Chuyện về một gia đình hiếu học
- Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái), nhắc đến gia đình ông Nông Xuân Mùi người dân trong vùng không ai là không biết đó là một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông cũng như con, cháu trong gia đình luôn phát huy tốt những truyền thống quý báu đó. Người dân nơi đây biết đến gia đình ông cũng bởi đức tính cần cù, ham học hỏi cũng như những gì gia đình, dòng họ ông cống hiến cho quê hương. Tấm gương sáng trong việc giáo dục con cái mình học tập vươn lên trở thành những người thành đạt và có ích cho xã hội khiến mọi người đều nể phục.
Ông Nông Xuân Mùi luôn chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học tập cho con cháu.
|
Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, những năm tháng chiến tranh cam go, khốc liệt của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dù trong hoàn cảnh nào ông Mùi cũng luôn tâm niệm: “Văn hóa là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công”.
Trong ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát, ông Mùi kể: “Ông cụ thân sinh ra tôi đã gom góp từng đồng thuê thầy hương sư (tức giáo viên tiểu học bây giờ) về nhà để dạy chữ cho cả nhà. Sau khi thầy hương sư đi thì cả xã chẳng có lấy một thầy giáo dạy học, gia đình tôi tiếp tục vận động bà con lối xóm góp gạo để thuê thầy giáo nơi khác về mở lớp học giúp người dân biết đọc, biết viết.
Những năm 1949 - 1950, ông Mùi tham gia công tác giảng dạy ở các lớp bình dân học vụ của xã. Năm 1951, được Đảng và nhân dân tín nhiệm, ông đã tham gia công tác tại UBND xã Bảo Ái, đảm nhiệm nhiều chức vụ, từ cán bộ văn phòng, trưởng ban thiếu nhi, cán bộ thuế nông nghiệp, trường ban thống kê của xã, thư ký xã, rồi phó chủ nhiệm hợp tác xã, chủ nhiệm hợp tác xã...
Ông bảo: “Thời bấy giờ khó khăn lắm, ruộng, nương, trâu bò đều tham gia vào hợp tác xã, không có tài sản riêng. Lúc gia đình đông nhất là 14 người, gồm bố mẹ, vợ chồng và 9 đứa con tôi, lương thực được hưởng theo định mức (mức ở đây là hợp tác xã chấm công), nên nhà thường xuyên ăn cơm độn khoai, sắn, chuối xanh, củ nâu, củ bấu”.
Chị Nông Thị Vương, con gái thứ 5 của ông Mùi hiện đang là Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Bảo Ái chia sẻ: “Củ bấu ăn chát lắm! Người ta thì dùng để nhuộm quần áo, còn mình thì độn cơm để ăn, khổ lắm anh ạ!”. Tuy khó khăn vất vả, nhưng việc học tập của con cái ông luôn được đặc biệt quan tâm. Ông Mùi kể tiếp: “ Năm 1965, xã Bảo Ái không có trường cấp 2, tôi phải gửi con sang thị xã Tuyên Quang để học. Đến khi con cái học lên cấp 3, tôi lại tiếp tục đưa cháu sang học ở trường xã Vĩnh Kiên (Yên Bình). Khó khăn vậy, nhưng tôi cũng đã cho tất cả các con của mình được ăn học”.
Phải cho con cái được học tập đó là trách nhiệm mà ông luôn tự nhắc nhở mình. Hàng năm, gia đình ông Mùi luôn được huyện và xã công nhận gia đình văn hóa. Cá nhân ông đã vinh dự được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3... Nhưng có lẽ, phần thưởng làm ông vui nhất, hạnh phúc nhất là sự thành đạt của con, cháu: con trai cả của ông Mùi giờ là Phó giáo sư - tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Trưởng phòng Công nghệ trọng điểm gen - Viện khoa học Việt Nam; con trai thứ 2 làm Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai; con trai thứ 3 làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Cục Thuế tỉnh Yên Bái; con trai thứ 4 làm Giám đốc Công ty Xây dựng Lào Cai. Con gái ông, người là thạc sỹ công tác tại Nhà xuất bản Bộ Giáo dục và Đào tạo, người là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học và mầm non tại xã nhà. Con dâu, có người là Giáo sư, tiến sỹ, chủ nhiệm khoa thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ CHí Minh; người làm dược, kế toán, giáo viên. Cháu của ông, người thì đang học thạc sỹ tại Vương quốc Anh, người là sinh viên các trường đại học...
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Phong trào thi đua xây dựng, phát triển tổ chức hội khuyến học, xây dựng dòng họ khuyến học, xây dựng gia đình hiếu học, xây dựng quỹ khuyến học, trao học bổng, giúp đỡ trẻ thiệt thòi có điều kiện học tập và hòa nhập cộng đồng, Phong trào thi đua xây dựng trung tâm học tập cộng đồng..., đã được Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái phát động và hướng dẫn thực hiện hàng năm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB - XH rà soát kỹ tình hình tuyển sinh ĐH, CĐ và học nghề các năm gần đâyTrên cơ sở đó, đánh giá mặt được, chưa được, phân tích nguyên nhân các yếu kém, đối chiếu với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo cùng với việc mở rộng quy mô để từ đó đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 một cách hợp lý.
Báo cáo mới nhất lúc 10 giờ sáng ngày 1/10/2009 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 6 giờ sáng 1/10 đã có 111 người chết và mất tích do cơn bão số 9 gây ra, trong đó 92 người chết và 19 người mất tích. Số bị thương là 199 người. Như vậy, tổng số người chết và mất tích đã tăng thêm 25 người.
YBĐT - Trong năm học 2009 - 2010 này, Yên Bái có gần 92.000 học sinh dân tộc theo học ở các cấp; trong đó có 7.942 học sinh nội trú dân nuôi; 2.107 học sinh dân tộc nội trú.