tỉnh Quảng Ngãi huy động 2 xe lội nước chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho hơn 3.000 người dân đang trú bão tại trường Cao đẳng Nghề Dung Quất (H.Bình Sơn).

Bình Định: 4 người chết, 1 người mất tích, 39 tàu bị chìm

Sáng 29.9, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định được nghỉ học để tránh bão số 9. Trên địa bàn TP Quy Nhơn, các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn… gió mạnh làm hư hỏng nhiều công trình điện, điện thoại, rất nhiều cây cối bị ngã đổ.

 

Cây cối ngã đổ ở Bình Định

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bình Định, đến 11 giờ trưa 29.9, trên địa bàn toàn tỉnh có 39 tàu cá bị chìm, 4 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương, 97 nhà bị sập, tốc mái, 2.570 ha hoa màu bị ngập úng…

(Theo TNO)

Các tin khác
Thi đẩy gậy tại Đại hội TDTT phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) lần thứ III - 2009.

YBĐT - Đã gần 10 năm trôi qua, kể từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai từ Trung ương đến địa phương, đối với thành phố Yên Bái, phong trào đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, phối hợp nghiêm túc của cấp uỷ, chính quyền các cơ sở và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

YBĐT - Ở thị tứ, thị trấn, thành phố, bất cứ đâu cũng thấy xe ôm. Nhìn bề ngoài người hành nghề xe ôm có vẻ nhàn hạ vì họ không phải chân lấm tay bùn, làm việc không theo giờ giấc bắt buộc nhưng thực ra nghề này không ít thăng trầm, thậm chí cả hiểm nguy.

YBĐT - Thấy được lợi ích từ cây măng Bát Độ, năm 2006 Chi hội Nông dân thôn Khe Rộng đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng để đầu tư cho 1ha măng Bát Độ và lấy rừng măng làm nơi tập hợp lao động sản xuất tập thể và khi cho thu hoạch sẽ lấy tiền làm quỹ hội.

YBĐT - Là tỉnh miền núi có nhiều vùng trọng điểm có nguy cơ mắc và phát dịch sốt rét, nhưng 15 năm qua trên địa bàn tỉnh đã không có dịch sốt rét xảy ra, tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét hàng năm đã giảm và liên tục trong 14 năm liền không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Đó là kết quả đáng ghi nhận của cán bộ, y bác sĩ Trung tâm phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng (PCSR-KST-CT) tỉnh trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục