Vệ sinh môi trường nông thôn: Nan giải!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiện ở Yên Bái, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt khoảng dưới 30%, riêng ở nông thôn chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn, hiện nay khoảng một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao là những bệnh có liên quan đến môi trường phân, nước và rác.

Gầm sàn là “chuồng” trâu, bò. 
(Ảnh chụp tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn)
Gầm sàn là “chuồng” trâu, bò. (Ảnh chụp tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn)

Những năm gần đây, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và ngành liên quan đã tổ chức nhiều phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, xây dựng làng, xã, gia đình văn hoá, làng văn hoá sức khoẻ, rồi xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã… trong đó vệ sinh môi trường là một tiêu chí quan trọng để đánh giá nhưng xem ra, vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn Yên Bái vẫn đang rất nan giải!
  
“Vì mình không thích”

Hiện ở Yên Bái, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt khoảng dưới 30%, riêng ở nông thôn chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn, hiện nay khoảng một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao là những bệnh có liên quan đến môi trường phân, nước và rác.

Đầu tháng 6 năm 2009, khi huyện Văn Chấn đang xảy ra dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả, chúng tôi về xã Nghĩa Sơn, nơi có bệnh nhân có phẩy khuẩn tả đầu tiên để nắm công tác vệ sinh phòng dịch. Qua lãnh đạo xã được biết, nếu như trước đây ở hai thôn Nậm Tộc 1 và Nậm Tộc 2 với tổng số 130 hộ chỉ có 5 hộ có nhà vệ sinh thì hiện tất cả đều đã có. Xã đang tiếp tục vận động tất cả 312 hộ gia đình làm công trình vệ sinh. Tuy nhiên, “thành tích đạt được” chẳng qua là do “nước đến chân mới nhảy”, những nhà vệ sinh tạm bợ được huy động đào sau khi dịch đã xảy ra. Dẫu sao, số đó cũng góp công giữ được phần nào vệ sinh môi trường, giúp người dân bỏ dần thói quen phóng uế bừa bãi.

Cũng kể từ khi có dịch tả xảy ra, người ta mới chú ý nhiều hơn tới việc ăn ở cũng như xây dựng các công trình vệ sinh của các gia đình nông thôn. Trong một chuyến công tác theo dọc quốc lộ 32 từ Văn Chấn lên Mù Cang Chải, chúng tôi quan sát thấy ở hầu hết những ngôi nhà sàn của bà con người Thái từ Gia Hội đến Nậm Búng, Tú Lệ đều buộc trâu, bò, nuôi lợn, gà dưới gầm sàn nhầy nhụa phân gia súc gia cầm. Người dân nông thôn đang sinh sống như vậy, thử hỏi tránh sao được dịch bệnh? Ông Lò Pạu - Chủ tịch UBND xã Gia Hội, huyện Văn Chấn giải thích: “Do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và vệ sinh môi trường nói riêng chưa đầy đủ. Dù tích cực vận động, hiện xã vẫn còn 40% số hộ không có nhà vệ sinh và 40% số hộ còn buộc trâu, bò dưới gầm sàn”.

Còn Trạm trưởng Trạm y tế xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) Hoàng Văn Phới thì báo cáo: “Những năm gần đây, Trạm đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể trong xã vận động nhân dân không chăn thả gia súc nơi đầu nguồn nước sinh hoạt, làm nhà vệ sinh để giữ sạch môi trường phòng dịch bệnh. Nhưng buồn thay, cả xã vận động được  43% số hộ làm nhà vệ sinh thì chỉ có 30% số hộ sử dụng còn 13% bỏ không. Xã có 27% số hộ là đồng bào dân tộc Thái thì có tới 70% buộc gia súc dưới gầm sàn”. Tại xã Xà Hồ, huyện vùng cao Trạm Tấu, nơi có trên 400 hộ đồng bào Mông sinh sống thì trên 90% số hộ chưa có nhà vệ sinh. Gặp gỡ các anh Giàng A Cửa ở thôn Sáng Bao, Vàng A Chống ở thôn Khấu Ly và chị Giàng Thị Sử ở thôn Háng Thồ hỏi vì sao không làm và sử dụng nhà vệ sinh, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời hồn nhiên: “Vì mình không thích!”.

Cán bộ Trạm Y tế và bà con xã Phúc Sơn (Văn Chấn) rắc vôi bột khử trùng quanh nhà trong đợt dịch tiêu chảy cấp đầu tháng 6/2009.

Nhân rộng những kinh nghiệm hay

Hiện nay trên địa bàn Yên Bái cũng như trên cả nước, nhiều loại dịch bệnh đang bùng phát mạnh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Yên Bái đã có tới 2 đợt dịch bệnh nguy hiểm, hết tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả rồi bây giờ là cúm A/H1N1. Do vậy, việc tập trung vận động nhân dân có thói quen sử dụng nhà tiêu tự xây dựng đơn giản đến nhà tiêu hợp vệ sinh cũng như di chuyển chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn là một trong những điều kiện quan trọng cải thiện vệ sinh môi trường. Đây là một trong các giải pháp đồng bộ hiệu quả nhằm từng bước giảm tỷ lệ người dân nông thôn mắc các bệnh dịch do “môi trường bẩn” gây ra như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, các bệnh giun, sán…

 Với tỷ lệ chiếm tới 90% gia đình ở nông thôn chưa có nhà tiêu hoặc nhà tiêu không hợp vệ sinh đã cho thấy thực trạng vệ sinh môi trường cũng như tình hình dịch bệnh có liên quan đến sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn đặc biệt là vùng cao, vùng xa đang rất khó kiểm soát.

Theo chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, đến năm 2010 Việt Nam phải đạt 70% dân số nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Mục tiêu này rất khó có thể đạt được, đặc biệt với đối tượng là người nghèo. Nguyên nhân cơ bản là thiếu kiến thức về vệ sinh, đặc biệt là kiến thức về sự lây truyền dịch bệnh từ phân đến người, vẫn giữ các thói quen, hành vi vệ sinh như rửa tay không đúng cách, ăn thực phẩm không nấu chín, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng Yên Bái đã hợp tác với Tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tranh thủ sự tài trợ của Quỹ Codespa (Tây Ban Nha) triển khai mô hình cải thiện vệ sinh dựa trên cơ chế thị trường được gọi là “Dự án phát triển thị trường vệ sinh”. Dự án phát triển và tiếp thị xây dựng nhà tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, phong tục tập quán để người dân có thể chấp nhận áp dụng gồm 4 loại: nhà tiêu tự hoại bể, nhà tiêu tự hoại cải tiến đúc bằng ống bi, nhà tiêu 2 ngăn đơn giản và nhà tiêu đào cải tiến có ống thông hơi.

Sau 2 năm thực hiện Dự án giai đoạn I tại 5 xã ở Văn Yên đã có 1.304 nhà tiêu được xây dựng mới và cải tạo, trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng do các hộ tự đầu tư. Nhà tài trợ chi cho các hoạt động khoảng 600 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 9% năm 2006 lên 37% năm 2007. Giai đoạn II Dự án đang tiếp tục mở rộng ra nhiều xã ở huyện Văn Yên và Lục Yên.

Việc tranh thủ các chương trình, dự án đầu tư cho xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh là hết sức quan trọng. Nhưng cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng vào cuộc tuyên truyền vận động nhân dân trước hết làm nhà tiêu tạm, tạo ra thói quen vệ sinh đúng chỗ và di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn là việc làm trước hết. Cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu cho dân noi theo.

Nói về những thành công trong việc vận động các gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, anh Hoàng Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã tâm sự: “Xã đặt ra yêu cầu, mỗi gia đình cán bộ, đảng viên đều phải có nhà tiêu hợp vệ sinh, không nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn và coi đây là tiêu chí thi đua bình xét khen thưởng, phân xếp loại hàng năm để phấn đấu xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế”. Có lẽ đây cũng là một trong những giải pháp tốt, kinh nghiệm hay để các địa phương khác áp dụng trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay.

Đào Minh

Các tin khác
Học sinh lớp 12A6 (ban A) Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trao đổi sau buổi thi giữa học kỳ 1. Những học sinh này có thể sẽ không còn phải làm phần đề riêng trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới

Thảo luận góp ý cho quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2010 là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong hội thảo về công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 8-10 tại Hà Nội.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 8-10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc, 121,3 độ kinh đông, trên khu vực đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

YBĐT - Ngày 8/10/2009, đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với ngành Y tế và các ngành liên quan nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác y tế từ đầu năm đến nay, cũng như định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

YBĐT - Theo báo cáo của Sở y tế Yên Bái, đến ngày 7/10/2009 có 7/9 huyện thị xuất hiện dịch cúm. Các ổ dịch cúm phát hiện tại 16 trường học và một tổ dân phố. Riêng hai huyện Văn Yên và Mù Cang Chải chưa xuất hiện dịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục