Phòng chống HIV/AIDS ở Trấn Yên: Chưa tìm được lối vào

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS đang thực sự nóng bỏng không chỉ ở riêng một quốc gia hay địa phương nào. Vậy mà dường như sự nóng bỏng ấy, cấp bách ấy vẫn chưa thực sự khiến những người làm công tác chuyên môn ở Trấn Yên (Yên Bái) nặng lòng.

Đồng đẳng viên Nguyễn Tr H thị trấn Cổ Phúc thu gom bơm kim tiêm bẩn.
Đồng đẳng viên Nguyễn Tr H thị trấn Cổ Phúc thu gom bơm kim tiêm bẩn.

Là địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS đứng thứ ba của tỉnh Yên Bái song công tác phòng chống HIV/AIDS ở đây dường như vẫn chưa tìm được lối vào.

Thực trạng

Phó giám đốc Trung tâm Y tế Trấn Yên - Đặng Anh Tuyến cung cấp cho tôi con số (đọc lấy từ bảng thống kê trên máy tính): đến hết tháng 7/2009 trên địa bàn toàn huyện có 237 người nhiễm HIV. Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đến hết tháng 5/2009 trên địa bàn huyện Trấn Yên có trên 250 người nhiễm HIV, 98 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 46 người đã tử vong. Rồi khi tìm hiểu về số phụ nữ nhiễm HIV/AIDS, về ca nhiễm bệnh đầu tiên trên địa bàn huyện... anh hết sức nhiệt tình tra tìm, đếm lẩm nhẩm 1, 2, 3... những con số đáng ra đã phải nằm lòng. 

Phần lớn con đường nhiễm HIV/AIDS ở Trấn Yên đều do mắc nghiện ma tuý. Độ tuổi trung bình của những người nhiễm H trên địa bàn là từ 25 - 35 tuổi và có xu hướng ngày càng trẻ hơn.  Hiện tại xã có số bệnh nhân nhiễm H nhiều nhất trong toàn huyện là xã Minh Quân với 46 người, tiếp đến là Y Can 41 người; Lương Thịnh 31 trường hợp, thị trấn Cổ Phúc 28 trường hợp nhiễm...

Toàn huyện mới có 22 trường hợp được sử dụng thuốc ARV, ngoài ra còn một số trường hợp điều trị thẳng ở tỉnh và Hà Nội. Con số này quả là quá ít ỏi so với thực tế số người cần điều trị ở Trấn Yên. Lấy ví dụ thị trấn Cổ Phúc là địa bàn dân trí cao song mới chỉ có 1 trường hợp điều trị ARV là anh Nguyễn Mạnh T. Được biết trước đó anh T đã điều trị tại Hà Nội, đến nay sau 2 năm điều trị, bệnh nhân này đã có tiến triển tốt, sức khoẻ ổn định. Khi tìm hiểu về nhu cầu điều trị ARV của các bệnh nhân có AIDS trên địa bàn, tôi đã không có được câu trả lời.

Đặt câu hỏi tại sao số bệnh nhân điều trị ARV ở huyện Trấn Yên lại thấp, phải chăng người bệnh mong muốn được điều trị nhưng gặp khó khăn về kinh tế, không làm được xét nghiệm CD4? Phó giám đốc Tuyến trả lời hết sức “hồn nhiên”: “Điều trị ARV đâu cần bắt buộc có xét nghiệm CD4!”. Chỉ số CD4 (kiểm tra tế bào) là điều kiện để xác định người bệnh đã cần dùng thuốc kháng virut ARV hay chưa, vậy mà một bác sĩ làm công tác phòng chống HIV/AIDS lại phát biểu như vậy thì quả là đáng ngại. Ông cũng cho biết người bệnh ít đến tư vấn tại Trung tâm mà chủ yếu là qua tuyên truyền ở các trạm y tế xã. Trung tâm không có phòng tư vấn HIV/AIDS, công tác truyền thông trực tiếp tới các đối tượng chưa được nhiều và gặp không ít khó khăn.

Năm 2009, Trấn Yên được Dự án phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đầu tư cho xã Y Can, Minh Quân và thị trấn Cổ Phúc. Mỗi xã trong Dự án đã thành lập một đội tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS gồm 2 cộng tác viên, 2 đồng đẳng viên và đã có 2 cộng tác viên tuyến huyện.

 Đồng đẳng viên Nguyễn Tr. H. đã ngoài 50 tuổi ở thị trấn Cổ Phúc cho biết, các đối tượng nghiện ma tuý giờ đã biết sợ, chính vì thế mà họ đến nhận bơm kim tiêm rất đều, ông cũng đảm nhận việc thu gom bơm kim tiêm bẩn trên địa bàn về tiêu huỷ. Sau khoảng 5 - 7 phút, ông đã nhặt được đến 35 - 40 chiếc bơm kim tiêm. Thấy ông H nhặt bơm kim tiêm bằng tay trần, tôi quay sang hỏi ông Tuyến: Phải dùng cặp gắp chứ sao lại dùng tay không ạ? Phó giám đốc nói rất thật: “Dự án đầu tư không có, có thì phát rồi chứ”.

Mặc dù có cả vai trò giám sát các cộng tác viên của huyện và thị trấn song điều này cũng chẳng thấy ai bận tâm. Thiết nghĩ là người làm công tác chuyên môn, đi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS mà lại để đồng đẳng viên thực hiện nhiệm vụ ấy bằng tay trần đã gần một năm trời cũng lại là một điều đáng buồn.

Nguyện vọng của người bệnh

Biết tôi cần gặp một vài bệnh nhân có H trên địa bàn huyện, Phó giám đốc Tuyến nhiệt tình điện thoại để cộng tác viên rồi cán bộ trạm y tế tuyến xã bố trí. Sau hai địa chỉ tìm gặp không thành, đến địa chỉ thứ ba thì chúng tôi đã may mắn gặp được đôi vợ chồng trẻ Đ.V.T sinh năm 1981 và vợ là N.T.L sinh năm 1984, cả hai cùng bị HIV/AIDS.

Nếu như tình cờ gặp, thật khó có thể biết vợ chồng L đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Hai vợ chồng có một cuộc sống khá đầy đủ, sự lạc quan thể hiện từ bình hoa tươi trên bàn đến cách chuyện trò cởi mở của họ. Cả hai vợ chồng hiện đang dùng thuốc điều trị theo dự án ở Hà Nội do các tổ chức nước ngoài thử nghiệm. Họ còn tham gia câu lạc bộ của những người nhiễm HIV/AIDS mà chị L làm nhóm trưởng. Ở đó anh chị được điều trị bệnh, được chia sẻ, được cảm thông từ những người cùng cảnh ngộ. L tâm sự: “Giờ thì vợ chồng mình không còn suy sụp nữa, tinh thần rất thoải mái”.

Từ tháng 1/2009 đến tháng 8/2009, các cộng tác viên, đồng đẳng viên 3 xã trong Dự án đã phát được gần 15 ngàn bao cao su và gần 19 ngàn bơm kim tiêm; tổ chức 46 buổi truyền thông trực tiếp cho 1.424 lượt người, ngoài ra còn thực hiện truyền thông gián tiếp qua loa truyền thanh xã và huyện.
 
Sau gần 5 năm điều trị, có sổ theo dõi sức khoẻ chặt chẽ của các nhà chuyên môn, sức khoẻ của hai vợ chồng L đều ổn định theo chiều hướng tốt. Hàng ngày, cả hai vẫn duy trì công việc làm ăn để có thu nhập ổn định, hàng tháng, theo định kỳ lại đi Hà Nội nhận thuốc, kiểm tra sức khoẻ, sinh hoạt nhóm... Theo anh chị, với người bị HIV/AIDS, ảnh hưởng quan trọng nhất là gia đình và vợ chồng L đã may mắn có được điều đó, khi hai bên gia đình nội ngoại đều lo lắng, chăm sóc và động viên.

Điều mà vợ chồng L luôn mong muốn là có một tổ chức, câu lạc bộ nào đó cho những người có HIV/AIDS trên địa bàn, để họ có thể cùng nhau chia sẻ, động viên nhau vượt qua những khó khăn. L kể, với kinh nghiệm là trưởng nhóm ở Hà Nội, các chị ở thành phố Yên Bái đã mời L tham gia câu lạc bộ đồng đẳng song L không nhận lời, bởi L vẫn ấp ủ được đóng góp điều gì đó trên chính quê hương mình.

Tôi hiểu đó là nguyện vọng và cũng là suy nghĩ rất trách nhiệm của một người bệnh như L. Tôi nhớ L đã nhắc đi nhắc lại với anh Hiệu - cán bộ Trung tâm Y tế huyện cùng đi rằng: “Nhờ các anh giúp cho khâu tổ chức, không quan trọng kinh phí đâu anh ạ!...”. L hứa khi có tổ chức, chị sẽ tự nguyện tham gia và sẽ là một thành viên tích cực.

Lời kết

Trên thực tế đâu là con số sát thực nhất về những người nhiễm HIV/AIDS  quả là rất khó với bất kỳ địa phương nào. Bởi, vẫn còn nhiều trường hợp có nguy cơ cao chưa làm xét nghiệm hoặc không dám đi làm xét nghiệm HIV/AIDS. HIV/AIDS có thể kiềm chế nếu có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cả cộng đồng, đặc biệt là của chính những người bệnh. Với Trấn Yên, khi nào giữa người làm công tác chuyên môn và người bệnh chưa gặp nhau thì lối vào cho công tác phòng chống HIV/AIDS hẳn sẽ chưa thông.

Thực tế, để chủ động trong cuộc chiến này trước hết phải bắt đầu từ những người làm công tác chuyên môn; làm sao thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt tuyên truyền trực tiếp tới đối tượng; vận động thuyết phục đối tượng có nguy cơ cao đi xét nghiệm; tư vấn, giúp đỡ để bệnh nhân AIDS được sử dụng thuốc ARV nhiều hơn nữa; chủ động xây dựng các tổ chức của chính những người có H giúp họ hoà nhập cộng đồng, dám công khai bệnh tật của mình để tiếp tục sống và sống có ích. Nếu được tuyên truyền tốt, chính họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên có tiếng nói thiết thực, hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ.

Nhóm PV nội chính

Các tin khác

Tính đến 17 giờ ngày 30/9, nước ta đã ghi 9.058 trường hợp dương tính, 16 trường hợp tử vong. Đến thời điểm này, số bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện là 7.206 người.

Học viên khu A lao động phục hồi chức năng.

YBĐT - Nằm thu mình giữa đảo hồ Thác Bà mênh mông, yên tĩnh là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH)tỉnh Yên Bái, nhưng ẩn vào trong vị trí “khiêm nhường” đó lại là những cuộc chiến cam go của những con người lỡ bước, đang “vật lộn” để chiến thắng ma túy.

Huế chìm trong mưa lũ

Bão số 9 cướp đi sinh mạng 38 người, mất tích 10 người, bị thương 81 người, cùng với hàng trăm nghìn nhà, công trình bị sập, trôi, tốc mái, hỏng...

Cán bộ huyện Trấn Yên trao đổi kế hoạch thực hiện cuộc thi

YBĐT - Ma tuý là hiểm họa chung của toàn xã hội, nó len lỏi vào từng ngõ ngách, gõ cửa từng nhà. “Cấm cửa” tuyệt đối ma tuý là trách nhiệm không của riêng ai, đặc biệt là những người công tác trong các ban, ngành liên quan. Đó chính là lý do để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho ra đời cuộc thi “Tìm hiểu luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý về lĩnh vực cai nghiện phục hồi”. Yên Bái cũng đang triển khai thực hiện cuộc thi nhằm thu được kết quả cao nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục