Gần 30 người chết trong bão, huy động trực thăng cứu hộ
- Cập nhật: Thứ tư, 30/9/2009 | 12:00:00 AM
Chiều tối 29/9, miền Trung đã có gần 30 người chết, hàng nghìn hộ dân bị cô lập trong mưa bão. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Quân khu 5 điều máy bay trực thăng, xuồng cao su khẩn cấp cứu hộ dân bị mắc kẹt.
Mưa bão tại Đà Nẵng.
|
Những tỉnh có nhiều người chết là Kon Tum 9 người, Quảng Nam 5 người, Bình Định 4 người, Đà Nẵng 3 người... Hiện mưa rất to tại các huyện nam Quảng Nam và bắc Quảng Ngãi - vị trí cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền trưa 29/9. Mưa lớn đã làm mực nước các sông từ Quảng Bình đến Bình Định đều trên báo động 3.
14h30 ngày 29/9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao ban cơ động Ban chỉ huy tiền phương phòng chống bão lũ tại Đà Nẵng, yêu cầu khẩn trương tìm giải pháp cứu hộ một số điểm dân cư đang bị bão lũ chia cắt. Phó thủ tướng chỉ đạo Quân khu 5 điều máy bay trực thăng, xe thiết giáp, xuồng cao su để cứu hộ.
Hiện thôn Thanh An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn Quảng Ngãi đang có 500 hộ bị lũ sông Trà Bồng chia cắt đang kêu cứu. Bên cạnh đó, 100 hộ ở cù lao Mỹ Tâm, Bình Chánh, huyện Bình Sơn đề nghị cứu hộ khẩn vì nước lũ bao vây đang ngày một cao, gió giật mạnh.
Các phương tiện cứu hộ, quân đội đang được huy động tối đa, kể cả lực lượng không quân, cố gắng có giải pháp tiếp cận người bị nạn trước khi trời tối.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, sau mưa bão, có 3 người chết, 3 người mất tích và 14 người bị thương. 67 căn nhà sập hoàn toàn, hơn 5.000 nhà, trường học bị tốc mái. 15 trụ sở văn phòng hành chính hư hỏng nặng.
Đến chiều 29/9, Bình Định có 4 người chết (do nhà sập), 3 ngư dân mất tích do chìm tàu và 12 người bị thương. Hơn 100 ngôi nhà sập hoàn toàn và hơn 2.000 nhà bị hư hỏng nhẹ. 42 tàu thuyền bị chìm. Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 67 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, đã có 5 người chết, khoảng 150.000 nhà tốc mái, 20.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước và hơn 5.000 nhà sập hoàn toàn.
Cây cối bật gốc ở khắp mọi nơi. |
Đến 15h, hoàn lưu cuối của cơn bão vẫn còn quét khắp miền Trung, gió mưa bao phủ khắp nơi. Điện đã được khôi phục tại một số vùng nhưng chập chờn, mất liên tục. Ngoài đường tôn vẫn còn bị gió thổi bay vèo vèo, theo mô tả của ông Trương Ngọc Nhi, Trưởng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi. Ở một số nơi, người dân nóng ruột nháo nhào lao ra mưa gió dữ dội để dọn dẹp thiệt hại do bão gây ra.
Để tránh nguy cơ bị tôn bay chém phải, Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi đã ra lệnh giới nghiêm toàn bộ dân trong nhà, cấm ra đường trừ trường hợp cấp thiết để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tiến hành di dời dân khẩn cấp về nơi an toàn.
Toàn bộ hệ thống điện thoại của tỉnh bị tê liệt, giao thông đứt đoạn do hàng loạt cây cối ngã đổ chưa thể thu dọn ngay lúc này, 6 trụ sở cơ quan hành chính chỉ còn lại đống đá vụn.
Tại Quảng Nam, đầu giờ chiều nay gió vẫn còn mạnh cấp 9, mưa rất to trên diện rộng. Nhiều cây cối ngã đổ, gây ách tắc giao thông, một số địa phương bị ngập sâu. Mực nước sông các huyện phía bắc của tỉnh dâng cao, khiến hàng loạt ngôi nhà sập, cuốn trôi nhiều tài sản người dân.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Thu đang có mặt ở địa bàn hỗ trợ công tác chống bão trong tiếng mưa dông ầm ầm, sốt ruột: "Người dân đang thét gào kêu cứu. Bộ đội được huy động tối đa ứng cứu dân". Vọng từ điện thoại của ông Thu đến tai phóng viên VnExpress.net là tiếng hét, gọi nhau của nhiều người lẫn vào mưa gió.
Theo tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh đã có 3 người thiệt mạng. Quảng Nam đang tập trung lực lượng sơ tán trên 70.000 dân ở những vùng nguy hiểm thuộc các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ đến nơi an toàn.
Trạm xe buýt ngã nhào trước sức ảnh hưởng của bão. |
Việc vận chuyển lương thực cũng được tiến hành khẩn trương. Theo đó, tỉnh Quảng Nam tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác đủ dùng trong 7 ngày, đề phòng lụt bão kéo dài và bị cô lập, nhất là ở các huyện miền núi và đồng bằng ven biển.
Trưa 29/9, cửa biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) nước đã dâng cao, ngập hết các khu dân cư ven biển. Còn trong khu phố cổ, nước dâng lên mức báo động 3, nhấm chìm hầu hết đường phố.
Trưa 29/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc điện thoại trực tiếp với Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, để động viên nhân dân Quảng Nam bình tĩnh ứng phó với bão số 9. Trung ương sẽ theo dõi sát tình hình bão tại đây và tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống.
Theo ghi nhận của các đài khí tượng thủy văn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, hiện lũ trên các sông đang lên nhanh, nhiều vùng hạ lưu đã đạt đỉnh. Dự báo, với sự kết hợp giữa mưa - gió - lũ của “siêu bão” cấp 15 này thì khả năng nhiều khu vực sẽ bị cô lập, cuộc sống của người dân sẽ vô cùng khó khăn trong những ngày sắp tới.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Ngày 29-9, Việt Nam đã ghi nhận thêm 248 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 và 1 ca tử vong mới, nâng số người tử vong do cúm A/H1N1 lên 15 trường hợp.
Trước tình hình triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) còn nhiều khó khăn, ngày 28-9, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu Bộ Y tế tổ chức các đoàn công tác đi một số tỉnh, bệnh viện kiểm tra, hướng dẫn các bệnh viện tổ chức tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh và thu phần chi phí cùng chi trả của người bệnh bảo đảm thuận tiện, giảm phiền hà cho người bệnh khám chữa bệnh bằng BHYT; báo cáo kịp thời các vướng mắc vượt thẩm quyền, đồng thời đề xuất với Thủ tướng các biện pháp cần thiết để giải quyết.
YBĐT - Ngày 29/9, Ban chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tuyên dương làng, bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Yên Bái lần thứ nhất, giai đoạn 2000 - 2009.
Theo dự báo chiều tối nay (29.9), bão số 9 (Ketsana) sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung. Tuy nhiên, từ sáng sớm nay, mưa lớn cùng với gió mạnh (có nơi giật tới cấp 14 - 15) bắt đầu tàn phá một số tỉnh khu vực miền Trung. Khu vực này đã bị mất điện hoàn toàn.