Nơi sự sống hồi sinh
- Cập nhật: Thứ tư, 30/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm thu mình giữa đảo hồ Thác Bà mênh mông, yên tĩnh là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH)tỉnh Yên Bái, nhưng ẩn vào trong vị trí “khiêm nhường” đó lại là những cuộc chiến cam go của những con người lỡ bước, đang “vật lộn” để chiến thắng ma túy.
Học viên khu A lao động phục hồi chức năng.
|
Được thành lập năm 1992 với tên gọi Trung tâm Cai nghiện và Lao động, sau 16 năm hoạt động, năm 2008 đơn vị được đổi tên thành Trung tâm CB-GD-LĐXH, thuộc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái). Trung tâm gồm ba khu, trong đó, khu A là nơi tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn; khu B và khu C là nơi tổ chức hoạt động trị liệu phục hồi như: giáo dục, lao động, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hoà nhập cộng đồng.
Ngoài khu C nằm ở xã Mông Sơn, còn lại hai khu A và B nằm giữa đảo hồ Thác Bà - thị trấn Yên Bình. Hiện tại, hai khu này đã thu nhận trên 200 học viên, trong tổng số 450 học viên của Trung tâm, gồm cả hai đối tượng cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Hàng năm, Trung tâm vẫn đón thêm nhiều học viên mới. Số này sẽ được phân loại đối tượng để từng bước cắt cơn nghiện, phục hồi chức năng và tạo cơ hội hoà nhập cộng đồng.
Khai thác tốt điều kiện về đất đai, học viên nơi đây đã chăn nuôi được 300 con gà và vịt, gần 60 con bò, dê và lợn phục vụ cho cải thiện bữa ăn hàng ngày, đó cũng là cách tạo công ăn việc làm, góp phần giúp học viên phục hồi chức năng lao động, nâng cao tinh thần, ý chí, vượt khỏi ma tuý. “Trung tâm đã tạo điều kiện giúp đời sống tinh thần của anh em luôn phong phú, các cuộc sinh hoạt văn hoá tập thể thường xuyên được tổ chức, mọi người được cung cấp thông tin xã hội đầy đủ. Đó là bước đầu tiên để mỗi học viên tái hoà nhập cộng đồng” - học viên Phạm Anh Ngọc (36 tuổi), có tám năm nghiện ma tuý, chia sẻ.
Vấn nạn ma tuý chưa có lời hẹn kết thúc trên địa bàn tỉnh Yên Bái, bởi thế nhiệm vụ của Trung tâm CB-GD-LĐXH có vai trò quan trọng, trong khi đó, Trung tâm đang gặp một số khó khăn nhất định về cơ sở vật chất. Một số thiết bị y tế chuyên dụng, thiết yếu phải có thì chưa có, như máy siêu âm, điện tâm đồ. Một số vật dụng tuy đã có nhưng lại hết niên hạn sử dụng từ lâu.
Ông Nguyễn Lâm Ngọc - Giám đốc Trung tâm tâm sự: “Vì khu A và B chỉ có đất trên đảo nên xe chuyên dụng phải để ở khu C, mỗi lần cần dùng tới là phải đi 40km đến khu C để lấy, hơn thế chiếc xe lại “trái tính”, có thể chết máy bất cứ lúc nào. Vậy nên, xe chuyên dụng không còn chuyên dụng nữa”. Cũng do khu A và B không có diện tích trên đất liền, nên việc cho học viên lao động gặp rất nhiều khó khăn, hơn nữa. Trung tâm phải tự lo hơn 50% chi tiêu. Hiện tại, các học viên phải đi làm thuê cho một số doanh nghiệp khác.
Nếu có ai đó nói rằng, đảo hồ Thác Bà là nơi sự sống được hồi sinh thì cũng là điều dễ hiểu, bởi mỗi học viên của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Yên Bái vẫn từng ngày chiến đấu quyết liệt với ma tuý, để một lần nữa giành lại cuộc đời mình.
Nguyễn Thu
Các tin khác
Bão số 9 cướp đi sinh mạng 38 người, mất tích 10 người, bị thương 81 người, cùng với hàng trăm nghìn nhà, công trình bị sập, trôi, tốc mái, hỏng...
YBĐT - Ma tuý là hiểm họa chung của toàn xã hội, nó len lỏi vào từng ngõ ngách, gõ cửa từng nhà. “Cấm cửa” tuyệt đối ma tuý là trách nhiệm không của riêng ai, đặc biệt là những người công tác trong các ban, ngành liên quan. Đó chính là lý do để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho ra đời cuộc thi “Tìm hiểu luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý về lĩnh vực cai nghiện phục hồi”. Yên Bái cũng đang triển khai thực hiện cuộc thi nhằm thu được kết quả cao nhất.
Chiều tối 29/9, miền Trung đã có gần 30 người chết, hàng nghìn hộ dân bị cô lập trong mưa bão. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Quân khu 5 điều máy bay trực thăng, xuồng cao su khẩn cấp cứu hộ dân bị mắc kẹt.
Ngày 29-9, Việt Nam đã ghi nhận thêm 248 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 và 1 ca tử vong mới, nâng số người tử vong do cúm A/H1N1 lên 15 trường hợp.